Tin tức : (Trường THPT Nguyễn Việt Dũng)/Ngày này năm xưa /
LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 và CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
Ngày đăng : 28-02-2015
A. LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3:
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 (QTPN) bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân nước Mĩ.
Cuối thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh. Nền kĩ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, ra sức bóc lột họ, nhưng chỉ trả lương rẻ mạt, làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8-3, năm 1899 tại hai thành phố Chi-ca-gô và Niu-Yoóc (nước Mĩ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị bọn chủ tư bản thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ Mĩ. Đến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên đất Mĩ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại Niu-Yooc đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ không công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mĩ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ, đã xuất hiện hai chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-zet-kin (người Đức) và bà Rô-da-luya-xăm-bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Cơ-rúp-xkai-a (vợ Lênin) vận động thành lập Ban Thư kí quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội lần thứ II của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Cô-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) và quyết định lấy ngày 8-3 là ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
- Ngày làm việc 8 giờ.
- Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó đến nay, ngày 8-3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm châu tổ chức kỉ niệm ngày 8-3 với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
B. CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG:
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ vào năm 40 đầu công nguyên, cách chúng ta ngót hai nghìn năm mà âm thanh của cuộc khởi nghĩa cùng sự hi sinh lẫm liệt của các nữ anh hùng dân tộc vẫn còn vang vọng mãi tới ngày nay. Dân tộc ta rất tự hào đã sản sinh ra bao vị nữ anh hùng – đã làm nên những chiến công rạng rỡ cho dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo khởi nghĩa là phụ nữ, xưng vương dựng nước cũng lại là phụ nữ. Chưa một dân tộc nào, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như vậy.
Lần đọc hàng bao thần tích tại các đền chùa, miếu mạo trong cả nước, đặc biệt là những di tích thờ tự các vị nữ anh hùng thời Hai Bà Trưng tại những nơi xảy ra chiến trận dọc theo triền sông Hồng hãy còn thấy vang vọng đâu đây lời nguyền xưa của phụ nữ “Sinh vi nương tướng, tử vi thần”(sống là nữ tướng, chết làm thần).
Sử cũ vẫn còn ghi, vào giữa mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 16 (tháng 3 năm 40), mở đầu cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Châu chống lại ách áp bức bóc lột của nhà Đông Hán là cuộc khởi nghĩa to lớn của nhân dân Giao Chỉ cùng với nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng.
Hai Bà Trưng (chị là Trưng Trắc - em là Trưng Nhị) là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương – thành phần quý tộc Lạc Việt. Trưng Trắc là người “rất hùng dũng”, “có can đảm dũng lược”. Chồng bà là Thi Sách – con trai Lạc tướng huyện Chu Diên – cũng thuộc thánh phần quý tộc Lạc Việt, hai dòng họ cùng đang mưu toan việc lớn – đem lại nghiệp xưa họ Hùng thì Thi Sách bị viên thái thú Tô Định giết hại. Nợ nước thù nhà, trước sự bóc lột tàn ác của chính quyền đô hộ, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa được phát động từ cửa sông Hát (Hát Môn – Phúc Thọ - Hà Tây). Sau khi phát động khởi nghĩa những người yêu nước ở khắp nơi rầm rộ kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến công Luy Lâu (Thuận Thành – Hà Bắc) thủ phủ chính quyền Đông Hán. Tiếp theo cuộc khởi nghĩa của nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, và Hợp Phố cũng nổi lên hưởng ứng. Sử cũ vẫn còn ghi: “Trưng Trắc, Trưng Nhị chỉ hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay”. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa của các địa phương trong nước đã thống nhất thành một phong trào rộng lớn của quần chúng ở khắp nơi. Chính quyền đô hộ tan rã, sụp đổ nhanh chóng. Trước sự tấn công mạnh mẽ của quần chúng khởi nghĩa, bọn quan lại nhà Đông Hán bỏ hết thành trì, của cải, ấn tín, giấy tờ, tháo thân chạy về nước. Viên thái thú Tô Định cũng phải bỏ ấn tín, thành trì chạy về Nam Hải. Chỉ trong một thời gian ngắn dưới lá cờ chính nghĩa của Hai Bà đã thu phục được 65 huyện thành (gồm toàn bộ nước ta khi đó). Nền độc lập dân tộc lại được phục hồi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua – Trưng Nữ Vương – đóng đô ở Mê Linh.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là trang sử bất hủ của dân tộc ta ở đầu công nguyên. Nhưng chẳng được bao lâu, nghe tin Trưng Trắc xưng vương, vua Quan Vũ nhà Hán đã cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân đem quân sang đàn áp. Trưng Vương cũng các tướng lĩnh lại phát quân từ Mê Linh đến đánh địch ở vùng Lãng Bạc. Tại đây diễn ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa quân của Trưng Vương và quân của Mã Viện. Quân của Trưng Vương, gồm rất nhiều nữ tướng kiên cường chiến đấu rất anh hùng, song vì thế cùng lực tận bị thua phải rút về Cấm Khê. Quân Mã Viện đuổi theo, cuộc chiến đấu diễn ra oanh liệt, sau gần một năm trời, quân Trưng Vương thua trận, hi sinh rất nhiều. Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cuối cùng thất bại. Sau 3 năm xưng vương, đất nước và nhân dân ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ, nhưng tiếng vang của nó đời đời bất diệt.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không những chỉ biểu thị được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mà còn nói lên những khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân đến các thế hệ phụ nữ chúng ta lại kỉ niệm chiến công và sự hi sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng.
CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC TP CẦN THƠ
(Sưu tầm)
UserFiles/HEAD901/news/attachment/9611/9611_1425109519_Tu_lieu_8-3.doc
Các tin khác
- Đề cương giới thiệu luật biển Việt Nam (01/10/2014)
- Tuyên truyền về Công ước luật biển (01/10/2014)
- Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (01/10/2014)
- TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2014) (16/10/2014)
- SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (17/10/2014)
- Trận hóa trang kỳ tập của đội cảm tử quốc gia tự vệ cuộc (trận Lê Bình) và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bình (23/10/2014)
- Phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ đúng cách (25/10/2014)
- Tìm hiểu về bệnh dịch hạch và phương pháp phòng tránh (29/11/2014)
- “KHÔNG KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS” (29/11/2014)
- KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM, 25 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (04/12/2014)
- Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2015) (23/01/2015)
- Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2015). (24/02/2015)
- Bệnh ho gà (pertussis hoặc whooping cough) (01/03/2015)
- Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 (20/03/2015)
- Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2015) (23/03/2015)
- Thần thoại Hy Lạp (31/03/2015)
- Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2015) (10/04/2015)
- Chúc một ngày tốt lành - Nguyễn Nhật Ánh (29/04/2015)
- 30/4/1975 tại Sài Gòn (05/05/2015)
- Những hình ảnh biểu tượng trong chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2015)