Họp mặt nữ cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo nhân kỷ niệm 1977 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 107 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Ngày đăng : 08-03-2017

BÀI PHÁT BIỂU

TRONG BUỔI HỌP MẶT NỮ CÁN BỘ QUẢN LÝ

NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ

NHÂN KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3

Trần Hồng Thắm

Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Kính thưa đồng chí Lê Văn Thành, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Dân chính Đảng!

Kính thưa đồng chí Huỳnh Hoàng Mến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy!

Kính thưa đồng chí Lê Thị Sương Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy!

Kính thưa quý đại biểu khách mời, các chị em cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ!

Với tư cách là Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành giáo dục và đào tạo thành phố, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu, các nhà tài trợ, các nam đồng nghiệp lời cảm ơn chân thành nhất vì đã tổ chức một buổi họp mặt kỷ niệm đầy niềm vui như hôm nay!

Thời nào cũng thế, xã hội luôn  đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu  khá “khắt khe” về những giá trị, chuẩn mực phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ. Điều đó, thoạt nghe, nhiều người cho rằng như thế là “Bất bình đẳng giới”. Tại sao xã hội cứ đòi hỏi người phụ nữ phải thế này, thế nọ, còn nam giới thì sao?

Trên một khía cạnh khác tôi nghĩ, điều đó chẳng hề hạ thấp vai trò của người phụ nữ đi chút nào, mà qua đó chứng tỏ xã hội vẫn luôn thừa nhận, đánh giá cao vai trò và tầm ảnh hưởng của phụ nữ đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa gia đình, mà văn hóa gia đình cũng là một yếu tố góp phần xây dựng nên nền tảng văn hóa xã hội.

Như một triết gia đã nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình nhưng giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ”. Là phụ nữ, chúng ta phải thấy được trách nhiệm và tự hào về điều đó!

Kính thưa các đồng chí!

Là phụ nữ đã khó, lại càng khó khăn hơn khi phụ nữ tham gia trong công tác lãnh đạo, quản lý. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, người nữ cán bộ, quản lý thường gặp rất nhiều rào cản. Có những rào cản từ yếu tố bên ngoài tác động như cơ chế chính sách, định kiến và có những rào cản xuất phát từ chính bản thân người phụ nữ. Cụ thể như:

- Trong lĩnh vực chính trị, nam giới thường ở vị trí khá ổn định và được xem xét đề bạt nhiều hơn phụ nữ, ngược lại để phụ nữ được đề bạt vào những vị trí chủ chốt thì họ phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí gấp đôi so với nam giới. Khi ấy, năng lực của họ mới để lãnh đạo cấp trên chú ý đề bạt. Đây chính là một trong những rào cản khiến cho con đường chức nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trở nên gian nan hơn.

- Rào cản thuộc định kiến giới: Trong xã hội Việt Nam, tư tưởng trọng nam khinh nữ và những phong tục tập quán lạc hậu vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn.. Nhận thức của người có thẩm quyền quyết định nhân sự về bình đẳng giới còn hạn chế, do đó, việc thực hiện lồng ghép giới vào trong các chương trình, kế hoạch còn nhiều khó khăn, trong đó có công tác đào tạo và đề bạt cán bộ nữ. Đây là một trong những rào cản rất lớn để thực hiện tốt công tác cán bộ cho giới nữ.

- Thêm vào đó là hình ảnh đâu đó của những người chồng, luôn muốn vợ mình phải dành nhiều thời gian cho gia đình, hết lòng vì gia đình,  chăm sóc gia đình là chủ yếu, mọi công việc ở cơ quan đối với nữ chỉ được giải quyết trong giờ hành chính, nếu phát sinh ngoài giờ là điều khó chấp nhận. Do vậy, người phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý có rất nhiều trăn trở, nhiều áp lực và rất gian nan nếu bị những quan niệm định kiến đè nặng con đường tiến thân của mình.

- Bên cạnh đó cũng có  những rào cản thuộc về chính bản thân người phụ nữ: Trước hết, chúng ta kể đến năng lực của họ trong công tác lãnh đạo, quản lý. Phụ nữ cũng có những tố chất lãnh đạo mà không tìm thấy ở người nam giới. Để tham gia các hoạt động xã hội, phụ nữ luôn đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách hơn mà không phải ai cũng đủ sự tự tin và kiên nhẫn để vượt qua, đó là gánh nặng của vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con và sự định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội, ngóc ngách đâu đó người Á đông. So với nam giới, đội ngũ cán bộ nữ phải dành nhiều thời gian cho sinh con, nuôi con, chăm sóc gia đình. Thực tế này dẫn tới những áp lực trước gia đình và sự nghiệp, bởi vậy họ cũng bị hạn chế với việc nâng cao kiến thức, cập nhật tri thức mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc của bản thân.

Bên cạnh nhiều thách thức và rào cản mà phụ nữ nói chung phải đối mặt thì phụ nữ làm công tác quản lý càng khó hơn. Tuy vậy, phụ nữ làm quản lý có nhiều ưu điểm như cần cù, đạt hiệu quả cao trong công việc, dễ thu phục lòng người, mềm dẻo, linh động. Để vượt qua những rào cản trên, tôi mong quý chị em những điều sau:

Thứ nhất, bản thân mối chúng ta phải quan tâm giữ gìn sức khoẻ. Đối với những người phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý trước hết phải luôn giữ được sức lực của mình, đảm bảo được sức khoẻ tốt, giảm bớt thói quen hình thành sự mệt mỏi; phải biết giảm đến mức thấp nhất sự tiêu hao sức lực và căng thẳng tinh thần do công việc. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lí. Mỗi người lãnh đạo, quản lý nữ nên cố gắng để có những kì nghỉ phù hợp, giảm bớt làm ngoài giờ, tìm những người chia sẻ với mình công việc gia đình, sử dụng các cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn, tạo nên sự hài hoà giữa cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và tình yêu để tạo nên hạnh phúc và động lực làm việc. Xây dựng 1 trái tim nóng và 1 cái đầu lạnh.

Thứ hai, quan tâm và giải quyết tốt vấn đề gia đình

Người phụ nữ cần điều chỉnh cuộc sống tình cảm của mình để nó tác động tích cực đến việc giải quyết những vấn đề hiện tại của công việc quản lí tổ chức. Muốn vậy, chúng ta cần chú ý việc tổ chức cuộc sống gia đình, ứng xử hài hòa nhất trong các mối quan hệ gia đình. Đặc biệt, tập trung chí ý việc giáo dục con cháu chúng ta trở thành những công dân tương lai hữu ích.

Hiểu được điều này thì đơn giản, nhưng thực hiện được nó trong cuộc sống gia đình thì không hề dễ dàng đối với những người phụ nữ là lãnh đạo, nhất là ở các vị trí quản lí cao. Phong cách của người lãnh đạo - phong cách quen chỉ đạo người khác, thích nói cho người khác nghe mà không muốn nghe người khác nói, áp đặt suy nghĩ và cách làm của mình cho người khác... rất có thể được chúng ta mang từ cơ quan về gia đình. Điều này có thể làm cho những người thân trong đó có người chồng không hài lòng. Có thể nói, sự thay đổi từ vai của một người lãnh đạo tổ chức sang vai của một người mẹ, người vợ (vai của người phục vụ) trong gia đình là khó, đòi hỏi người phụ nữ phải có sự quyết tâm và cố gắng lớn.

Thứ ba, bản thân những người phụ nữ chúng ta cần khắc phục tâm lý tự ti, thoái thác; mà đặc biệt, để bảo vệ cho phụ nữ, cho chính chúng ta, chúng ta phải kiên quyết khắc phục tư tưởng níu áo nhau trong chính giới nữ, do phần đông mọi người cho rằng cho rằng phụ nữ nhìn nhận con người quá kỹ càng, quá tỉ mỉ, nhiều khi chỉ thấy ‘cây mà không thấy rừng’. Chính tâm lý này đã làm cho phụ nữ không nhìn thấy chính năng lực của nữ giới chúng ta. Vì vậy, trong cơ quan, đơn vị, chúng ta  cần mở lòng, cùng nâng nhau lên để cùng tiến bộ. Khi mình nâng chị em khác lên thì mình càng có giá trị hơn.

Và cuối cùng, khi chúng ta làm quản lý thì tuyệt đối không được dừng lại, dừng lại sẽ tụt hậu. Và tôi mong mỗi lần họp mặt nữ cán bộ quản lý ngành chúng ta lại được nghe thông tin Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành giáo dục và đào tạo thành phố báo cáo nhiều thành quả hơn, nhiều bước tiến tích cực hơn của nữ giới ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ. Trước khi dứt lời, thay mặt nữ cán bộ quản lý ngành, tôi xin gửi lời cảm ơn đến 28 bạn nữ cán bộ quản lý đã thể hiện đầy đủ sự tự tin, duyên dáng, bản lĩnh của mình qua phần biểu diễn đặc sắc. Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình. Xin gửi đến chị em cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo thành phố những tình cảm thân thương nhất nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3. Hẹn gặp lại các chị em, quý đại biểu trong lần họp mặt sau.

Trân trọng kính chào!

Một số hình ảnh tại buổi họp mặt

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Dân Chính Đảng TPCT

tặng hoa cho bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT

DANH SÁCH NHÀ TÀI TRỢ

1. Ông Đinh Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ.

2. Ông Lê Thanh Long, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo.

3. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty Người mẫu Tây Đô.

4. Chuyên gia trang điểm Quỳnh Trâm.

5. Bà Lê Thanh, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều.

DANH SÁCH ỦNG HỘ KINH PHÍ MAY ÁO DÀI TẶNG NỮ SINH CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

(XEM FILE ĐÍNH KÈM)

 

 

 

 

 

Văn phòng

Tải tệp đính kèm

Xem thêm...