Thứ hai, 23/12/2024 17:31:26
Trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 29 là của cả hệ thống chính trị

Ngày: 20/03/2017

GD&TĐ - Sáng 9/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT về các vấn đề GD&ĐT.

 

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương  phát biểu tại buổi làm việc 

Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ; về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có các Phó trưởng Ban: Võ Văn Phuông, Bùi Thế Đức cùng đại diện lãnh đạo các vụ chức năng có liên quan.  

Nỗ lực sớm đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống

Tại buổi làm việc, hai bên cùng nhìn lại kết quả trong thời gian qua về tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; kết quả phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở đó, chia sẻ, thống nhất, thúc đẩy thực hiện các nội dung theo chức trách, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao nhằm đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết ĐH lần thứ XII của Đảng và 3 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết:

Ngay sau Đại hội XII của Đảng, ngành Giáo dục đã quán triệt Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành và tổ chức triển khai thực hiện thông qua chương trình, kế hoạch công tác để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Ngành Giáo dục đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo, trong đó tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 với 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chỉ đạo toàn ngành nghiên cứu, quán triệt các nội dung và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Liên quan đến công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29, trong đó xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai; thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và soạn thảo 18 đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29. Bộ GD&ĐT được giao chủ trì 9 đề án. Đến nay, đã ban hành 6 đề án, đã trình 1 đề án và đang soạn thảo 2 đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2017...

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng báo cáo chi tiết kết quả thực hiện, nhiệm vụ và các giải pháp trong từng lĩnh vực giáo dục, trong đó nhấn mạnh vào hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế; nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 29; việc phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT giai đoạn 2010 - 2015. Từ đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa hai bên.

“Thực hiện Nghị quyết 29 là nhiệm vụ chung của toàn xã hội và chỉ thành công khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành liên quan.

Trong số 18 đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29, có đến 1/3 thuộc các bộ, ngành khác, trong đó có những đề án rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 29. Bởi vậy, một mình Bộ GD&ĐT, dù có nỗ lực cũng không thể làm tốt được” - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đi sâu vào một số điểm nhấn trong các nội dung của Nghị quyết 29. Đó là: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phân luồng, đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá; tự chủ đại học; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản l‎ý giáo dục; vấn đề tài chính trong giáo dục…

Tinh thần chung: Về chương trình - SGK phổ thông, Bộ GD&ĐT đang cố gắng cao nhất về tiến độ; đặc biệt quan tâm đến chất lượng, tính khả thi; cùng với đó, tính đến điều kiện thực hiện cho đồng bộ.

Vấn đề phân luồng, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết cùng Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh phân luồng, đặc biệt phân luồng ngay từ THCS với nhiều giải pháp.

Về thi cử, đổi mới theo hướng minh bạch, nhẹ nhàng, không gây tốn kém, căng thẳng; việc thi cử, kiểm tra đánh giá được chỉ đạo trong suốt quá trình học, không phải lớp 12 mới thi.

Khẳng định tầm quan trọng và quyết tâm đẩy mạnh tự chủ ĐH, Bộ trưởng cho biết bản thân các ĐH, học viện, trường ĐH cũng nhận thức được điều này.

Tuy nhiên, việc tự chủ về bộ máy nhân sự không đơn giản,... Theo Bộ trưởng, tới đây, quan điểm của Bộ GD&ĐT là tạo điều kiện cho các trường không phân biệt công, tư, cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở chất lượng...

Riêng vấn đề đội ngũ giáo viên, cán bộ quản l‎ý giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ đang nghiên cứu, đánh giá chính sách và xây dựng luận cứ để xây dựng Luật Nhà giáo với phương châm chuẩn bị thật kỹ lưỡng để khi ban hành có thể đi vào cuộc sống ngay...

Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương liên quan đến việc dạy học các môn L‎ý luận chính trị; có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý nhà nước về GD&ĐT;

Chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;

Thường xuyên định hướng, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT.

Nghiên cứu dư luận xã hội và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội về GD&ĐT.

Kịp thời trao đổi với Bộ GD&ĐT để thống nhất định hướng tư tưởng, dư luận xã hội và chỉ đạo công tác tuyên truyền về hướng khắc phục, giải quyết những vụ việc được xã hội quan tâm…

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc 

 

Trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 29 là của cả hệ thống chính trị

Đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT sau 3 năm thực hiện, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 29 là của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ GD&ĐT mang tính chất nòng cốt, chủ lực thực hiện.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng: Nhiều chuyên gia về giáo dục đều thống nhất đánh giá Nghị quyết 29 được chuẩn bị tương đối đổi mới với tư duy khoa học, rõ ràng, đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể so với các Nghị quyết về GD&ĐT trước đây. Từ khi có Nghị quyết 29, cán bộ quản lý giáo dục, lãnh đạo sở ban ngành phụ trách giáo dục đã có sự thay đổi nhận thức.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc 7 quan điểm mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, đồng thời tích cực triển khai mạnh mẽ 9 giải pháp trong Nghị quyết 29.

Quán triệt làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đối với xã hội về các chương trình, kế hoạch, bước đi, quyết tâm và kết quả thực hiện của Ngành để tạo ra sự ủng hộ của toàn xã hội.

Cùng với đó, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong trường học, nhất là đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên; giải quyết kịp thời ở tầm quan điểm định hướng trên cơ sở những bức xúc nổi lên...

Với nội dung chương trình, SGK, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Những kiến thức về khoa học tự nhiên, công nghệ trên thế giới đôi khi là sử dụng chung. Khác biệt lớn nhất xoay quanh khoa học xã hội nhân văn, mang tính đặc thù, văn hóa của từng quốc gia, từng dân tộc...

Cần đi sâu nghiên cứu hướng đi này để chương trình được hài hòa, kế thừa, tiếp thu được những thành tựu thế giới, đồng thời có được bản sắc riêng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng lưu ‎ý, nhấn mạnh các vấn đề về tự chủ ĐH; giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, phân luồng ở bậc phổ thông; thi cử, kiểm tra, đánh giá; về chính sách đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập; vấn đề đánh giá chất lượng, kiểm định, xếp hạng các trường ĐH; quản lý chặt chẽ, xem xét, đánh giá lại các trường mang tên quốc tế; đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng, quản lý của đội ngũ nhà giáo gắn với tiêu chuẩn cụ thể; nâng cao thu nhập, đời sống của giáo viên; hợp tác quốc tế trong GD&ĐT…

Tại buổi làm việc, đại diện các vụ chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo của Bộ GD&ĐT. Nhiều ý kiến về các vấn đề giáo dục giữa hai bên cũng được trao đổi cụ thể với mục đích thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa hai bên.

Hiếu Nguyễn (GDTĐ online)

pgdcukuin
Tin liên quan