VÌ SAO HỌC SINH TIỂU HỌC MẤT DẦN KHẢ NĂNG VIẾT VĂN?
Viết văn là một trong những kỹ năng cơ bản tối thiểu của lứa tuổi học trò. Thế nhưng trong những năm gần đây tìm ra một bài văn hay của học sinh Tiểu học là vô cùng hiếm.
Tôi nhớ cách đây khoảng 10-15 năm về trước lúc chúng ta đang học chương trình cũ, tôi đã từng dạy ở một trường vùng ven biển, thời đó trường lớp còn lụp xụp, cũ kỹ, cuộc sống người dân còn đang nghèo lắm. Thế nhưng học sinh nơi đây vẫn có nhiều em dự thi môn văn cấp huyện, cấp tỉnh và đặc biệt là văn của các em viết hay lắm, cách sử dụng câu từ, ý rất tinh tế, nhiều bài kiểm tra của học sinh tôi còn lưu và thỉnh thoảng xem lại. Còn bây giờ học trò viết Văn rất kém, câu không ra câu, ý không ra ý, đoạn không ra đoạn. Thậm chí cả bài văn không thèm dùng dấu câu, chưa nói đến cách trình bày (thể thức văn bản), bố cục, phân đoạn...
Chương trình hiện nay cấu trúc môn Tiếng Việt ở Tiểu học có rất nhiều phân môn và có sự bố trí rất hợp lí. Đầu tuần là tiết Tập đọc, kể chuyện, tiếp là phân môn Chính tả, (môn Chính tả các em lại được củng cố chữ viết, cách trình bày câu văn, đoạn văn, cách dùng dấu câu…) với nội dung bài tập đọc vừa học, tiếp đến là phân môn Luyện từ và câu, các em lại được luyện lại cách dùng từ đặt câu trong chủ đề mình mới được học, tiếp đến là phân môn Tập viết, các em lại được luyện chữ và cuối cùng là phân môn Tập làm văn. Nói tóm lại tất cả các phân môn trên ngoài mục đích rèn cho học sinh những kỹ năng cơ bản là nghe - nói – đọc – viết, chúng có mối quan hệ qua lại với nhau, tương hỗ cho nhau, và cuối cùng là tập trung cho phân môn Tập làm văn (kỹ năng viết). Từ đọc, kể, đặt từ câu, viết chính tả, tập viết và phân môn cuối cùng là tập trung cho kỹ năng viết văn, các thể loại văn cũng thuộc các chủ đề các em đã học.
Thảo luận nhóm trong giờ Tiếng Việt lớp 4. Ảnh minh họa: |
Mỗi tuần mỗi tiết Tập làm văn vào cuối tuần, thường thì bài làm văn miệng rồi mới đến bài thực hành (viết), nghĩa là trước khi viết bài văn vào vở thì các em học sinh được làm bài văn miệng, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Và thể loại văn cũng theo chương trình học trong các tuần theo chủ đề, chủ điểm. Ví dụ ở chương trình lớp 4 trước khi viết văn kể chuyện, các em được học các bài tập đọc về chủ đề văn kể chuyện, tiếp theo là viết các bài chính tả, tiếp là tiết luyện từ và câu, tập viết... đều liên quan đến văn kể chuyện. Mỗi chủ điểm như thế nội dung rất đồng tâm và có tính tích hợp cao.
Thế nhưng không hiểu sao thực tế hiện nay có nhiều bài văn của học sinh đọc lên nghe mà cười ra nước mắt, có lẽ các em không có kiến thức tối thiểu viết văn, còn kiếm ra những bài văn tạm chấp nhận được thì cực hiếm, chưa nói tới những bài văn hay!
Có phải do tập trung vào môn Toán?
Thực tế hiện nay thấy rằng học sinh học toán bây giờ lại lên ngôi! Kể cả phụ huynh gửi con học thêm cũng tìm thầy cô dạy giỏi Toán, các nhà trường cũng đua nhau bồi dưỡng môn toán! Vì các kì thi học sinh giỏi bây giờ thi môn Toán (cụ thể là kì thi giải toán qua mạng Violimpic Toán), còn Văn thì chỉ thi môn chữ viết, học sinh chỉ chép lại một văn bản nào đó sao cho đúng thể thức văn bản, đúng cỡ chữ, đúng khoảng cách, đúng tốc độ và nét chữ đẹp là được. Với cách thức tổ chức thi như vậy thì xem ra chúng ta đang xem nhẹ môn viết văn. Học sinh cứ cuốn theo “thi gì học vậy” có nghĩa là môn Tiếng Việt thì học sinh lo luyện chữ, và học môn Toán cho chắc.
Theo một số giáo viên tâm sự thì thi gì thì dạy nấy. Thậm chí các Tạp chí chuyên ngành cũng tập trung vào môn Toán, như Toán tuổi thơ, chỉ có một tờ Thế giới trong ta mới có vài trang dành cho “Văn hay chữ tốt”. Vậy nói chung các nhà trường Tiểu học, phụ huynh bây giờ cũng tập trung đầu tư cho học sinh học Toán. Cách thi môn Văn ở Tiểu học cũng thấy sự chênh vênh, cụ thể là mấy năm nay hầu như tổ chức thi môn chữ viết thay cho môn viết Văn, nên dẫn đến cách dạy môn Tiếng Việt chỉ thiên về luyện chữ chứ ít quan tâm đến kỹ năng viết Văn.
Hậu quả của sự đầu tư không cân bằng giữa các môn học có thể làm cho một thế hệ mất dần khả năng viết Văn.