Ngày: 05/03/2018
KỶ NIỆM 108 NĂM QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8/3/1910 - 8/3/2018)
VÀ 1978 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
Cách đây hơn 1 thế kỉ, trong những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 là thời điểm khởi đầu cho sự bùng nổ dân số và sự phát triển của những tư tưởng tiến bộ trên toàn thế giới. Mặt khác tại thời điểm này, vai trò của người phụ nữ trong xã hội không được đánh giá đúng mức, bị phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới, điều đó đã thôi thúc phụ nữ đứng lên đấu tranh giành lại quyền lợi chính đáng của mình.
Lịch sử ngày quốc tế phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân nước Mỹ cuối thế kỉ 19, khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa Mỹ phát triển một cách mạnh mẽ, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc tại các nhà máy xí nghiệp, nhưng họ bị trả lương rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899 nữ công nhân nước Mỹ đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào khởi đầu từ nữ công nhân ngành dệt may tại thành phố Si-ca-gô và NewYork, mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, nhưng chị em vẫn đoàn kết đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ, sau đó phong trào lan rộng ra các nước trên thế giới. Trong đấu tranh xuất hiện 2 nữ chiến sĩ lỗi lạc là bà Cla-Ra-Zet-Kin ( Người Đức) và bà Lô-Ra-Luc-Xăm-Bua ( Người Ba Lan).
Nhận thức được sự cần thiết phải có tổ chức lãnh đạo phong trào phụ nữ giành thắng lợi, nên năm 1907 hai bà cùng phối hợp với bà Crup-xcai-a (Người Nga) thành lập Ban thư kí phụ nữ quốc tế.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế họp tại thủ đô Đan Mạch quyết định lấy ngày 8/3 là ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh cho phụ nữ với khẩu hiệu:
- Ngày làm việc 8 giờ
- Việc làm ngang nhau
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện nam nữ bình đẳng và cũng từ đó phụ nữ năm châu tổ chức kỉ niệm với nhiều nội dung phong phú để khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Ở Việt Nam chúng ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc để giành lại chủ quyền cho dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử người phất cờ khởi nghĩa và xưng vương là phụ nữ. Đó là cuộc khởi nghĩa của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, con gái lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi Hùng Vương, diễn ra mùa xuân năm 40 sau công nguyên. Khi hai bà phất cờ khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão đánh tan giặc Hán, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ, hai bà lên làm vua và đóng đô ở Mê Linh.
Có thể nói trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã lập nên bao kì tích, góp phần quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng, trường tồn dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những người con gái kiệt xuất viết nên trang sử vàng cho non sông gấm vóc.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, trên mọi lĩnh vực hoạt động từ miền ngược đến miền xuôi, từ nam chí bắc, các tầng lớp phụ nữ, các lứa tuổi, các dân tộc luôn khẳng định vai trò của mình. Các mẹ, các chị là những chiến sĩ kiên cường chống giặc ngoại xâm, là người lãnh đạo cần cù, thông minh và sáng tạo, Là người chủ gia đình diụ hiền, đảm đang, trung hậu, là người sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Trong không khí rộn ràng hân hoan cả nước kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, những ngày qua Trường TH&THCS Đại Thành đã có nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi của toàn thể giáo viên - cán bộ, nhân viên nhà trường cùng nhau hướng đến chào mừng ngày 8/3.
Đây là dịp để chúng ta gặp gỡ, cùng nhau gửi những bó hoa, những lời chúc tốt đẹp nhất đến một nửa thế giới. Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt BCH Công đoàn Nhà trường, xin gửi đến các cô giáo, cán bộ đoàn viên công đoàn nữ, học sinh nữ lời chào trân trọng, thân ái và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, và thành đạt!
Chúc cho một nửa thế giới chúng ta sẽ mãi luôn xinh đẹp, những cô giáo luôn duyên dáng và tâm huyết với nghề, đem hết sức lực trí tuệ tình thương yêu của mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2017 - 2018.
HÀ THỊ HỒNG NHUNG