Ngày đăng : 15-01-2016
|
Thực hiện Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg ngày 14/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, trong những năm qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng. Mục đích của Hội thi nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và sáng chế của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX năm 2014 - 2015 có 40 giải pháp tham gia dự thi, trong đó có 29 giải pháp được Hội đồng Giảm khảo chọn vào Vòng chung khảo. Kết quả có 01 giải Nhất, 07 giải Nhì, 08 giải Ba và 13 giải Khuyến khích. Qua Hội thi cho thấy có nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật có hiệu quả trong thực tế sản xuất, có tính ứng dụng cho người dân trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: - Giải pháp “Máy vô chân ấm mía” của tác giả Nguyễn Văn Nưng, giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 3A, huyện Cù Lao Dung. Đây là giải pháp đã đạt giải Nhất tại Hội thi. Giải pháp được thực hiện xuất phát từ niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật của tác giả và nhu cầu thực tế trong sản xuất nông nghiệp; tác giả đã thiết kế, chế tạo chiếc máy vô chân mía gọn nhẹ, thuận tiện trong quá trình vận hành. Việc áp dụng máy vô chân mía sẽ giúp giảm giá thành trồng mía nguyên liệu, giảm công thuê mướn lao động, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân và góp phần vào quá trình cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. - Giải pháp “Chế tạo máy xới lớn giá thấp” của tác giả Phạm Công Danh (Cửa hàng Chính Danh) ở Phường 7, thành phố Sóc Trăng. Sản phẩm rất có ích cho bà con nông dân làm ruộng, có nhiều ưu điểm như nâng hạ dàn xới bằng thủy lực nhẹ nhàng; thiết kế nhiều lưỡi xới, tăng hiệu quả làm việc (5.000 - 6.000 m2/giờ); máy hoạt động ổn định, tiết kiệm nhiên liệu và có khả năng hoạt động trên cả đất lầy trũng;... - Giải pháp “Máy cắt đa năng cải tiến giá rẻ” của tác giả Đoàn Văn Chỉnh và nhóm cộng sự ở Trường THCS Châu Hưng, huyện Thạnh Trị. Máy cắt được tích hợp nhiều chức năng như thái chuối cây, tách vỏ ốc, xay cua, tôm, cá,... Với động cơ tương đối nhỏ (2 HP) nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian, giá thành rẻ, đáp ứng được nhu cầu trong chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân địa phương. - Giải pháp “Ứng dụng công nghệ yếm khí nhiều bậc trong xử lý nước thải cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ” của nhóm tác giả Dương Hoàng Vân và Diệp Tuấn Anh thuộc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường. Giải pháp giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu, không tốn chi phí vận hành, không cần công nhân qua đào tạo về xử lý môi trường, công tác bảo trì, bảo dưỡng thuận lợi trong quá trình hoạt động của hệ thống, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương. - Giải pháp “Bộ quan sát tia sáng trong các thí nghiệm quang học phố thông” của tác giả Nguyễn Đình Khánh, giáo viên Trường THCS Tài Văn, huyện Trần Đề. Với mô hình trực quan sinh động, bộ đồ dùng dạy học này giúp cho học sinh kiểm chứng lại nội dung lý thuyết, quan sát hình ảnh của tia sáng, chùm tia sáng trong môi trường không khí khi chúng đi qua các thấu kính hoặc các môi trường có chiết suất khác nhau. Giải pháp này nhằm giúp học sinh khơi dậy niềm đam mê và yêu thích hơn với môn học Vật lý nói chung và phần quang học nói riêng. Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX năm 2014 - 2015 đã khép lại thành công tốt đẹp. Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ X sẽ diễn ra trong 02 năm 2016 - 2017, các giải pháp dự thi tập trung vào 06 nhóm lĩnh vực chủ yếu sau: (1) Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; (2) Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí tự động hóa, chế tạo công cụ, dụng cụ; (3) Vật liệu, hóa chất, năng lượng, xây dựng và giao thông vận tải; (4) Nông, lâm, ngư nghiệp; (5) Y dược, giáo dục và đào tạo; (6) Tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, các giải pháp sáng tạo kỹ thuật thuộc các lĩnh khác có hiệu quả, có tính ứng dụng cho địa phương vẫn được đăng ký tham gia dự thi.
Lê Trung Tâm |