Thứ trưởng GD&ĐT: 'Không cấm học sinh dùng mạng xã hội để phản biện'

Ngày đăng : 07-05-2019

Những ngày qua, quy định "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” tại thông tư số 06/2019 của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thông tư nêu: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái với đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật, Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”.

 Nhiều người cho rằng Bộ GD&ĐT quy định như trên là không phù hợp với quyền bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân, “không quản được thì cấm”.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng khi xây dựng và ban hành thông tư trên, Bộ GD&ĐT đã tham khảo các luật, quy định liên quan. Đây là thiết chế quan trọng để nhà trường tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật, xây dựng văn hóa trường học.

Quy định khung

- Thưa Thứ trưởng, Thông tư số 06 ban hành Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào?

  - Từ rất sớm, Bộ GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai giáo dục kỹ năng ứng xử cho học sinh; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử thông qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của ngành và các hoạt động giáo dục.

Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, đến năm 2018, đã có 68,7% số trường phổ thông ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, trong đó 54,6% số trường thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử lý vi phạm hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bộ quy tắc ứng xử trong các trường học có hình thức, nội dung chưa đầy đủ, chung chung, dẫn tới việc triển khai quy tắc ứng xử nhiều nơi chưa thực chất, hiệu quả, chưa phát huy tác dụng trong việc xây dựng văn hóa học đường.

Bên cạnh đó, thời gian qua, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tác động tiêu cực của môi trường mạng đã dẫn tới một bộ phận thanh niên nói chung, học sinh nói riêng có ứng xử lệch chuẩn. Một số giáo viên thiếu chuẩn mực trong ứng xử, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến thể chất tinh thần học sinh, môi trường giáo dục.

Với việc ban hành Thông tư 06, lần đầu tiên quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi thức ứng xử của các chủ thể trong cơ sở giáo dục được ban hành chính thức, dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực thi hành sẽ cao hơn các văn bản chỉ đạo trước đây của Bộ GDĐT.

Thông tư sẽ là một thiết chế quan trọng để các nhà trường tăng cường nền nếp, kỷ cương, kỷ luật, xây dựng văn hóa trường học; trong đó xác định vai trò, trách nhiệm, quy định ứng xử cụ thể cho tất cả các chủ thể, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ quản lý trường học, giáo viên.

Quy định "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”

của Bộ GD&ĐT gây tranh luận những ngày qua.


  - Khi xây dựng quy định này, chúng tôi đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh.- Sau khi Thông tư số 06 ban hành có những ý kiến trái chiều liên quan đến Điều 4 quy định quy tắc ứng xử chung với nội dung: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái với đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật, Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”. Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về quy định này?

Quy định nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu có cở sở và mang tính chất xây dựng.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Ví dụ, sự việc nữ sinh của Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó nhóm học sinh đến gặp, đánh người tung tin. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ của việc học sinh sử dụng mạng xã hội với mục đích tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng.

Chúng ta đều biết, khi tham gia mạng xã hội, bên cạnh những thông tin tốt, tích cực, cũng có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ.

Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội.

Ví dụ, sự việc một nữ sinh của Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó một nhóm học sinh đến gặp học sinh tung tin để đánh bạn.

Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ của việc học sinh sử dụng mạng xã hội với mục đích tiêu cực và gây hậu quả nghiêm trọng. Môi trường giáo dục là môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng.

Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí, thì định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực là rất cần thiết.

Quy định tại Điều 4 của Thông tư 06 chính là mang tính định hướng như vậy. Quy định này nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cở sở và mang tính chất xây dựng.

Quy định về việc sử dụng tích cực mạng xã hội không phải đến Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT mới có mà trước đó, Đề án văn hóa công vụ cũng đã quy định “Cán bộ, công chức, viên chức không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”.

Luật Trẻ em cũng quy định “cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, kỹ năng để trẻ em bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng”.

Tôi muốn nói thêm quy định tại Thông tư 06 là quy định khung, từ đó, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các bộ quy tắc ứng xử riêng, phù hợp yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: Ngọc Tân.


- Thứ trưởng có nói đến việc Thông tư 06 là quy định khung. Vậy, cụ thể hơn, từ quy định khung này, các cơ sở giáo dục sẽ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử như thế nào?

- Tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg, Thủ tướng đã giao Bộ GD&ĐT ban hành quy định quy tắc ứng xử ở dạng khung, nhằm hướng dẫn thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

Thông tư 06 quy định khung các nội dung về các lĩnh vực ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử đối với các chủ thể: Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên, người học, phụ huynh học sinh và khách đến cơ sở giáo dục.

Thông tư quy định việc được làm và không được làm đối với các lĩnh vực nói trên. Trên cơ sở quy định tại thông tư này, các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của những bên liên quan (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh…).

Như vậy, so với nội dung quy định quy tắc ứng xử của Bộ GD&ĐT, bộ quy tắc ứng xử tại các trường học có nhiều nội dung đã được bổ sung cụ thể, phù hợp đặc điểm văn hóa vùng miền, địa phương.

Bộ quy tắc ứng xử của các trường học phải thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

Như vậy, thông tư 06 quy định, hướng dẫn chung về quy tắc ứng xử, còn bộ quy tắc ứng xử do các trường xây dựng sẽ cụ thể hơn, thực hiện thống nhất tại các cơ sở giáo dục.

- Ngày 28/5 tới, thông tư 06 chính thức có hiệu lực. Thứ trưởng có lưu ý gì đến cơ sở giáo dục, nhà giáo, học sinh và các đối tượng chịu tác động của Thông tư để quy định ý nghĩa này có thể thực sự phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn?

- Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT quán triệt tới các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo trường học, giáo viên, học sinh nghiên cứu kỹ về mục đích, ý nghĩa, các quy định chung, quy định cụ thể tại thông tư 06 để xây dựng và thực hiện có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường.

Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung bộ quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến từ cơ sở.

Nguồn: Zing.vn

Xem thêm...