Học sinh bỏ học, thầy cô phải bằng mọi cách vận động ra lớp. Học sinh học yếu cũng khó được quyền ở lại. Học sinh quá tuổi cũng không thể được nhận vào trường…là những câu chuyện đã được phản ánh rất nhiều trên báo chí thời gian qua.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy cũng bắt nguồn từ hai tiếng “phổ cập”.
Phổ cập đã làm khổ biết bao người, phổ cập đã làm giáo dục tràn lan tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, phổ cập buộc thầy cô dối trá, buộc nhà trường làm láo để báo công…
Thế nên không ít người thắc mắc, phổ cập là gì mà mệt mỏi đến thế?
Ảnh chụp màn hình phóng sự Giải pháp duy trì bền vững phổ cập giáo dục mầm non, Ban Thời sự VTV phỏng vấn ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguồn: VTV.vn. |
Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 31/2011/NĐ-CP định nghĩa phổ cập giáo dục như sau: Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức để mọi công dân đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của Nhà nước.
Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Có thể nói điều khoản ghi trong Nghị định 31/2011/NĐ-CP là hoàn toàn đúng đắn và nhân văn.
Thế nhưng đến các cơ sở giáo dục vì thành tích, họ đã biến những điều tốt đẹp trên thành những nỗi ám ảnh không chỉ cho giáo viên, cho cán bộ quản lý các nhà trường mà còn làm cho không ít học sinh bị thiệt thòi trên con đường học tập.
Dạy một buổi, buổi đi điều tra phổ cập
Trước những năm 2000 giáo viên tiểu học phải quay chong chóng với việc điều tra phổ cập.
Thầy cô một buổi đến trường, buổi còn lại khi đi vào từng khu phố, thôn xóm để điều tra tình hình học sinh còn đi học (học lớp mấy?) hay đã bỏ học? (bỏ lớp nào?). Có lúc giáo viên lại phải ngồi với hàng chồng sổ sách ghi chép, rà soát, đối chiếu đến mờ hai con mắt.
Có số liệu về lập danh sách, ghi sổ điểm, sổ đăng bộ rồi thống kê, đối chiếu với những số liệu năm trước, giữa các xã phường, thôn xóm…rồi báo cáo cho giáo viên phụ trách chuyên phổ cập của trường.