TRƯỜNG THCS ĐỒNG TÂN
BÀI TUYÊN TRUYỀN
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Thời gian qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, tạo bức xúc trong nhân dân. Nhằm hạn chế đến mức tối đa hậu quả của loại tội phạm này, cần có cách nhìn cụ thể về loại tội phạm này, từ đó áp dụng các biện pháp cần thiết, góp phần tạo hiệu quả phòng ngừa.
Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em: Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.
Khái niệm “trẻ em” được nêu trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Theo Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 05/4/2016, “trẻ em” được quy đinh là người dưới 16 tuổi. Còn Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thì đưa ra khái niệm: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng có thể hiểu, trẻ em là người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do các tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Qua nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả. Không những trẻ em gái mà trẻ em là nam giới cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục. Đáng nói, sau khi bị xâm hại nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với mình. Hầu hết những người xâm hại tình dục là nam giới và hầu hết các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình, hoặc hàng xóm… Đôi khi việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống…) nhằm dụ dỗ, đe doạ để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.
Trẻ có thể bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau trong đó phổ biến là xâm hại bằng cách đụng chạm và không đụng chạm. Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đụng chạm bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ, hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ lớn hơn, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm… Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách không đụng chạm là những hành vi như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục, cho trẻ nghe hoặc nhìn những cảnh tình dục, bắt trẻ đứng ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh (khiêu dâm), hoặc cho trẻ xem sách báo khiêu dâm…
Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại tình dục có thể chịu tổn thương thể xác kéo dài do các bệnh như như HIV/AIDS, viêm gan, lậu, giang mai và những bệnh lây lan qua đường tình dục khác… Nếu không được chữa trị có thể gây nên những vấn đề trong tương lai như có thai ngoài ý muốn, ung thư và tử vong do nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, trẻ còn có thể chịu những tổn thương thể chất trong quá trình phản kháng lại hành vi xâm hại tình dục…
Về mặt tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục thường sẽ cảm thấy tội lỗi, sợ hãi, xấu xa, thất bại, cộc tính..., cho rằng mình là kẻ thất bại và có nguy cơ trở thành tội phạm khi trường thành. Đặc biệt, nếu trẻ không được điều trị tâm lý kịp thời sau khi bị xâm hại thì rất dễ bị ám ảnh lâu dài và khi lớn lên có thể trở thành người đi xâm hại tình dục trẻ em khác. Ngoài ra, trẻ bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ lớn lên có thể gặp vấn đề về giới tính của mình, nhiều đứa trẻ bị trầm cảm, rối loạn nhân cách... Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý mà đôi khi, cơn sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm mới thể hiện ra. Vì thế phụ huynh thường khó phát hiện ra những bất thường của con em mình…
Hơn thế, trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Vì những trải nghiệm bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ, chúng có thể lớn lên và tin rằng tình dục là cách duy nhất để thể hiện cảm xúc và sự an toàn. Nghiêm trọng hơn, bị đối xử tồi tệ và bị xâm hại tình dục có thể trở thành hình mẫu trong cuộc sống của chúng. Nếu không được hỗ trợ và giúp đỡ để có thể hàn gắn từ sự xâm hại, những trẻ em bị xâm hại có thể trở thành những người đi xâm hại khi chúng lớn lên.
* Phòng tránh bị xâm tình dục: Để bản thân không phải là nạn nhân bị xâm hại tình dục thì mỗi em khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cần cố gắng học tập tìm hiểu thông tin xã hội làm tăng sự hiểu biết của bản thân về những hành vi xấu của bạn bè, người thân, người lạ có thể gây hại cho mình để có cách phòng tránh.
- Nhận dạng những hành vi xấu như: Ép uống rượu, bia, hút thuốc, sờ mò, vuốt ve bộ phận sinh dục, chỗ nhạy cảm.
- Tuyệt đối không được nói dối cha, mẹ, bỏ học để đi theo người lạ, bạn bè nhất là những người bạn quen biết trên mạng rủ đi du lịch, đi ăn uống khi ấy các em có thể bị lối cuốn vào nạn buôn người hay xâm hại tình dục có thể bị bóc lột tình dục.
- Không nói chuyện với người lạ, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác khi người lạ bắt chuyện. Có thể nói dối để thoát sự nguy hiểm.
- Khi người lạ đến gần và có hành vi đồi bại thì cần phải kiên quyết phản đối, la hét, kêu khóc, cắn, và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới chỗ đông người.
- Trường hợp đặc biệt: khi bị xâm hại tình dục không được dấu diếm, hay có tâm lý tự mình giải quyết mà cần nói với cha, mẹ hay người lớn để có cách xử lý tránh gây những tổn thương về mặt sức khỏe, tâm lý cho bản thân và trừng trị kẻ gọi là “yêu râu xanh”.
Trên đây là một số hiểu biết về xâm hại tình dục trẻ em và cách phòng tránh thầy muốn gửi tới các em trong học sinh toàn trường đặc biệt là những trẻ em là nữ. Thầy mong các em nắm được để có cách phòng tránh tốt hơn cho bản thân tránh xa những thiệt thòi cho bản thân cũng như giúp bản thân không vướng vào các tệ nạn xã hội nguy hiểm.
Cảm ơn thầy cô, các em học sinh đã chú ý lắng nghe. Sau đây là một số câu hỏi kiểm tra sự hiêu biết của các em về xâm hại tình dục trẻ em:
Câu hỏi 1: Em hãy cho biết xâm hại tình dục trẻ em là gì?
Câu hỏi 2: Theo Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 05/4/2016 thì trẻ em là dối tượng từ bao nhiêu tuổi?
Câu hỏi 3: Những hành vi như thế nào thì được coi là xâm hại tình dục trẻ em?
Câu hỏi 4: Hai hình thức phổ biến được coi là hành vi xâm hại tình dục trẻ em là gì?