Dạy học theo nhóm cộng tác là một trong những nhiệm vụ trong tâm được ngành tiếp tục chỉ đạo áp dụng trong năm học 2015 -2016. Hầu như tiết học nào chúng ta cũng có thể áp dụng nhóm cộng tác. Và trong năm học này trường Tiểu học Đoan Bái số 2 tiếp tục đẩy mạnh nhóm cộng tác để phát huy tối đa được năng lực của các em. Một trong các tiết dạy có áp dụng nhóm cộng tác hiệu quả và giúp tôi rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình công tác là tiết Toán lớp 4, bài Luyện tập ( dạng toán Nhân một số với một tổng, Nhân một số với một hiệu) do đồng chí Trần Thị Tuyến dạy theo phương pháp xâu chuỗi tiết học vào ngày 25 - 11 - 2016.
Trong hoạt động 1 học sinh thực hành trên phiếu học tập. Học sinh cả lớp tích cực, tự giác khi được giao nhiệm vụ: Tính nhanh.
Ở vài phút đầu tất cả học sinh đều tập trung làm bài.
Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh gặp khó khăn nhưng các em chưa biết tìm kiếm sự trợ giúp và khá lúng túng.
Chính lúc này giáo viên đã giúp các em tự tin hơn khi cô giáo khuyến khích các em có thể tìm sự trợ giúp của bất cứ bạn nào trong lớp và có thể ra khỏi vị trí nếu cần. Tôi nhận thấy lúc này nhóm cộng tác bắt đầu hình thành và phát huy tác dụng.
Hoạt động nhóm là một trong các loại hình tổ chức lớp học trong đó học sinh được trao đổi, thảo luận, và cộng tác với nhau theo nhóm nhỏ để hoàn thành một nhiệm vụ học tập nhất định.
Mục đích của hoạt động nhóm không phải để thống nhất ý kiến của cả nhóm mà để giúp mỗi học sinh trở nên độc lập và hiểu những điều các em chưa hiểu hoặc cảm thấy khó hiểu nhờ sự giúp đỡ của các bạn khác
Tôi rút ra được bài học cho bản thân đó là sự kích thích động viên kịp thời với những học sinh có biểu hiện nhút nhát khi có giáo viên đến dự giờ giúp các em tự tin hơn. Trong lớp không khí học tập trở nên sôi nổi và các em rất hào hứng và thực hiện nhiệm vụ được giao trong phiếu học tập. Cũng lúc này tôi thấy tác dụng thực sự của nhóm cộng tác trong dạy học. Đó là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh đồng thời cũng có sự tương tác giữa học sinh với học sinh trong lớp.
Nhóm 3 khi trao đổi thảo luận tại nhóm nhưng vẫn không thống nhất được kết quả các em đã cử Phương Anh gặp cô giáo để hỏi ý kiến. Đó chính là điều tôi thấy tâm đắc nhất khi quan sát theo dõi học sinh hình thành và phát triển năng lực trong quá trình học tập. Bằng chính sự tự chủ của mình chắc chắn kiến thức các em thu nhận được trong giờ học hôm nay sẽ luôn có giá trị. Ở đây có sự tương tác thực sự giữa học sinh và giáo viên bằng chính sự chủ động của học sinh.
Qua một hoạt động trong giờ Toán của đồng nghiệp tôi đã rút ra được rất nhiều bài học từ cách thức tổ chức hoạt động nhóm cộng tác của đồng chí Tuyến để làm kinh nghiệm áp dụng trong thực tế giảng dạy của mình. Giáo viên cần tạo cơ hội để học sinh được trao đổi thảo luận giúp đỡ lẫn nhau ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao không phân biệt đó là kiến thức dễ hay khó nếu các em thấy cần thì các em có thể hình thành nhóm cộng tác bất cứ lúc nào và với bất cứ bạn nào học sinh thấy tin tưởng. Chính trong quá trình học tập các em lĩnh hội tri thức đồng thời hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Giáo viên bằng sự tinh tế của mình theo dõi quá trình học tập của học sinh giúp các em nắm bắt kiến thức, kĩ năng của từng bài học, môn học và hình thành và phát triển các năng lực và phẩm chất. Giáo viên trở thành những người bạn của các em để khi gặp khó khăn các em có thể tìm sự trợ giúp mà không thấy sợ sệt hay xấu hổ. Sự đổi mới của phương pháp dạy học luôn là khó khăn đối với giáo viên nhưng nếu áp dụng phù hợp với thực tế, linh hoạt trong giảng dạy sẽ mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi.