Tin tức/(Trường tiểu học Hùng Sơn)/Giáo dục và Đào tạo/
Nâng cao năng lực cho cán bộ, GV dạy học mô hình VNEN hè 2015
Nâng cao năng lực cho cán bộ, GV dạy học mô hình VNEN hè 2015
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ GV dạy học mô hình VNEN ở các địa phương, trong tháng 7/2015, đã diễn ra 5 đợt tập huấn dạy học mô hình VNEN cấp cụm tỉnh, thu hút hơn 11.000 học viên tham dự. Đây cũng là năm đầu tiên, nhiều cán bộ giáo viên ở các trường nhân rộng (không nằm trong dự án) được tham gia tập huấn do Ban quản lý dự án VNEN tổ chức.

Năm nay, nội dung tập huấn được Ban tổ chức chuẩn bị khá kỹ lưỡng, tập trung vào 5 vấn đề chính:

- Nhiệm vụ và kỹ năng của GV trên lớp (trên cơ sở nhận biết cách học sinh tự học: học cá nhân, học cặp đôi,học nhóm và học cả lớp và cách GV dạy: tổ chức, hướng dẫn, đánh giá và hỗ trợ học sinh)

- Phương pháp nghiên cứu bài học, cách điều chỉnh bài hướng dẫn học (HDH)

- Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, hoạt động của hội đồng tự quản, nhà trường và cuộc sống

- Đánh giá học sinh theo thông tư 30

- Quay video giờ học VNEN

 

Cách thức tập huấn được tổ chức theo mô hình VNEN, các học viên được ngồi theo nhóm và tự nghiên cứu, trải nghiệm là chính. Học viên làm việc cá nhân để có sản phẩm cá nhân, sau đó chia sẻ trong cặp đôi và trao đổi trong nhóm, như điều chỉnh bài hướng dẫn học, quay video tiết học…, vì vậy học viên tham dự tập huấn phải có máy tính để chia sẻ, trao đổi sản phẩm giữa các học viên với nhau và giữa học viên với báo cáo viên.


Học viên tự học trong nhóm tại cụm tỉnh Phú Thọ,Quảng Ninh

 

Học viên chia sẻ, trao đổi trong nhóm

 

Ngoài tài liệu cho học viên và các Slide trình chiếu đảm bảo tính thống nhất trong các lớp, các đợt tập huấn, năm nay Ban quản lý dự án VNEN và Vụ giáo dục tiểu học đã chuẩn bị một hệ thống băng hình minh họa các tiết học và các hoạt động GD của mô hình VNEN khá phong phú và có chất lượng. Đây là điểm mới và cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của đợt tập huấn hè 2015. Nhờ có băng hình minh họa, các học viên (nhất là học viên ở các đơn vị nhân rộng) được trải nghiệm “dự giờ”, được “nghe”, được “thấy” các hoạt động tổ chức lớp học, hoạt động dạy và học trong lớp VNEN một cách rõ ràng, không mơ hồ.

 

Đợt tập huấn năm nay, đối tượng tham dự được mở rộng, không chỉ là cán bộ, GV các trường nằm trong dự án, mà rất nhiều học viên trong các trường “nhân rộng” cũng tham dự. Vì vậy, để chuẩn bị trước về tâm lý, về kiến thức VNEN cho các học viên này, nhiều địa phương đã tổ chức giới thiệu, cung cấp cho các học viên những hiểu biết cơ bản nhất về mô hình VNEN, giúp các học viên chủ động tiếp nhận các nội dung của đợt tập huấn trung ương. Chẳng hạn như ở Hải Phòng- địa phương chỉ có duy nhất 1 trường trong dự án (trường tiểu học Đằng Lâm, quận Hải An), đã chủ động nhân rộng mô hình ra nhiều quận huyện khác. Đến năm học 2015-2016 toàn thành phố đã có 127 trường tự nguyện nhân rộng mô hình VNEN, trong đó có nhiều quận huyện triển khai mô hình VNEN tới 100% số trường tiểu học như: Hải An, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Dương Kinh. Trước đợt tập huấn trung ương hè 2015, Sở giáo dục & đào tạo Hải Phòng đã chỉ đạo cho các Phòng GD quận huyện tổ chức buổi “tiền tập huấn” cho 100% GV các trường triển khai mô hình VNEN, nhằm giúp các học viên ở các đơn vị nhân rộng nắm được bản chất của mô hình VNEN, đồng thời xác định rõ mục đích yêu cầu của đợt tập huấn trung ương để chủ động tham gia.

Ngoài ra, để hỗ trợ học viên một cách thiết thực, Ban quản lý dự án VNEN đã cử các chuyên gia, các chuyên viên của Vụ GDTH trực tiếp đến giám sát và chia sẻ kịp thời những khó khăn vướng mắc của học viên.

 

Nhà giáo lê Tiến Thành, chuyên gia cao cấp dự án VNEN

trao đổi với các học viên tại Cụm Hải Phòng

 

Nhà giáo Nguyễn Đình Khuê, tư vấn cao cấp dự án VNEN chia sẻ với học viên về nguyên tắc ra đề kiểm tra định kỳ theo 3 mức độ tại cụm Hà Nội

Mặc dù đợt tập huấn lần này có quy mô rất lớn, nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo cả về nội dung và công tác tổ chức, cùng với tinh thần học tập nghiêm túc, tích cực của các học viên, đợt tập huấn VNEN hè 2015 ở 38 cụm tỉnh đã đạt được mục tiêu đề ra và được đánh giá là rất thành công. Học viên không chỉ hiểu rõ hơn về cách dạy, cách học, cách đánh giá học sinh, cách tổ chức quản lý lớp học, cách tham gia của cộng đồng vào học VNEN, mà còn được học khá kỹ về kỹ thuật điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học, cách ra đề kiểm tra định kỳ theo 3 mức độ, cách quay video giờ học VNEN…

Báo cáo viên tiếp nhận và chia sẻ ý kiến từ các nhóm

 

Các nhóm chia sẻ ý kiến trước lớp

 

Kết thúc đợt tập huấn, hầu hết học viên đều đã có những hiểu biết cơ bản về mô hình trường học mới và có những sản phẩm cá nhân về các nội dung này. Thông qua hoạt động trải nghiệm nghiệm, thực hành một cách nghiêm túc, từng học viên chẳng những giải tỏa được nhiều băn khoăn, mà còn tạo dựng được niềm tin về tính khả thi và hiệu quả của mô hình VNEN. Hứa hẹn, năm học mới 2015-2016 sẽ có nhiều thay đổi cả về nhận thức và hành động trong từng cán bộ,GV, trong mỗi nhà trường để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục học sinh. 

 
 

 “Với tôi đợt tập huấn này thật tuyệt vời. Mặc dù năm trước khi đi tập huấn ở tỉnh tôi đã say mô hình VNEN rồi (trong diện trường nhân rộng, không bắt buộc, nhưng tôi và một GV nữa đã xin với nhà trường cho dạy thử nghiệm lớp 3, mặc cho có những người không tin tưởng. Kết quả sau một năm, tuy chưa nhiều, nhưng phải khẳng định là hơn hẳn cách dạy truyền thống, học sinh không thụ động nghe cô giảng và làm theo cô như trước, mà mạnh dạn, tự tin, thể hiện mình, chủ động nói ra những điều muốn nói.

Quả thật, năm ngoái tôi còn mơ hồ, nhưng sau đợt tập huấn này tôi mở mang ra rất nhiều. Nhận thức của tôi về mô hình VNEN thực sự sáng tỏ, nhất là về thực chất cách dạy, cách tổ chức hướng dẫn của GV, cách nghiên cứu, điều chỉnh bài hướng dẫn học, hội đồng tự quản… Đặc biệt, về thông tư 30, trước đây vì chưa hiểu, nên chính tôi phản đối rất nhiều, nhưng sau tập huấn, tôi thấy nhẹ nhõm vì không phải gò bó như mình tưởng, không nhất thiết bài nào cô cũng phải chấm và nhận xét. Hơn nữa, việc nhận xét bằng lời, hay ghi vào vở, ngắn hay dài đều là do cô cả, chứ không phải nhận xét để kiểm tra, xếp loại GV…Đợt tập huấn 4 ngày thôi, nhưng đã cho tôi cả “kho” tài liệu quí giá, để khi về trường tôi tiếp tục nghiên cứu, vận dụng…”

                                                                              Nguyễn Thị Điệp, giáo viên trường tiểu học

                                                                             Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

 

“Là GV trường nhân rộng VNEN, nên đây là lần đầu tiên được tham dự lớp tập huấn của BQL Dự án trung ương. Tôi vỡ ra nhiều điều…Chẳng hạn, nói GV trong lớp VNEN không giảng bài, nhưng không cứng nhắc, khi các nhóm gặp khó khăn, hoặc có các ý kiến khác nhau, không thống nhất liên quan đến kiến thức thì GV phải hỗ trợ, phải chốt, không để “trôi” đi. Hoặc kỹ năng cách quan sát, giúp đỡ những học sinh học yếu, khích lệ học sinh khá giỏi…GV không nhất thiết phải đi lại trong lớp quá nhiều, sa đà vào giảng giải cho từng nhóm. Xem băng hình minh họa, tôi thấy học sinh của mình chưa thể tự quản, tự học một cách thành thạo như thế, nhưng sẽ phải kiên trì từng ngày. Tập huấn lần này, tôi tâm đắc nhất là việc nghiên cứu, điều chỉnh tài liệu, làm sao để có những chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể, để học sinh đọc là hiểu, hiểu là biết mình phải làm gì. Điều này, chắc chắn phải tăng cường sinh hoạt chuyên môn, chứ từng GV sẽ rất khó khăn.

          Bùi Thị Minh Tâm, GV tiểu học Tam Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

 

“Tôi là khối trưởng khối 2 trường tiểu học Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Năm học 2015-2016 trường chúng tôi mới bắt đầu áp dụng mô hình VNEN ở khối lớp 2. Nên hiểu biết của chúng tôi về mô hình VNEN còn rất sơ sài. Thú thực, buổi đầu tiên tham dự lớp tập huấn, tôi thấy bỡ ngỡ với nhiều nội dung mới quá. Rồi, khi xem băng hình minh họa tiết học VNEN ở Lào Cai, tôi thấy học sinh tự chủ, tự học tốt quá, đâm ra lo lắng, vì học sinh của tôi ở khu lẻ rất nhút nhát. Nhưng sau 4 ngày tập huấn, thì tôi đã sáng tỏ ra nhiều điều và tin là từng bước mình sẽ thực hiện được. Nếu có sách sớm, chúng tôi sẽ SH chuyên môn trong khối để rà lại các bài hướng dẫn học, bài nào chưa ổn, thì sẽ điều chỉnh, chia nhỏ và chi rõ các hoạt động (hoặc theo các việc) để nhìn vào đó, học sinh có thể tự học được. Chỉ khi nào các em có khó khăn, cần sự trợ giúp, thì GV mới hỗ trợ…

     Đào Thị Thúy, GV trường tiểu học Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

 

“Đợt tập huấn lần này rất hay là đã đi sâu vào chuyên môn, hoạt động sư phạm của GV. Hiện nay, tâm lý của rất nhiều GV dạy theo mô hình VNEN là sợ học sinh không hiểu, không nắm chắc kiến thức, cho nên sau mỗi hoạt động GV thường dừng lại để “chốt” kiến thức. Qua đợt tập huấn này, tôi thấm thía hơn nhiệm vụ và kỹ năng cần có của GV trên lớp, cũng như qui trình “tự học” của học sinh. Chẳng hạn đã nói đến hoạt động học, trước hết phải là học cá nhân, tiếp đến là học theo cặp đôi, sau đó mới học theo nhóm và học cả lớp (khi cần). Ở lớp VNEN, GV dù không phải soạn giáo án nhưng lại phải nghiên cứu bài học rất kỹ. Lớp tập huấn đã trang bị cho chúng tôi kỹ năng nghiên cứu tài liệu và cách thức điều chỉnh tài liệu khi cần thiết. Trên cơ sở khả năng, trình độ của học sinh mình, xem xét tài liệu hướng dẫn học hiện có phù hợp đến đâu, phần nào là chưa phù hợp, cần bổ sung, thì lúc đó mới phải điều chỉnh và việc điều chỉnh phải đảm bảo rõ ràng, để nhìn vào đó học sinh tự làm được. Việc này chúng tôi sẽ chỉ đạo GV trao đổi, thảo luận, thông qua tổ chuyên môn tránh lạm dụng sự điều chỉnh, vừa gây thêm sự vất vả cho GV, vừa ảnh hưởng đến nội dung bài học...”

Nguyễn Thu Hoài, hiệu phó trường tiểu học Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh

 
 
Ngày 17/08/2015
Hải Yến
Truyền thông VNEN
Tác giả: Hải Yến

Xem thêm

Văn bản mới

Dân vũ 'Rửa tay'
Niềm vui ngày khai trường
  • Thông báo
  • Ba công khai
Website Đơn vị