Sớm nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi năng lượng tái tạo

Ngày đăng : 10-09-2012

- Xin ông cho biết tình hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở thế giới hiện phát triển ra sao ?

- Năng lượng tái tạo chủ yếu gồm các dạng năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối (rơm, rạ, củi). Hiện nguồn năng lượng mới và tái tạo chiếm khoảng 14% tổng nhu cầu năng lượng thế giới. Theo Tổ chức Năng lượng thế giới và Tổ chức Môi trường thế giới, điện năng sản xuất từ năng lượng gió và mặt trời tăng khoảng 30% mỗi năm, nhất là ở các nước châu Âu. Nước Mỹ có hẳn chương trình 1 triệu mái nhà sử dụng pin mặt trời. Nhật Bản cũng nhân rộng pin mặt trời trong các hộ gia đình và dự định sản xuất với công suất hàng nghìn MW. Các nước châu Âu tập trung phát triển mạnh năng lượng gió, nhất là Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha. Họ có biện pháp mạnh thúc đẩy người dân và doanh nghiệp (DN) sử dụng năng lượng gió, giảm bớt năng lượng hạt nhân.

- Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời nhưng vì sao chúng ta chưa phát triển được ?

- Nước ta đã có chương trình nghiên cứu sản xuất điện từ năng lượng gió và Mặt trời nhưng còn hạn chế, chưa được phổ biến rộng rãi. Một trong những lý do chính là do giá thành 1W công suất điện mặt trời khá đắt, khoảng 7-8 USD trong khi giá thành của các loại năng lượng khác chỉ khoảng 1 USD. Toàn bộ điện mặt trời hiện có ở Việt Nam chủ yếu do Nhà nước đầu tư xây dựng và tính theo giá điện lưới. Về năng lượng gió, chúng ta cũng có phát triển nhưng chưa hình thành chương trình tầm cỡ quốc gia mà chỉ là các dự án nhỏ. Động cơ phát điện gió lớn nhất hiện nay có công suất 850kW được lắp đặt tại đảo Bạch Long Vĩ.

Khảo sát của Bộ Công nghiệp cho thấy, đèn chiếu sáng có tổng mức tiêu thụ điện lớn nhất, chiếm 19,17% trong tổng lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình. Nồi cơm điện tốn thứ hai (18,14%), tiếp đến là quạt và tủ lạnh, lần lượt là 15,49% và 15,33% tổng tiêu thụ điện năng. Máy bơm nước và ti vi màu chiếm 5,53% và 4,38%.

- Vậy chúng ta có thể kỳ vọng đến đâu vào nguồn năng lượng Mặt trời và gió ?

- Năng lượng tái tạo vô tận, có thể tái sinh nhưng có nhược điểm không thể khắc phục là sự phân tán và thiếu liên tục. Như vậy tốt hơn cả là nên tìm cách tận dụng năng lượng tái tạo làm nguồn bổ sung, tức là đưa ra được mô hình kết hợp giữa năng lượng tái tạo với các nguồn thủy điện, nhiệt - khí điện... Vì nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao, chúng ta nên tiến hành sớm các nghiên cứu để đưa vào ứng dụng rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo.

- Trong khi năng lượng tái tạo chưa được khai thác bao nhiêu, tình hình sử dụng năng lượng tại khu vực DN hiện như thế nào ?

- Nghiên cứu của Bộ Công nghiệp gần đây cho thấy, do trình độ công nghệ lạc hậu của thiết bị, do chưa chú ý đúng mức đến việc quản lý năng lượng trong từng DN, việc sử dụng năng lượng chưa hợp lý, tổn thất cao... cho nên trong nhiều ngành sản xuất? ta, mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị giá trị kinh tế (cường độ năng lượng - CĐNL) ở ta còn quá cao so với các nước trong khu vực. CĐNL trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaixia khoảng 1,5 - 1,7 lần. Điều đó có nghĩa là để tạo ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất của ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 - 1,7 lần.

Cũng cần nhắc thêm, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng chủ yếu dưới dạng thô nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hầu hết các sản phẩm dầu sau chế biến đều phải nhập khẩu, trong khi chúng chiếm đến gần 60% tổng nhu cầu năng lượng của nước ta.

- Vừa rồi, Bộ KH&CN có ký với UNDP một Dự án về việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ sử dụng hiệu quả năng lượng. Ông có thể giới thiệu về nội dung này?

- Tổng kinh phí Dự án là 28,769 triệu USD, trong đó tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu là 5,469 triệu USD, còn lại là vốn của các đối tác Việt Nam. Mục đích của Dự án là xây dựng và áp dụng các giải pháp đồng bộ giúp 500 DN vừa và nhỏ trong các ngành gạch, gốm sứ, giấy - bột giấy, dệt và chế biến thực phẩm giảm từ 10-15% chi phí năng lượng, tiết kiệm tổng mức năng lượng là 136.000 tấn dầu quy đổi và giảm tổng phát thải khí nhà kính tương đương 962.000 tấn CO2 trong giai đoạn 2006-2010. Thời gian thực hiện Dự án bắt đầu từ tháng 11/2005 đến hết tháng 10/2010.

Nguồn trích: Hà Nội mới, 3/11

Xem thêm...