TRƯỜNG THCS ĐỒNG TÂN
BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÓNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC
Kính thưa quý thầy cô, các em học sinh thân mến. Như chúng ta đã biết hàng năm có rất nhiều trường hợp chết do tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng. Đặc biệt tỉ lệ do đuối nước ở trẻ em là rất nhiều. Do báo cáo toàn cầu của WHO tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 6400 người tử vong do đuối nước. Mỗi ngày có khoảng 20 trẻ em chết do đuối nước. Hiên nay đang là mùa hè các em học sinh sắp bước vào kỳ nghỉ hè rất lâu cùng với tiết trời mùa hè mưa nắng thất thường có khi rất oi nóng, có khi mưa nhiều gây lũ lụt nhiều nơi cho nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Vậy đuối nước là gì, nguyên nhân dẫn đến đuối nước và cách phòng tránh ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
1. Đuối nước là gì? Tại sao đuối nước lại gây ra tử vong?
- Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
- Người ta thống kê thấy có khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
- Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô.
Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
2. Nguyên nhân đuối nước.
- Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước nhưng chủ yếu do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước.
- Do trẻ em là học sinh, sinh viên có thói quen rủ nhau ra sông, suối, ao, hồ tập bơi, đùa nghịch, vào những ngày nắng nóng.
- Những vùng gần sông, suối, ao hồ không có biển báo nguy hiểm, thường xuyên bị ngập lụt do mưa lũ kéo dài.
Do tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ.
Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, thì do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên
3. Biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước
Để phòng tránh tai nạn đuối nước chúng ta cần chú ý quan tâm đến các việc sau:
- Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
- Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ.
- Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông, đập tràn,…
* Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.
+ Không được tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy siết, xoáy khi không có người lớn biết bơi và cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
4. Cách xử lý khi gặp người bị tai nạn dưới nước
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Trong trường hợp gặp nạn nhân bị đuối nước thì cần nhanh chóng hô hoán người xung quanh cùng đến để giúp đỡ.
- Nếu biết bơi thì xuống cứu người bi đuối nước nhưng cần hết sức cẩn thận bởi khi đuối nước nạn nhân thường rất khỏe có thể dìm chết người xuống cứu. Trường hợp nạn nhân còn vùng vẫy thì nắm lấy tóc nạn nhân kéo lên bờ, nếu nạn nhân bất tỉnh thì nhanh chóng đưa lên bờ.
- Nếu không biết bơi thì tuyệt đối không được nhảy xuống cứu mà cần gọi những người biết bơi đến giúp. Trong trường hợp không có người giúp thì dùng những cành cây hay dây đưa cho nạn nhân và kéo nhanh chóng vào bơ.
Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo:
- Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.
- Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 1 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có 2 người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.
Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho họ, thay quần áo và ủ ấm sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.
Trên đây là những kiến thức quan trọng về phòng tránh đuối nước thầy muốn gửi tới các em học sinh toàn trường mình khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là các em kết thúc chương trình và bước vào kỳ nghỉ hè dài. Những thực thế về đuối nước sảy ra rất nhiều và hậu quả thường rất nặng nề cho thầy cô và cha mẹ các em. Những vụ chết đuối gân đây nhất xảy ra gân khu vực địa bàn xã như vụ tai nạn đuối nước của 3 em học sinh 1 nam, 2 nữ học lớp 12 tại khu vực Cầu mây – Phú Bình – Thái nguyên khi chuẩn bị thi tốt nghiệp rủ nhau đi chụp ảnh để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất. Hay vụ đuối nước của em học sinh học lớp 11 trường THPT Hiệp Hòa số 3 ngày 10/5 vừa qua cũng tại sông Cầu đoạn đi qua xã Hòa Sơn sau khi đi đá bóng một nhóm bạn rủ nhau đi bơi nhưng hậu quả thật buồn. Như vậy qua những thực tế đó các em đủ hiểu được sự nguy hiểm của việc lơ là, chủ quan, tự ý ra sông suối tắm, đùa nghịch.
Sau kỳ nghỉ hè thầy rất mong tất cả các em học sinh trong toàn trường mình có sức khỏe thật tốt, để tiếp tục học tập học tập tốt trong những năm học tiếp theo.
Sau đây là những câu hỏi kiểm tra kiến thức
Câu hỏi 1: Thế nào là đuối nước?
Câu hỏi 2: Nguyên nhân đưới nước là gì?
Câu hỏi 3: trình bày bước 1 trong cách sơ cấp cứu người đuối nước