Ngày: 20/03/2017
Thực hiện kế hoạch công tác y tế và kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm học: 2016-2017. Bộ phận y tế trường TH Đại Thành đã tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh cúm A(H7N9) vào 7h 30 sáng ngày 20 tháng 3 năm 2017. Sau đây là nội dung tuyên truyền:
Cúm A(H7N9) là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tác nhân gây bệnh là vi rút cúm A(H7N9) có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và chưa từng gây bệnh cho người. Đến ngày 08/05/2013, Tổ chức Y tế thế giới thông báo tại Trung Quốc đã ghi nhận 131trường hợp mắc, trong đó có 32 trường hợp tử vong. Người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện tại nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền của dịch bệnh vẫn chưa rõ ràng. Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia thành viên đang tiếp tục giám sát, điều tra và thu thập các thông tin về dịch tễ học, vi rút học cũng như bệnh học của dịch bệnh này.
1) Triệu chứng lâm sàng:
- Sốt đột ngột;
- Ho, đau họng, viêm long đường hô hấp và/hoặc khó thở, đau ngực.
2) Yếu tố dịch tễ: Có ít nhất một trong các yếu tố sau:
- Có tiền sử ở, đi, đến từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát.
- Tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh cúm A(H7N9) trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát.
- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm/chết trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát.
Tiếp xúc gần bao gồm:
+ Người trực tiếp chăm sóc; người sống/làm việc cùng phòng, cùng gia đình với trường hợp bệnh (có thể hoặc xác định).
+ Người ngồi gần (cùng hoặc trước sau 1 hàng ghế) với bệnh nhân trên cùng chuyến xe/toa tầu/máy bay v.v.., hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào.
* Hiện tại vi rút cúm A(H7N9) chưa ghi nhận tại nước ta; tuy nhiên kinh nghiệm từ phòng, chống dịch SARS, cúm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1/09), thì vi rút có thể lan truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian ngắn thông qua sự di chuyển của người bệnh, người mang vi rút không triệu chứng, qua vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh, chim di cư.
3. Các biện pháp phòng chống
- Tuyên truyền cho người dân về bệnh cúm A(H7N9) và các biện pháp phòng bệnh.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm/chết/không rõ nguồn gốc.
-Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
-Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
-Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế, ... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
- Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.
-Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.
- Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.
- Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người.
4. Xử lý ổ dịch
a) Đối với người bệnh:
- Cách ly, điều trị bệnh nhân tại cơ sở y tế theo quy định về bệnh truyền nhiễm nhóm A.Thời gian cách ly đến khi hết hẳn các triệu chứng lâm sàng.
- Sử dụng khẩu trang y tế cho bệnh nhân đúng cách để hạn chế lây truyền bệnh.
- Điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
b) Đối với với nhân viên y tế và người tiếp xúc gần
- Người chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo, ... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩnngay sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác.
- Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu có xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở ... cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, sau khi ho, hắt hơi; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng như: súc miệng bằng nước sát khuẩn và các dung dịch sát khuẩn mũi họng khác.
- Hạn chế đến nơi tụ họp đông người để tránh lây bệnh cho người khác.
c) Tại nhà trường, nếu xảy ra dịch bệnh thì chúng ta sẽ phải:
- Thường xuyên vệ sinh sân trường lớp học, tay vịn cầu thang
- Thường xuyên lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường (xà phòng, các chất khử khuẩn gia dụng)
- Phun dung dịch khử trùng có chứa Clo nồng độ 0,5% Clo hoạt tính tại các địa điểm có liên quan dịch tễ càng sớm càng tốt 2-3 lần cách nhau 2-3 ngày.
Địa điểm khử trùng (lau rửa, phun):
+ Khu vực nhà bệnh nhân, bao gồm khu vực chuồng trại và nơi chăn thả gia cầm.
+ Các gia đình tiếp giáp nhà bệnh nhân, gia đình có gia cầm ốm/chết
+ Tại phòng khám bệnh, nơi điều trị bệnh nhân.
Trên đây là cách phòng chống bệnh cúm A (H7N9), cô mong rằng các em tự biết cách phòng tránh và đừng quên tiếp tục tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng.
Cuối cùng xin chúc các thầy cô và các em mạnh khỏe!