Ngày: 21/02/2018
Câu chuyện học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là sau Tết có vẻ trở nên xa lạ với học sinh ở các trung tâm, nhất là các thành phố lớn ở nước ta, nhưng vấn nạn này lại trở nên quen thuộc và làm “đau đầu” đội ngũ quản lí và các thầy cô đứng lớp ở nông thôn chúng tôi trong những năm qua.
Để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, việc duy trì số lượng học sinh luôn đặt làm đầu, năm nào nhà trường cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng bàn bạc và đưa ra các giải pháp và tiến hành thực hiện một cách nghiêm túc nhưng xem chừng năm nào cũng vậy, nỗi lo đó không ngoại lệ.
Nơi tôi công tác - một xã bãi ngang ven biển, điều kiện kinh tế của học sinh vô cùng khó khăn, việc cho con em đến trường không được coi trọng nên khi Tết đến là cơ hội để học sinh bỏ học giữa chừng càng gia tăng với các nguyên nhân khó cưỡng.
Một là do nhu cầu việc làm của xã hội:
Khi một khối lượng sinh viên ra trường thất nghiệp nhan nhãn, bố mẹ tốn tiền cho con học Đại học 4 năm, ra trường với bằng giỏi hay khá đều thất nghiệp như nhau, thậm chí một người có nhiều bằng cấp lại không có việc làm, trong khi người không có bằng cấp lại nuôi thân bằng công việc lao động chân tay bình thường. Chưa kể xã hội của ta đang rơi vào trạng thái” thừa thầy thiếu thợ”. Nhìn vào một xã hội như vậy, nên không ít gia đình đều tìm cho mình một hướng an toàn bằng cách cho con đi kiếm tiền càng sớm càng tốt.
Hai là do gia đình chưa coi trọng việc học:
Họ quan niệm rằng học gì cho cao, chỉ cần kiếm được tiền nuôi được bản thân và giúp đỡ gia đình. Con em mình chỉ cần kiếm dăm ba chữ là đủ, thậm chí mỗi hộ gia đình ở đây không cần quan tâm đến việc học hết lớp 9 để có bằng cấp hai nên có những vụ việc học sinh nghỉ ngay khi chưa kết thúc học kì của năm học để lại nhiều nuối tiếc cho người trong cuộc như chúng tôi.
Nguyên nhân khác nữa mà tôi cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân:
Vào dịp giáp Tết, một số lượng người địa phương làm ăn xa trở về quê ăn Tết và thường rủ rê lôi kéo các em học sinh đang học cấp hai, cấp ba đi làm. Các em như bị "thôi miên" với những trang phục đắt tiền, lối sống xa hoa cùng những đồng tiền giúp đỡ gia đình.
Năm nào cũng vậy, sau kì nghỉ Tết, tuần học đầu tiên, học sinh đến lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù trước đó, giáo viên chủ nhiệm đã làm công tác tư tưởng “các em cố gắng hoàn thành chương trình THCS để có bằng cấp hai, sau này dễ dàng xin việc hoặc để dễ học nghề”, nhưng xem ra lời nói của giáo viên không lọt tai các em khi người thực, việc thực lại “ám ảnh” các em với tư tường bỏ học; học nhiều, học cao chỉ tốn tiền mà chưa chắc đã có việc làm đi làm ăn xa vừa có tiền nuôi thân vừa giúp đỡ được gia đình. Các em không biết rằng, để có được những đồng tiền đúng đắn thì phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.
Và đây là câu chuyện không vui của những năm tôi giảng dạy: Vào đầu năm học luôn có một số học sinh nữ tỏ ra chểnh mảng trong việc học, giáo viên nhắc nhở và quan tâm em thường xuyên thì luôn nhận được câu trả lời: “Ra Tết em sẽ vào Sài Gòn làm ăn, không học tiếp đâu cô ạ”. Và quả đúng như vậy, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, chỗ ngồi lại vắng em, làm chúng tôi trăn trở và tiếc nuối. Tiếc cho các em suy nghĩ còn nông cạn, không đủ bản lĩnh vượt qua những lời rủ rê của bạn bè, phường xóm, thầm trách gia đình các em thiếu sự quan tâm đến con em mình.
Khi đến các gia đình vận động học sinh đi học lại, giáo viên chỉ nhận được câu trả lời: “Tôi cho con bé vô Sài Gòn làm ăn rồi, học gì cho lắm cũng không có việc làm đâu, hơn nữa có người quen nên tôi cũng cho đi luôn.”
Tiền bạc trước mắt đâu chưa thấy, chỉ thấy tương lai mờ mịt của các em ở phía trước, tuổi cúa các em sẽ làm được gì, khi trình độ chưa có, kinh nghiệm sống càng không…? Ngoài việc làm thuê hay cao lắm chỉ được làm công nhân mà thôi, và điều quan trọng nữa, các em dễ sa ngã khi sống xa nhà, xa quê. Không ít lần tôi nhận được điện thoại của các em, lời nói xen lẫn trong nước mắt: “Cô ơi, ở trong này vất vả lắm, chúng em phụ bán bún, bán cơm cho họ cô à. Em ước được đi học lại quá.”
Khi không khí xuân tràn ngập trên đường phố, hương vị Tết len lõi vào từng nhà, vui thì vui thật nhưng sao vẫn thấy lo cho học sinh. Liệu năm nay, có bao nhiêu chỗ ngồi lại vắng các em?
Thanh Thanh