Thứ hai, 23/12/2024 01:28:18
Nhà trường không thể chạy theo thi cử mà quên giáo dục nhân cách

Ngày: 26/12/2016

Nhà trường không thể chạy theo thi cử mà quên giáo dục nhân cách
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại hội thảo sáng 21/12. Ảnh: Lê Văn.

Trong bài viết gửi tới hội thảo 70 năm sư phạm sáng 21/12 có tên: "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: Sợi chỉ đỏ là phát triển nhân cách", bà Bình khẳng định, nhìn lại mấy chục năm qua, từ thực trạng yếu kém trong lĩnh vực giáo dục, có thể nói thẳng, các cấp lãnh đạo chưa thật sự coi trọng sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia xung quanh đều dồn sứ vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, lầm đúng những điều mà chúng ta vẫn thường nói.

"Với nước ta, lãnh đạo cần thể hiện sự thấu hiểu vai trò và tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo bằng hành động cụ thể. Người dân mong đợi lãnh đạo thực lòng quan tâm, chia sẻ những lo toan trong việc học hành của con em họ" - bà viết.

Một điểm đáng lo ngại là trong tư duy giáo dục, khi xác định sứ mạng và mục tiêu giáo dục thì khía cạnh nhân bản và sự phát triển cá nhân chưa thực sự được coi trọng.

Việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, dạy cách học còn bị xem nhẹ, duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hụa mang tính áp đặt, nhồi nhét, đẩy học sinh tới chỗ thụ động chấp nhận những điều được rao giảng, thiếu ý thức tự chủ và khả năng độc lập suy nghĩ.

Nhấn mạnh triết lý dạy và học để làm người, bà Bình cho rằng, nhà trường không thể tiếp tục giáo dục học sinh chạy theo mục tiêu thi cử mà quên vấn đề cốt lõi là giáo dục nhân cách. Dạy làm người phải là mục tiêu ưu tiên số 1 của mọi nhà trường, ở mọi cấp học kể cả giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Từ hàng chục năm nay, trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước đã có hàng loạt quyết sách về vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội. Đảng đã nêu giá dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội…

"Phải nói rằng những vấn đề được nêu hết sức đúng và sâu sắc. Nhưng nói mà không làm hoặc làm nửa vời, làm ít và chưa hiệu quả. Vì vậy, đến nay tình hình chưa được cải thiện. Văn hóa chưa có gì tốt hơn, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ngay giáo dục mà chúng ta kỳ vọng vào công cuộc đổi mới cũng vậy thậm chí còn bị một số nhà nghiên cứu đánh giá là trong tình trạng khủng hoảng".

Theo bà Bình, bên cạnh những mặt làm được thì văn hóa giáo dục, xã hội còn những mặt tiêu cực, có mặt đang xấu đi và xuống cấp và đây là nguyên nhân làm đất nước không thể phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Có thể nói đây là nguyên nhân chính vì nguyên nhân cốt lõi là con người.

Bà Bình cho rằng, mục tiêu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực là một thách thức lớn nhưng thách thức lớn hơn nhiều chính là mục đích phát triển nhân cách, nâng cao phẩm chất và năng lực con người Việt Nam.

Nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ đó thay đổi cách làm giáo dục. Những khuyết tật của giáo dục cũng như của văn hóa là khuyết tật của hệ thống xã hội trong đó có sự khập khiễng về cơ chế vận hành với con người được coi là phương tiện hơn là mục đích.

Bởi thế, phát triển nhân cách con người cần được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.

Các trường sư phạm còn nặng đào tạo người dạy chữ

Phát biểu trực tiếp tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng chia sẻ về trách nhiệm và yêu cầu đối với ngành sư phạm trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Bà Bình cho rằng, người thầy giáo phải khơi dậy được sự phát triển tự thân của mỗi học sinh. Công việc đó vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật đòi hỏi nhà giáo phải giàu lòng yêu nước, yêu người, yêu nghề, hiểu biết đời sống văn hóa và có trách nhiệm xã hội.

Nhà trường không thể chạy theo thi cử mà quên giáo dục nhân cách
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, các trường sư phạm đang nặng về đào tạo người dạy chữ hơn là các nhà giáo dục. Ảnh: Lê Văn.

Trường sư phạm phải đào tạo ra được những thầy giáo, cô giáo hiểu biết sâu sắc về con người, về nghề dạy học, dựa trên nền tảng vững chắc trí thức văn hóa của đất nước, gắn liền với sự phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, theo bà Bình, hiện nay, các trường sư phạm còn nặng đào tạo các thầy cô về dạy chữ chưa quan tâm đúng mức tới đào tạo những nhà giáo dục. Các môn khoa học tâm lý, giáo dục học chưa phải là thế mạnh của trường sư phạm trong khi đáng ra nó phải là thế mạnh.

Các khoa tâm lý, giáo dục học tuy nói là quan trọng nhưng chưa được đầu tư tương xứng. "Trong cơ cấu đội ngũ giảng viên sư phạm cần phải có chuyên gia đầu ngành về tâm lý học, giáo dục học. Các trường sư phạm nhất là các trường trọng điểm phải đào tạo ra các chuyên gia về tâm lý và giáo dục học".

Bên cạnh đó, bà Bình cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu đào tạo, các trường sư phạm phải gắn bó với trường phổ thông. "Trường sư phạm phải trở thành trung tâm nghiệp vụ của trường phổ thông trên địa bàn. Ngược lại trường sư phạm phải đóng góp vai trò tư vấn cho các nhà trường phổ thông, nhà giáo phổ thông".

"Tình hình đất nước đòi hỏi ngành giáo dục phải tiến nhanh tiến mạnh hơn nữa để đáp ứng công cuộc xây dựng đất nước. Trách nhiệm của ngành GD đặc biệt là sư phạm lớn hơn bao giờ hết" - bà Bình khẳng định.

Lê Văn

c1thitran
Tin liên quan