Thứ hai, 23/12/2024 18:09:49
Hiệu trưởng trường ĐH Harvard: Học để đối mặt với mọi thay đổi

Ngày: 24/03/2017

Hiệu trưởng Trường ĐH Harvard, GS Drew Gilpin Faust, đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Việt Nam từ 21 đến 26-3-2017.

Hiệu trưởng trường ĐH Harvard: Học để đối mặt với mọi thay đổi
GS Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng ĐH Harvard, trò chuyện với học sinh lớp 9A1 Trường THCS Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: H.L.

Giáo sư Drew Gilpin Faust là người thành công trên nhiều lĩnh vực: học giả, nhà điều hành giáo dục, sử gia và đấu tranh nữ quyền.

* Là nữ chủ tịch đầu tiên của Harvard trong lịch sử gần 400 năm của trường, còn theo Forbes, bà là người phụ nữ quyền lực thứ 33 thế giới, vậy bà có thể mô tả quyền lực của mình như thế nào?

- Tôi nghĩ Harvard là một định chế quyền lực vì đó là một ĐH xuất sắc, nhưng quyền lực đó là quyền lực mềm. Harvard không có quân đội, không có ngân sách quốc phòng. Chúng tôi thực thi quyền lực thông qua ảnh hưởng tới việc học hành, quyền lực của tri thức, điều mà tôi tin là ngày càng đóng vai trò thúc đẩy thế giới, và đó là quyền lực của Harvard. Còn quyền lực của cá nhân tôi hoàn toàn xuất phát từ việc Harvard đại diện cho điều gì và có thể làm được gì.

* Ở Việt Nam đang tranh luận về việc tư nhân hóa các trường ĐH - vốn đã được Nhà nước tài trợ trong nhiều năm, về giáo dục khai phóng, việc tập trung hơn vào đào tạo mang tính ứng dụng và thực dụng. Bà nghĩ sao về những điều này?

- Tôi không biết nhiều về giáo dục ở Việt Nam để bình luận về những gì đang diễn ra ở đây. Nhưng ở Mỹ tôi nghĩ một trong những điểm mạnh của giáo dục bậc cao là sự đa dạng của hình thức và lựa chọn. Chúng tôi có những trường công rất mạnh như Berkeley, Michigan và Ohio State, rất nhiều trường công xuất sắc cung cấp dịch vụ giáo dục ĐH chất lượng cao nhất với chi phí chấp nhận được.

Tôi tin rằng cần có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ lĩnh vực công cho các định chế này, vì giờ họ phải cân nhắc rất kỹ các chi phí của mình. Nhưng tất nhiên, Harvard là một kiểu định chế ĐH hoàn toàn khác, kiểu trường tư phi lợi nhuận. Tôi nghĩ rằng cả hai kiểu định chế đó giúp mang tới sức sống mãnh liệt và là nền tảng cho sự xuất sắc của nước Mỹ.

Về vấn đề giáo dục ĐH có nên mang tính định hướng nghề nghiệp thực, tôi nghĩ rằng chắc chắn phải giúp mọi người tìm được nghề qua giáo dục. Nhưng tôi nghĩ phải giáo dục con người trên một nền tảng rộng lớn hơn, chứ không chỉ huấn luyện cho họ một nghề cụ thể. Đó là lý do tại sao tôi tin ở giáo dục khai phóng, và tôi nghĩ những gì FUV (ĐH Fulbright Việt Nam) đang làm ở đây, mang mô hình học tập đó tới Việt Nam, thật đáng khích lệ.

* Đâu là những cơ hội và thách thức cho Harvard trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay?

- Rất nhiều cơ hội và sự thay đổi trong giảng dạy đang diễn ra. Chúng ta hiện có nhiều thông tin tới mức việc truyền tải thông tin không còn là phần nền tảng của công việc giảng dạy nữa. Thay vào đó, giảng dạy giờ là sự nhận thức, sự phán xét và sự phân tích, làm sao chúng ta tận dụng tất cả những thông tin đó và sử dụng chúng một cách có hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng các giảng viên giờ phải nghĩ về những gì họ sẽ giảng dạy, về việc biến lớp học thành một nơi học tập chủ động. Tất nhiên cũng có nhiều công cụ kỹ thuật số có thể được sử dụng trong lớp học, nhưng tôi nghĩ điều cơ bản là công nghệ thay đổi cách chúng ta giảng dạy - một cách đáng trông đợi - nhưng đồng thời cũng có cả những thay đổi đầy thách thức.

Tôi nghĩ công nghệ cũng giúp kết nối thế giới theo nhiều cách quan trọng. Chúng tôi có nền tảng học trực tuyến - Sáng kiến Harvard Edx - nơi chúng tôi chia sẻ các khóa học với mọi người trên toàn thế giới. Chúng tôi đã có khoảng 3 triệu cá nhân đăng ký cho những khóa học này, một nửa trong số đó ở ngoài nước Mỹ.

* Bà có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi họ bước vào ngưỡng cửa cuộc đời?

- Hôm qua tôi tới thăm một trường học ở Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - NV) và gặp những em học trò lớp 9 ở đây. Lời khuyên của tôi là hãy cố gắng học hành. Đó sẽ là sự chuẩn bị cho các em khi phải đối mặt với một thế giới thay đổi liên tục. Hãy học hỏi cả đời, đó là nền tảng tốt nhất để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính các em, cho đất nước và cho cả thế giới nữa.

* Vì sao giáo dục khai phóng lại quan trọng, thưa bà?

- Tôi nói rất nhiều về vấn đề này ở Mỹ, vì tôi lo ngại rằng toàn bộ nguyên lý này đang bị chỉ trích và đe dọa. Giáo dục khai phóng là nền giáo dục đào tạo một cá nhân với mục tiêu phát triển những năng lực như tư duy phê phán, phán đoán, phân tích, tự nhận thức, đặt câu hỏi, tư duy sáng tạo; vốn không phải là kiểu đào tạo cụ thể con người cho một vị trí hay vai trò xác định trước trong thế giới, mà là cho phép người đó thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi, cơ hội thay đổi và thực tế thay đổi, nhờ vào khả năng sử dụng tư duy một cách có tính phê phán.

Đó cũng là nền giáo dục đưa chúng ta vượt ra khỏi cái tôi, để nhìn nhận thế giới vượt ra khỏi vị trí của cá nhân; có thể nhìn thế giới qua con mắt của những người khác, để hiểu điều gì khiến chúng ta giống người khác và điều gì khiến chúng ta khác họ.

HẢI MINH - TT Online

pgdcukuin
Tin liên quan