Tin tức : (Trường THPT Nguyễn Việt Dũng)/Ngày này năm xưa /

SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

Ngày đăng : 17-10-2014



SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM


Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu và hiển nhiên trong lịch sử dân tộc.

Sống trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Không những thế, phụ nữ luôn cùng nhân dân cả nước tham gia đấu tranh, giữ vững độc lập dân tộc trước mọi thế lực ngoại xâm chưa bao giờ nguôi mưu đồ xâm chiếm đất nước ta. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc và phong cách riêng: là những người chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là những người lao động trí óc và lao động chân tay cần cù, sáng tạo, thông minh; người nghệ sĩ bảo vệ, giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là người chủ gia đình: dịu hiền, đảm đang, trung hậu, người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Nhưng dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi với cách mạng. Vì thế, ngay từ những ngày đầu chống Pháp đông đảo phụ nữ đã tham gia các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du,... Ngoài ra còn có nhiều phụ nữ tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng và sau này trở thành những phụ nữ tiêu biểu, nổi tiếng của phong trào phụ nữ như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai,...

Trong khoảng thời gian từ năm 1927 - 1930, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như: Phụ nữ Phản đế, Phụ nữ Liên hiệp hội, Phụ nữ Giải phóng,... và nhiều nhóm phụ nữ khác.

- Năm 1927, nhóm chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thuỷ là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề gồm 30 chị vừa học nghề vừa học chữ.

- Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường Nữ học Đồng Khánh.

- Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia Sinh hội đỏ của Tân Việt. nhóm này đã vận động những phụ nữ như chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

- Năm 1930, thời kì Xô Viết Nghệ Tĩnh, có 6.066 chị ở Nghệ An tham gia phụ nữ Giải phóng, có 6.880 chị ở Hà Tĩnh cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 200 xã (Nghệ An) và 172 xã (Hà Tĩnh); 400 công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ (trong đó có 90% là nữ) bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế.

- Ngày 1/5/1930 đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của trên 4000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

- Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Từ ngày 14 đến
31/10/1930 Hội nghị lần thứ nhất của Đảng họp tại ( Hương Cảng, Trung Quốc) đã thảo luận và thông qua Cương lĩnh của Đảng, trong đó có ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tháng 10/1930, Đảng ra Nghị quyết về phụ nữ vận động, nêu rõ: lực lượng cách mạng của phụ nữ là lực lượng rất trọng yếu, nếu quãng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng khômg thế thắng lợi được; phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Và muốn thâu phục cho được hết các phần tử phụ nữ thì ngoài sự tham gia của phụ nữ công nông ra, Đảng cần phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như Phụ nữ Hiệp hội, mục đích là mưu cầu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng.

Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương Đảng Đảng lần thứ nhất có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, ghi dấu sự đánh giá về vai trò phụ nữ cũng như của tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là mốc ghi nhận phong trào phụ nữ và tổ chức Hội (Phụ nữ " Hiệp hội") xuất hiện sớm cùng với sự xuất hiện của các tổ chức quần chúng cách mạng khác do Đảng lãnh đạo như tổ chức Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (1974) và Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam (6-1976). Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20-10-1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Và tại Thông báo số 382-TB/TW ngày 15-10-2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý lấy ngày 20 tháng 10 hàng năm là Ngày Phụ nữ Việt Nam.


Dương Thị Thuỷ - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Admin

Các tin khác

Xem thêm...