Ngày: 14/03/2018
Trong buổi làm việc với phụ huynh, nhà trường, cô N. thừa nhận những hành vi trên của mình, xin lỗi mong được bỏ qua. Cô giải thích mình là giáo viên mới về, nếu dễ các em sẽ không sợ mà sao nhãng việc học nên sử dụng các hình phạt. Phụ huynh làm căng, đòi đổi giáo viên, chuyển lớp, tranh cãi qua lại dẫn đến sự việc gây chấn động dư luận: cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh.
Sự việc "cô giáo quỳ" xảy ra tại Trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An.
Trong sự việc, cô N. thấy rõ mình sai và ngoài những yếu tố khách quan tác động (áp lực, hiệu trưởng quay lưng, phụ huynh làm căng...) thì chính cái sai của bản thân là lý do hàng đầu để cô chấp nhận quỳ xuống, mong được cho qua chuyện.
Hành vi của phụ huynh trong sự việc là không thể chấp nhận, về cả lý lẫn tình. Nhưng không vì phụ huynh sai mà quên không nhìn thẳng vào cái sai của cô giáo. Cái sai của phụ huynh là tiếp nối cái sai của giáo viên.
Cô N. phạt học sinh quỳ gối, nhiều em không làm sai nhưng cô cũng... phạt quỳ cả lớp, yêu cầu các em quỳ trong thời gian dài - đó không chỉ là lỗi sư phạm. Đó không phải là sự nghiêm khắc mà là hành vi hành hạ trẻ. Không chỉ là phạt, là đánh, cô N. còn thể hiện cho tư duy giáo dục con trẻ bằng sự hù dọa và nỗi sợ hãi. Đây là lỗi không ít giáo viên đang mắc phải và được bao biện bởi với tấm lá chắn vì con trẻ, yêu cho roi cho vọt.
Phụ huynh không chấp nhận lời xin lỗi, gây căng thẳng, làm ầm ĩ: "Cô bắt con người ta quỳ rồi xin lỗi là xong à? Cô quỳ thử xem chịu nổi không?". Sau lời qua tiếng lại, muốn giải quyết cho xong việc, cô N. đã buông xuôi.
Trong hoàn cảnh này, có thể chịu tác động nhiều phía nhưng bối cảnh ở trường học, trong tâm thế của một người thầy, cô N. hoàn toàn có thể từ chối yêu cầu vô lý, vô tình của phụ huynh - không như những học trò tiểu học, các em chưa có khả năng kháng cự hình phạt của giáo viên. Nhiều tình huống, hoàn cảnh bức bách hơn nhưng mỗi người vẫn phải tìm cách để bảo vệ nhân phẩm và tự trọng của mình.
Một số ý kiến cho rằng, cô giáo N. chấp nhận quỳ gối vì cô không đã không có tự tôn với nghề nghiệp, đã hạ nhân phẩm của bản thân. Hoặc vì rằng cô phạt học sinh quỳ để làm cho các em sợ, phải tập trung vào việc học nên trong tâm thức cô nghĩ khi cô quỳ là giải quyết được mọi việc.
Chia sẻ với cô giáo trong sự việc này, ThS tâm lý Lê Minh Huân (ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng việc xử phạt học sinh của cô giáo cần xét trên nhiều khía cạnh, thái độ, mong muốn của giáo viên. Chưa bàn đến việc xử phạt như vậy có “sư phạm” hay không nhưng ở góc độ nghề nghiệp, luật giáo dục và chuẩn đạo đức giáo viên không chấp nhận áp dụng hình thức quỳ gối thì trước hết, người làm giáo dục cần tuân thủ. Trong sự việc này, cô giáo đã thiếu cân nhắc đến hậu quả khi phạt học sinh quỳ gối - hình phạt mà bây giờ mọi người rất khó cảm thông.
Theo ThS Huân, nếu giáo viên sai hoặc thiếu kiềm chế cảm xúc mà vi phạm thì cần nhận lỗi và khắc phục. Còn cố ý hoặc lạm dụng các hình phạt, thậm chí các hình phạt phản sư phạm thì giáo viên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Chị Phạm Mai, một người quan tâm đến giáo dục bày tỏ, có một chi tiết liên quan đến cô giáo cần xác định là cô chỉ phạt trẻ như vậy từ sau khi nghỉ sinh con hay đã làm vậy từ trước. Nếu việc xử phạt này chỉ diễn ra sau thời gian cô nghỉ thai sản có thể cô bị trầm cảm sau sinh. Trong trường hợp này, cô là người bệnh, cần được hỗ trợ điều trị chứ không thể kỷ luật cô.
Còn nếu cô đã xử phạt học sinh từ trước thì cứ theo quy định xử lý tùy mức độ vi phạm. Còn phụ huynh kia nếu xác định đúng là bắt cô giáo quỳ thì theo quy định của luật phát để xử lý.
Cô giáo có điều kiện để không quỳ
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Khách quan để nói thì nguyên nhân dẫn đến việc cô giáo quỳ trước phụ huynh xuất phát từ hành vi không chuẩn mực của cô giáo.
Chưa có căn cứ chắc chắn để xác định vị phụ huynh có dùng vũ lực hay hình thức khác để bắt buộc cô giáo quỳ hay không. Mặt khác, trong hoàn cảnh đó cô giáo hoàn toàn có điều kiện để không phải quỳ trước bất cứ ai và hoàn toàn có thể lựa chọn các giải pháp khác. Quỳ trước mặt phụ huynh không chỉ làm nhục chính mình và làm giảm sút sự thanh cao của nghề giáo. Cô giáo cũng có phần lỗi lớn trong chuyện này.
Ở góc độ pháp lý, nếu chứng minh được vị phụ huynh bắt ép cô giáo quỳ, kèm theo những lời lẽ thô tục và với mục đích là để làm nhục cô giáo một cách công khai, thì có thể khởi tố vị phụ huynh này về hành vi “làm nhục người khác”. Nhưng chứng minh được điều này là rất khó, nên quan điểm phải khởi tố vụ án là chưa có căn cứ vững chắc.
Tuy nhiên, dù có ép buộc hay không, sự kiên nhẫn của vị phụ huynh trong việc chứng kiến một cô giáo quỳ trước mặt mình trong 40 phút như một lời xin lỗi mình là vô nhân đạo, coi thường nghề giáo. Điều đó cần sự lên án là cần thiết. Hành vi này có dấu hiệu hình sự, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cần thiết phải xử lý hành chính và kỷ luật Đảng.
Hoài Nam