Tin tức/(Trường tiểu học Bắc Lý 2)/HOẠT ĐỘNG CHUNG/
Góp ý cho Thông tư quy định về giáo dục hòa nhập người khuyết tật

Theo đó, Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa đã gừi toàn bộ TT quy định về  giáo dục hòa nhập người khuyết tậtt của Bộ GD&ĐT, nhà trường gửi toàn bộ dự thảo để giáo viên nhà trường góp ý kiến:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

 

 
 

 

 

 

Số:          /2017/TT-BGDĐT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 

 

 

 

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2017

(DỰ THẢO)

 

 

THÔNG TƯ

                                                Quy định về giáo dục hòa nhập người khuyết tật           

 Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;

 Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006 NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 69/2017NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,

          Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về giáo dục hòa nhập người khuyết tật, bao gồm: tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập người khuyết tật; giáo viên, giảng viên, nhân viên, người khuyết tật trong giáo dục hòa nhập; phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, đại học; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân thực hiện giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

Điều 2. Mục tiêu giáo dục hòa nhập người khuyết tật

1. Đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật.

2. Đảm bảocơ hội phát triển các kĩ năng và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập là phòng chức năng trong cơ sở giáo dục để hỗ trợ người khuyết tật học hòa nhập.

2. Kế hoạch giáo dục cá nhân là bản kế hoạch xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục cho một người khuyết tật học hòa nhập.

3. Kĩ năng đặc thù là những kĩ năng cần thiết để khắc phục những suy giảm chức năng do khuyết tật gây ra giúp người khuyết tật thuận lợi trong sinh hoạt, giao tiếp, học tập và hòa nhập cộng đồng.

4. Giờ học cá nhân là thời gian hỗ trợ người khuyết tật các kĩ năng đặc thù; kiến thức, kĩ năng còn thiếu hụt để người khuyết tật học hòa nhập.

 

Chương II

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HÒA NHẬP

NGƯỜI KHUYẾT TẬT

         

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập người khuyết tật

1. Nhiệm vụ của cơ sở giáo dục

a. Phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý.

b. Mỗi lớp học có tối đa 02 người khuyết tật. Trường hợp cơ sở giáo dục không đủ số lớp để bố trí người khuyết tật theo quy định, hiệu trưởng nhà trường quyết định việc bố trí người khuyết tật vào lớp học.

c. Xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho người khuyết tật học hòa nhập theo mẫu tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

d. Thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục hòa nhập người khuyết tật

đ. Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hòa nhập cho người khuyết tật.

e. Đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị của nhà trường đáp ứng yêu cầu giáo dục hòa nhập.

g. Phối hợp với gia đình, cộng đồng và cơ sở giáo dục chuyên biệt thực hiện giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

h. Cung cấp thông tin về giáo dục của người khuyết tật đang học hòa nhập tại nhà trường cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã/phường và các cơ quan quản lý khi được yêu cầu.

i. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên đáp ứng nhiệm vụ giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

k. Tư vấn, tham vấn về định hướng phát triển, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu, đặc điểm và tiềm năng của người khuyết tật.

2. Quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập người khuyết tật

a. Sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước dành cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

b. Tiếp nhận và sử dụng nguồn hỗ trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cho giáo dục hòa nhập theo quy định hiện hành.

Điều 5. Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập

1. Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập là phòng học đặc thù có thiết bị hỗ trợ đặc thù, công cụ xác định mức độ phát triển, nhu cầu cá nhân người khuyết tật để hình thành, phát triển kĩ năng cần thiết cho người khuyết tật trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập.

2. Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập do nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trực tiếp phụ trách và phối hợp với giáo viên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục hòa nhập.

3. Hoạt động của phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập.

a) Giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hỗ trợ người khuyết tật kĩ năng đặc thù; kiến thức, kĩ năng còn thiếu hụt để người khuyết tật học hòa nhập.

b) Nhân viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trao đổi, tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, chuyển giao công nghệ giáo dục khuyết tật cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục.

c) Giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trao đổi, tư vấn cho gia đình của người khuyết tật về các biện pháp, kĩ năng chăm sóc, giáo dục người khuyết tật.

Điều 6. Nhiệm vụ của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong thực hiện giáo dục hòa nhập

1. Hằng năm, rà soát, thống kê người khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

2. Lập kế hoạch hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

3. Hỗ trợ người khuyết tật kĩ năng đặc thù, kiến thức, kĩ năng còn thiếu hụt để người khuyết tật học hòa nhập; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trao đổi, tư vấn với người khuyết tật và gia đình của người khuyết tật tại cơ sở giáo dục về các biện pháp, kĩ năng chăm sóc, giáo dục người khuyết tật.

4. Lập kế hoạch, triển khai bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao công nghệ giáo dục người khuyết tật cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục.

5. Lập kế hoạch và thực hiện chuyểnngười khuyết tật từ trung tâm về học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục tạo cơ hội tốt nhất cho người khuyết tật học hòa nhập.

Điều 7. Chương trình giáo dục đối với người khuyết tật học hòa nhập

Chương trình giáo dục đối với người khuyết tật học hòa nhập thực hiện theo quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

Điều 8. Nhập học, tuyển sinh, hồ sơ giáo dục người khuyết tật

1. Nhập học, tuyển sinh đối với người khuyết tật học hòa nhập được thực hiện theo quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

2. Cơ sở giáo dục tiếp nhận người khuyết tật vào học hòa nhập ở bất kỳ thời điểm nào trong năm học khi người khuyết tật và gia đình người khuyết tật có nhu cầu.

3. Hồ sơ giáo dục người khuyết tật bao gồm hồ sơ của người học và kế hoạch giáo dục cá nhân.

Điều 9. Cơ sở vật chất, đồ dùng, phương tiện tổ chức các hoạt động giáo dục hòa nhập người khuyết tật trong cơ sở giáo dục

1. Cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật học hòa nhập.

2. Xây dựng kế hoạch mua sắm, tự làm trang thiết bị, phương tiện đảm bảo thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

3. Đảm bảo sử dụng thường xuyên, hiệu quả phương tiện, thiết bị dành cho chăm sóc, giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

                                                                                   Chương III

GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN, NHÂN VIÊN THỰC HIỆN GIÁO DỤC

HÒA NHẬP NGƯỜI KHUYẾT TẬT

 

           Điều 10. Nhiệm vụ của giáo viên, giảng viên

1. Phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, gia đình người khuyết tật lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho người khuyết tật học hòa nhập và tổ chức thực hiện.

2. Thiết kế, tổ chức và hỗ trợ các hoạt động chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật trong các môi trường giáo dục phù hợp.

3. Tạo môi trường thân thiện, thuận lợi cho người khuyết tật học hòa nhập.

4. Hợp tác chặt chẽ với đồng nghiệp, các lực lượng xã hội trong giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

5. Tư vấn, tham vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về định hướng phát triển, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu, đặc điểm và tiềm năng của người khuyết tật.

Điều 11. Năng lực của giáo viên, giảng viên về giáo dục hòa nhập

1. Có kiến thức chuyên môn về giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

2. Biết lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho người khuyết tật học hòa nhập phù hợp với đặc điểm và mức độ phát triển của người khuyết tật và tổ chức thực hiện hiệu quả.

3.Có kĩ năng thiết kế, tổ chức và hỗ trợ các hoạt động chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật trong các môi trường giáo dục phù hợp.

4. Có khả năng kiên trì, hành vi phù hợp trong xử lí các tình huống giáo dục người khuyết tật.

5. Phát hiện vấn đề, đề xuất và đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp đối với các tình huống trong quá trình chăm sóc, can thiệp và giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

6. Có kĩ năng giao tiếp, tương tác, hợp tácvới người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.

7. Có khả năng huy động, hợp tác với các tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

8. Có khả năng giám sát, đánh giá kết quả hoạt động chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật.

Điều 12. Năng lực của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật về giáo dục hòa nhập

1. Có kiến thức chuyên môn về hỗ trợ giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

2. Có kĩ năng phối hợp với giáo viên để lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho người khuyết tật học hòa nhập phù hợp và tham gia tổ chức thực hiện hiệu quả.

3. Có kĩ năng hỗ trợ người khuyết tật học hòa nhập và rèn luyện kĩ năng đặc thù, kĩ năng sống phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.

4. Có kĩ năng hỗ trợ, tư vấn cho gia đình người khuyết tật và cộng đồng về kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

5. Có kĩ năng giao tiếp, tương tác, hợp tác với người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.

  Điều 13. Quyền lợi của giáo viên, giảng viên, nhân viên

1. Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

2. Được thăm quan, học hỏi kinh nghiệm về giáo dục người khuyết tật học hòa nhập tại cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài.

3. Được vinh danh, khen thưởng về những đóng góp trong việc giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

4. Được hưởng các chính sách ưu đãi trong giáo dục hòa nhập người khuyết tật theo quy định hiện hành.                                            

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

 

Điều 14. Nhiệm vụ của người khuyết tật

1. Rèn luyện và học tập theo kế hoạch giáo dục cá nhân và chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục phù hợp với khả năng của người khuyết tật.

2. Bảo vệ sức khỏe, rèn luyện các kĩ năng đặc thù để học hòa nhập có hiệu quả.

3. Thông tin tình hình sức khỏe, khả năng học tập, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với gia đình, cơ sở giáo dục khi cần thiết.

Điều 15. Quyền của người khuyết tật

1. Được sử dụng loại hình ngôn ngữ phù hợp trong học tập và sinh hoạt.

2. Được học tập trong lớp học phù hợp với độ tuổi, không cao hơn 3 tuổi so với độ tuổi quy định.

3. Được học tập, rèn luyện trong các giờ học cá nhân.

4. Được tư vấn, tham vấn về định hướng phát triển, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu, đặc điểm và tiềm năng của người khuyết tật.

5. Được bảo mật thông tin cá nhân về tình trạng khuyết tật.

6. Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong học tập, rèn luyện.

Chương V

PHỐI HỢP GIỮA CƠ SỞ GIÁO DỤC, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC HÒA NHẬP NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục

1. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc phối hợp với gia đình người khuyết tật

a. Tuyên truyền, vận động người khuyết tật và gia đình người khuyết tật nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của gia đình người khuyết tật đối với việc chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật.

b. Vận động gia đình cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về khả năng và nhu cầu của người khuyết tật cho nhà trường và hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cấp xã/phường.

c. Chủ trì, phối hợp với gia đình xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân, thông tin và theo dõi sự tiến bộ của cá nhân người khuyết tật.

2. Trách nhiệm của nhà trường trong việc phối hợp với cộng đồng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và cá nhân có liên quan

a. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật và trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân có liên quan trong việc chăm sóc, can thiệp và giáo dục của người khuyết tật.

b. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về khả năng và nhu cầu của người khuyết tật cho hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã/phường để làm cơ sở cấp giấy xác nhận khuyết tật.

c. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về kết quả chăm sóc, can thiệp và giáo dục của người khuyết tật khi người khuyết tật chuyển cấp, chuyển trường hoặc chuyển về gia đình.

d. Phối hợp tổ chức các hoạt động trong và ngoài nhà trường nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật.

Điều 17. Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục có đại diện của gia đình người khuyết tật (nếu cơ sở giáo dục có người khuyết tật học hòa nhập).

2. Có kế hoạch phối hợp với nhà trường, cộng đồng, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và cá nhân có liên quan trong việc chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật.

3. Huy động mọi lực lượng, nguồn lực của cộng đồng tham gia chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật.

4. Tham gia giám sát hỗ trợ các hoạt động chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật tại nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Điều 18. Phối hợp giữa cơ sở giáo dục,gia đình và xã hội

1. Gia đình, cơ sở giáo dục, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật và xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc thống nhất mục tiêu, kế hoạch, hoạt động giáo dục người khuyết tật và huy động các nguồn lực để chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.

2. Tạo môi trường hòa nhập, thân thiện, bình đẳng, an toàn, thuận lợi cho sự phát triển và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật sau khi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hòa nhập người khuyết tật; ban hành các chính sách của địa phương về giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

3. Đảm bảo về ngân sách; cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị đáp ứng yêu cầu chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương.

4. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đáp ứng nhu cầu chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật tại địa phương.

5. Huy động các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ chăm sóc, can thiệp và giáo dục người khuyết tật tại địa phương.

Điều 20. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

1. Hằng năm, tổng hợp, đánh giá thực trạng giáo dục hòa nhập người khuyết tật trên địa bàn, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Tham mưu giúp ủy ban nhân dân tỉnh trình hội đồng nhân dân phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương.

3. Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hòa nhập người khuyết tật; quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình và các nội dung khác về giáo dục hòa nhập người khuyết tật sau khi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

4. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện đổi mới công tác quản lý chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc, can thiệp và giáo dục hòa nhập người khuyết tật ở các cấp học.

5. Tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đáp ứng nhu cầu giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương.

6. Kiểm tra, giám sát hỗ trợ việc thực hiện chăm sóc, can thiệp và giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

7. Chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân tỉnh về quy mô, chất lượng giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương.

8. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong việc xác định và hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục xác định khuyết tật, mức độ khuyết tật và thực hiện các chính sách về giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương.

9. Hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giáo dục hòa nhập người khuyết tật tại địa phương.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông t­ư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày   tháng     năm 2017.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT ngày 22/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Trường hợp nếu các văn bản dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được thực hiện theo quy định tại các văn bản đó ./.

 

Nơi nhận:

- Ban bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Chính phủ;

- Ủy ban giám sát tài chính quốc gia;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Công báo;

- Website Chính phủ;

- Website Bộ GD&ĐT;

- Lưu: VT.

KT. BỘ TR­ƯỞNG

THỨ TR­ƯỞNG

 

 

 

 

 

Nguyễn Thị Nghĩa

 

 

 

Tác giả: BBT

Văn bản mới

  • Ba công khai
  • Thông báo

Năm học 2017-2018

Ba cong khai

Ba Công Khai

Công Khai chất lượng giáo dục
Xem thêm...
Website Đơn vị