Về kỹ thuật xây dựng CT, CT GDPT mới áp dụng hai phương pháp sau:
a) Phương pháp “sơ đồ ngược”
Quy trình xây dựng các CT GDPT truyền thống thường bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu và nội dung giáo dục. Đó là những CT theo định hướng tiếp cận nội dung. Việc xác định mục tiêu và nội dung giáo dục trong CT theo định hướng tiếp cận nội dung chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người xây dựng CT.
CT GDPT mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực. Để việc xác định nội dung giáo dục có cơ sở chắc chắn, người xây dựng CT phải lùi lại một bước, cụ thể hoá mục tiêu giáo dục bằng các chuẩn đầu ra, tức là những yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực mà người học cần đạt được.
Nhưng trước khi xác định mục tiêu giáo dục làm căn cứ xác định chuẩn đầu ra, người xây dựng CT phải lùi một bước, xác định nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Để xác định được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, người xây dựng CT phải lùi thêm một bước nữa, nghiên cứu nhu cầu phát triển của đất nước.
Nhưng để xác định được nhu cầu phát triển của đất nước thì trước đó phải đánh giá được bối cảnh trong nước và quốc tế ở giai đoạn tương ứng.
Quy trình làm việc như trên được các chuyên gia giáo dục quốc tế gọi là phương pháp sơ đồ ngược (back–mapping). Quy trình này bảo đảm cho CT phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
b) Phương pháp đánh giá tác động của chính sách
CT GDPT là một văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh hành vi xã hội, tác động đến đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và tác động đến sự phát triển của đất nước, cho nên nó phải được ban hành đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình này đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, bao gồm các bước như sau: (i) Đánh giá chính sách và việc thực thi chính sách hiện hành; (ii) Đề xuất chính sách mới; (iii) Đánh giá tác động của chính sách mới; (iv) Điều chỉnh đề xuất, ban hành chính sách mới; (v) Thực thi chính sách mới.
Quy trình làm việc như trên được gọi là phương pháp đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment).