Thứ hai, 23/12/2024 18:07:08
Đích thân Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo làm chương trình mới

Ngày: 24/03/2017

Chương trình GD phổ thông tổng thể đã  xây dựng hoàn chỉnh và nêu được phê duyệt, có thể sẽ thực hiện ngay trong năm học 2018-2019.

Đích thân Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo làm chương trình mới
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo

Thông tin trên được GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục mới cho biết tại cuộc họp báo quý 1-2017 của Bộ GD-ĐT vào ngày 24-3.

Ai đồng hành với ban soạn thảo chương trình?

Ai là người trực tiếp đồng hành, chỉ đạo bộ phận soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới khi đã 7 tháng nay vị trí thứ trưởng phụ trách bậc phổ thông bị khuyết do ông Nguyễn Vinh Hiển nghỉ hưu từ tháng 10-2016?

Việc xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông mới là một trong những nội dung quan trọng nhất của mục tiêu đổi mới giáo dục, vậy việc khuyết người điều hành trực tiếp có ảnh hưởng gì đến kết quả thực hiện, nhất là những đổi mới của chương trình phải căn cứ vào thực tiễn dạy học ở phổ thông và cần đưa vào thực hiện ở các nhà trường phổ thông sau này?

Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết “đích thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trực tiếp chỉ đạo công việc này”.

Theo tiến độ GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết  tại cuộc họp báo thì đến 24-1-2017, ban soạn thảo đã hoàn thành dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông để chuyển Hội đồng Giáo dục quốc gia thẩm định.

Kết quả biểu quyết tại hội đồng thẩm định có 42% ủng hộ  không cần sửa chữa gì thêm, 58% ủng hộ nhưng yêu cầu chỉnh sửa một số nội dung.

Ban soạn thảo đã điều chỉnh lại theo yêu cầu của hội đồng thẩm định và chuyển lại dự thảo vào ngày 14-3. Dự kiến chương trình tổng thể giáo dục phổ thông sẽ được công bố công khai trong thời gian sắp tới.

Sau khi chương trình được phê duyệt, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo một bộ SGK nòng cốt và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK khác.

“Chúng tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm viết tài liệu để tập huấn cho giáo viên, xây dựng trang web bồi dưỡng giáo viên để giáo viên cả nước cùng chia sẻ”, ông Thuyết cho biết.

Chương trình Giáo dục phổ thông sau khi được duyệt, dự kiến sẽ triển khai vào năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu. Có thể thực hiện trước ở lớp 1 hoặc đồng thời ở các lớp đầu cấp trong cả ba cấp tiểu học, THCS, THPT.

Đích thân Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo làm chương trình mới
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buôi họp báo Quý I - 2017

Thay đổi nhiều nhất ở bậc THPT

Trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết điểm khác biệt nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học, không nặng về truyền thụ kiến thức như trước.

Tuy nhiên, ông Thuyết cũng thừa nhận chương trình-SGK hiện hành cũng từng đặt ra mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực. Nhưng khi thực hiện đã không làm được.

Bởi thế, để tránh lặp lại, ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới không đi theo trình tự cũ: Từ định hướng nội dung, xác định nội dung từng cấp học, sau đó mới tính đến phương pháp dạy học, đánh giá.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh điểm mới ở xây dựng chương trình GD phổ thông lần này là phải coi chương trình GD phổ thông là một chính sách, tuân thủ các bước xây dựng một chính sách.

Tuy vậy, GS Thuyết cũng cho rằng song song với việc xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT phải đề xuất với Chính phủ, làm việc với các địa phương để triển khai các đề án đi kèm, nhằm đảm bảo đủ điều kiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, giáo viên.

“Tôi ví dụ ở bậc tiểu học hiện nay mới có 47% số trường học đủ điều kiện dạy 10 buổi/tuần, trên 30% đủ  điều kiện dạy 6 buổi/tuần, còn một số trường do không đủ điều kiện, phải bố trí cho học sinh nghỉ luân phiên mới đủ chỗ họ"c.

"Trong số này có cả trường học ở Hà Nội, Hải Phòng. Nếu không khắc phục thì việc triển khai chương trình mới sẽ rất khó", ông Thuyết nói.

Chương trình GD phổ thông mới thay đổi nhiều nhất ở bậc học nào? Trả lời câu hỏi này của Tuổi trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết bậc THPT sẽ thay đổi nhiều nhất, theo hướng phân hóa, tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Thay vì học 13-1 môn, học sinh sẽ chỉ học 4-5 môn bắt buộc, học sinh sẽ chọn khoảng 4-5 môn học khác phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai.

Đích thân Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo làm chương trình mới
Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT trả lời các câu hỏi của phóng viên

Tăng cường giám sát công tác in sao đề thi

Việc phòng tránh những sai sót của đề thi Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sau “sự cố” về về đề thi môn hóa, môn toán trong kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 12 do Sở GD- ĐT Hà Nội tổ chức đã trở thành vấn đề nóng của cuộc họp báo.

Về điều này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD- ĐT khẳng định: Từ trước đến nay, hàng năm, tùy điều kiện cụ thể mà các địa phương có thể tổ chức thi thử và kỳ thi này là do địa phương chịu trách nhiệm.

Còn Bộ GD- ĐT  chỉ hỗ trợ, tư vấn về quy trình kỹ thuật. Với bất cứ kỳ thi nào, đề thi cũng là vấn đề lớn và có nhiều áp lực. Sự cố đã xảy ra tại kỳ thi thử của Hà Nội là đáng tiếc, nhưng  “người làm trước sẽ giúp người làm sau rút được kinh nghiệm cho mình”.

 Lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định “Quy trình chặt chẽ trong kỹ thuật làm đề  của Bộ sẽ giúp tránh được sai sót. Tuy nhiên, có thể máy móc đúng hết, nhưng còn khâu in sao đề thi, nên không thể chủ quan được.

“Bộ GD- ĐT cũng vừa đề nghị các sở GD- ĐT lập kế hoạch báo cáo về công tác chuẩn bị in sao đề thi, đồng thời sắp tới bộ sẽ đi kiểm tra công tác chuẩn bị của các địa phương”- ông Trinh nói. 

Năm 2017: 955.000 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia

Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết cả nước có 955.000 thí sinh (gồm cả học sinh học lớp 12 và thí sinh tự do) tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ- TT Online

 
 
pgdcukuin
Tin liên quan