Giáo sư Trần Văn Giàu, 95 tuổi (TP.HCM, tháng 7/2005). Ảnh: Nguyễn Bá Cường.
Đối với lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tên tuổi của Giáo sư Trần Văn Giàu gắn liền với giai đoạn đầu của quá trình xây dựng đầy gian khó nhưng lại tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển hết sức vẻ vang của Nhà trường.
Năm 1951, Trường Sư phạm cao cấp được thành lập tại Khu học xá trung ương (Nam Ninh - Trung Quốc). Tháng 11 năm 1954, chỉ sau 2 tháng tiếp quản Thủ đô, dựa trên cơ sở Trường Sư phạm Cao cấp, Văn khoa, Khoa học, Chính phủ đã quyết định thành lập Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học. Nhà cách mạng, nhà giáo dục Trần Văn Giàu là người đầu tiên đảm nhận công tác lãnh đạo Đảng bộ Nhà trường, kiêm giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử cận hiện đại thế giới và Lịch sử cận đại Việt Nam. Bởi thế, lịch sử phát triển các ngành Lịch sử, Giáo dục Chính trị, Triết học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại được gắn liền với tên tuổi của Giáo sư Trần Văn Giàu với tư cách là người sáng lập.
Giáo sư Trần Văn Giàu thời trẻ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu
Hai người "đồng chí", "đồng niên", đồng Chủ tịch danh dự Hội khoa học Lịch sử Việt Nam.
Ảnh (chụp lại): Nguyễn Bá Cường
Dù trải qua nhiều cương vị công tác, dù sống và làm việc ở Miền Bắc hay Miền Nam, Giáo sư Trần Văn Giàu luôn giành cho toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội những tình cảm đặc biệt thân tình, ấm áp. Theo người cháu của Giáo sư kể lại: Lúc còn khoẻ cứ có ai ngoài Bắc vô thăm, Cụ đều hỏi đến sự tiến bộ của Trường Sư phạm I thế nào rồi? Có gì mới không?. Chúng tôi được biết, hồi đầu năm 2010, Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Nhà trường dẫn đầu đoàn cán bộ cốt cán vào thăm hỏi sức khoẻ Giáo sư. Sau khi nghe báo cáo tình hình công tác của Trường, Giáo sư tỏ ra rất vui mừng, hài lòng và khuyến khích thầy trò cùng mau tiến bộ.
Phong thái Nhà hiền triết ở tuổi 95 (tháng 7/2005). Ảnh: Nguyễn Bá Cường
Giáo sư Trần Văn Giàu là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, sức sáng tạo, sự tận hiến phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, là mẫu mực về nhân cách, năng lực trí tuệ tâm huyết của nhà sư phạm, nhà khoa học nhà cách mạng cả trong thực tiễn và tư tưởng, tiêu biểu cho lớp trí thức đầu tiên của nước Việt Nam mới, xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo sư Trần Văn Giàu tại Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I, 1996). |
Giáo sư Trần Văn Giàu tại Lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (2000).
Giáo sư Trần Văn Giàu và phu nhân cùng ở tuổi 90 (ảnh chụp lại- NBC)
Sự ra đi của Giáo sư Trần Văn Giàu - Cây đại thụ của ngành khoa học xã hội nhân văn (Lịch sử, Triết học, Chính trị học, Văn học,...), Nhà cách mạng kiên trung, Nhà khoa học lỗi lạc, Nhà sư phạm mẫu mực,... là một tổn thất to lớn đối với Nhân dân và Đất nước Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn hoá - giáo dục của Giáo sư Trần Văn Giàu mãi mãi là di sản quý báu trong sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển nền khoa học - văn hoá - giáo dục Việt Nam thực sự mang tầm vóc thế giới.
Nụ cười Giáo sư Trần Văn Giàu thắm mãi.
Với lòng biết ơn sâu sắc, toàn thể cán bộ, học sinh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xin được thắp nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ Giáo sư Trần Văn Giàu và nguyện tiếp tục phấn đấu không ngừng noi gương Giáo sư trong công tác, học tập và cống hiến để xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển và hội nhập thành công vào nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Nhà sư phạm mẫu mực với tương lai đất nước. Ảnh tư liệu
Tin bài: Nguyễn Anh.
Bài viết có tham khảo sách Lịch sử Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Nxb Đại học Sư phạm, 2006) và tổng hợp từ các báo điện tử.
Có lần Giáo sư Trần Văn Giàu nói với học trò của mình: “Mấy cô, mấy chú bây giờ trưởng thành cả rồi, tôi rất mừng. Mấy cô, mấy chú gọi tôi là thầy, tôi không dám nhận đâu. Tôi có may mắn được là người lên lớp cho mấy cô, mấy chú chứ còn làm thầy khó lắm. Không phải cứ ai lên lớp cho mình đã có thể trở thành thầy mình đâu. Đời tôi chỉ có hai người thầy - Đó là Cụ Hồ và khoa học Lịch sử. Cụ Hồ dạy tôi làm người sống có ích cho dân, cho nước mình. Còn khoa học Lịch sử dạy tôi phải trung thực. Trung thực với đời khó mà dễ. Còn trung thực với mình mới khó. Vì mình có trung thực với mình hay không chỉ có mình mình biết mà thôi”. |