Tin tức/(Trung Học Cơ Sở Thới Thuận)/Hoạt động giáo dục/

Mô hình trường học mới

    PHÒNG GD&ĐT THỐT NỐT             CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG THCS THỚI THUẬN                         Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

 

           Số: ……/KH-THCS                      Thới Thuận, ngày 25 tháng 9 năm 2017

 

 

KẾ HOẠCH

Thực hiện triển khai dạy học mô hình Trường học mới lớp 6

Năm học 2017-2018

            

Căn cứ Công văn số 4668/BGDĐT-GDTrH, ngày 10/9/2015 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn triển khai mô hình trường học mới Việt Nam cấp THCS từ năm học 2015-2016; Công văn 4669/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2015 về việc hướng dẫn đánh giá học sinh THCS theo mô hình trường học mới;

Thực hiện Công văn số …../PGD&ĐT, ngày …/9/2017 của Phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt về hướng dẫn dạy thực nghiệm mô hình trường học mới lớp 6 năm học 2017-2018,

Trường THCS Thới Thuận xây dựng kế hoạch thực hiện dạy học mô hình Trường học mới lớp 6, năm học 2017-2018 như sau:

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI:

1. Công tác quản lý, chỉ đạo:

- Chỉ đạo tổ chuyên môn (TCM) và tất cả đội ngũ giáo viên (GV) thực hiện tổ chức triển khai dạy học theo quy trình hướng dẫn của PGD&ĐT Thốt Nốt.

- Tổ chức sinh hoạt TCM 02 lần/tháng trong đó có nội dung (lên lớp) dạy học theo mô hình Trường học mới (THM) để  trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học; đồng thời tham gia tích cực vào hoạt động chuyên môn theo cụm trường để học tập, rút kinh nghiệm.

- Ban lãnh đạo (BLĐ) nhà trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tư vấn để hỗ trợ cho GV trong quá trình tổ chức dạy học theo mô hình THM.

2. Công tác tập huấn, tiếp cận chương trình mô hình THM:

- Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Phòng, Sở GD&ĐT tại các buổi tập huấn và trên các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Nhà trường tổ chức quán triệt thực hiện nghiệm túc các nội dung hướng dẫn trong văn bản, nội dung đã tiếp thu được trong các buổi tập huấn tại thành phố và cụm trường.

- Các thành viện đã được tham gia tập huấn cấp thành phố và cụm trường chịu trách nhiệm về nội dung tập huấn.

- Thành phần tham gia: Tất cả cán bộ, giáo viên THCS của nhà  trường.  

3. Công tác vận động, tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương:

-  Tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và cộng đồng trách

nhiệm của chính quyền địa phương, của cộng đồng xã hội và các bậc phụ huynh thông qua các buổi họp giao ban, tiếp xúc cử tri và họp phụ huynh học sinh.

- BLĐ, các GV dạy lớp 6 tiếp tục phối hợp tốt với Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS), tham mưu, huy động xây dựng nguồn vốn để xây dựng, hỗ trợ, trang trí các góc học tập…  đồng thời vận động phụ huynh tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường, như: dự giờ; hỗ trợ con em hoàn thành các bài tập ứng dụng; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, sự tiến bộ của con em; hỗ trợ con em tổ chức các hoạt động tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương…

II. HƯỚNG DẪN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DẠY - HỌC:

- BLĐ chỉ đạo GV dạy lớp 6 thực hiện tốt chương trình theo mô hình THM.

- Đối với 8 môn học lớp 6: 1. Toán; 2. Ngữ Văn; 3. Khoa học tự nhiên (Vật

lý, Hóa học, Sinh học); 4. Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí); 5. Giáo dục công dân; 6. Công nghệ; 7. Tin học; 8. Hoạt động giáo dục (Âm nhạc , Mĩ thuật, Thể dục) thực hiện theo PPCT và sách hướng dẫn học tập. Còn môn Tiếng Anh sử dụng sách giáo khoa theo chương trình hiện hành, nhưng thiết kế bài dạy và tổ chức dạy học theo mô hình THM. Môn Giáo dục tập thể (Chào cờ, Sinh hoạt lớp) thực hiện theo chương trình hiện hành. Môn Tự chọn nhà trường chỉ định là dạy kĩ năng sống và giáo dục địa phương, phải xây dựng được kế hoạch, PPCT các nội dung kĩ năng sống và giáo dục địa phương phải được TCM xây dựng trình Hiệu trưởng phê duyệt. 

- Việc dạy và học phải thực hiện đúng theo các văn bản của các cấp lãnh đạo ngành theo tinh thần Công văn số  4668/BGDĐT-GDTrH, ngày 10/9/2015 của Bộ GDĐT V/v Hướng dẫn triển khai mô hình THM Việt Nam cấp THCS từ năm học 2015-2016.

- Thời lượng thực hiện chương trình giáo dục như sau:

TT

Môn học/HĐGD

Số tiết TB/tuần

Tổng số

tiết/năm

1

Toán

4

140

2

Ngữ văn 

4

140

3

Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) 

3

105

4

Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí) 

2

70

5

Giáo dục công dân 

1

35

6

Công nghệ 

2

70

7

Tin học 

2

70

8

Hoạt động giáo dục (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục) 

4

140

9

Ngoại ngữ 

3

105

10

Giáo dục tập thể (Chào cờ, sinh hoạt lớp) 

2

70

11

Tự chọn (Kĩ năng sống; Nghề phổ thông; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục địa phương)

2

70

 

- Tiếp tục dạy tích hợp vào các nội dung: Bảo vệ môi trường, biển, hải đảo, quyền và bổn phận của trẻ em, bình đẳng giới, ATGT, phòng chống các tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS… vào các môn học.

Lưu ý: Đối với các chủ đề tích hợp, các tổ/nhóm chuyên môn thảo luận, tham mưu để Hiệu trưởng lựa chọn phân công giáo viên thực hiện, nếu có chủ đề chung của các phân môn (ví dụ bài 1, 2, 3, 4 trong môn KHTN) thì phân công giáo viên có điều kiện thuận lợi nhất giảng dạy. Thông qua việc triển khai thí điểm mô hình THM  và qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, GV giúp nhau tự bồi dưỡng để tiến tới mỗi GV có thể đảm nhận nhiều phân môn trong một môn học.

III. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI HỌC SINH:

Việc đánh giá học sinh phải đảm bảo mục đích yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và các hình thức đánh giá theo tinh thần Công văn 4669/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2015 của Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn đánh giá học sinh THCS theo mô hình THM cụ thể như sau:

1. Mục đích đánh giá:

Đánh giá HS mô hình THM mới được hiểu là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của HS; tư vấn, hướng dẫn, động viên HS; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS THCS nhằm mục đích giúp:

- HS tự rút kinh nghiệm và nhận xét lẫn nhau trong quá trình học tập, tự điều chỉnh cách học, qua đó dần hình thành và phát triển năng lực vận dụng kiến thức, khả năng tự học, phát hiện và giải quyết vấn đề trong môi trường giao tiếp, hợp tác; bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện của HS trong quá trình giáo dục.

- GV rút kinh nghiệm, điều chỉnh hoạt động dạy học và giáo dục ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học và giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ; phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định phù hợp về những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi HS để có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS.

- Cán bộ quản lí giáo dục các cấp có căn cứ để chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.

- CMHS hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là CMHS), cộng đồng quan tâm và tham gia nhận xét, góp ý quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, phát triển năng lực, phẩm chất của HS; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động dạy học và giáo dục HS.

2. Nguyên tắc đánh giá:

- Đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của HS thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS dựa trên mục tiêu giáo dục THCS; coi trọng đánh giá để giúp đỡ HS về phương pháp học tập.

- Chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá: Đánh giá các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện  dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập (sau đây gọi chung là sản phẩm học tập); kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Kết hợp đánh giá của GV với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của HS, đánh giá của CMHS và cộng đồng.

- Coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi HS, không so sánh HS này với HS khác; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho HS, GV và CMHS.

- Việc đánh giá HS khuyết tật học hòa nhập phải bảo đảm quyền được chăm sóc và giáo dục đối với tất cả HS theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của HS là chính.

3. Nội dung đánh giá:

- Đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục THCS theo từng môn học và HĐGD.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của HS.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của HS.

4. Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ:

a) Đánh giá thường xuyên:

- Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện, của HS, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và HĐGD, trong đó có quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.

-  Tham gia đánh giá thường xuyên gồm có: GV, HS (tự rút kinh nghiệm và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích CMHS và cộng đồng tham gia nhận xét, góp ý cho HS, GV, các HĐGD của nhà trường.

* Giáo viên đánh giá:

Hình thức 1: Đánh giá quá trình học tập của HS

Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động trong bài học, GV tiến hành một số việc như sau:

-  Theo dõi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của HS/nhóm HS theo tiến trình dạy học; quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của HS để áp dụng biện pháp cụ thể, kịp thời giúp đỡ HS vượt qua khó khăn. Chấp nhận sự khác nhau về thời gian và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các HS; những HS hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn tiến độ chung thì được giao thêm nhiệm vụ học tập hoặc giúp đỡ bạn. Hàng tuần, GV lưu ý đến những HS có nhiệm vụ chưa hoàn thành, giúp đỡ kịp thời để HS biết cách hoàn thành nhiệm vụ.

- Nếu có nhận xét đặc biệt, GV ghi vào phiếu, vở, sản phẩm học tập... của HS về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được, mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức, mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết...

Hình thức 2: Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của HS

GV quan sát các biểu hiện trong quá trình học tập, sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể để nhận xét sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của HS; từ đó động viên, khích lệ, giúp HS khắc phục khó khăn; phát huy ưu điểm và các phẩm chất, năng lực riêng; điều chỉnh hoạt động, ứng xử để tiến bộ. (Các biểu hiện phẩm chất và năng lực nêu ở Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo)

* Lưu ý:

Trong đánh giá thường xuyên GV không đánh giá bằng cho điểm mà đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả học tập của HS; chủ yếu dùng lời nói để động viên, góp ý, hướng dẫn HS, đồng thời ghi lại những nhận xét đáng chú ý nhất vào "Sổ tay lên lớp" như: Những kết quả HS đã đạt được hoặc chưa đạt được; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của HS; những biện pháp đã áp dụng và những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân hoặc nhóm HS trong học tập, rèn luyện.

Trong quá trình đánh giá thường xuyên, GV có thể chấm và ghi điểm trên một số sản phẩm học tập để HS tham khảo nhưng không lưu điểm trên các loại hồ sơ khác.  Để đạt hiệu quả cao trong việc động viên, khích lệ HS, GV cần đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh riêng... của từng HS để có những nhận xét thỏa đáng; biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp HS tự tin vươn lên; tuyệt đối tránh những nhận xét có tính xúc phạm, làm tổn thương tâm lý HS. GV kịp thời trao đổi với CMHS và những người có trách nhiệm để có thêm thông tin và phối hợp giúp cho sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của HS.

Hàng tháng, đối với những HS cần được quan tâm nhiều hơn, GV ghi nhận xét vào “Sổ tay lên lớp” của GV về thành tích hoặc hạn chế nổi bật trong học tập và rèn luyện; các biểu hiện của phẩm chất, năng lực; dự kiến áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt nhằm bồi dưỡng HS có năng khiếu, giúp đỡ kịp thời những HS chưa hoàn thành nội dung học tập môn học và hoạt động giáo dục trong tháng.

* HS tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn:

- HS tự rút kinh nghiệm ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục khác; trao đổi với GV để được góp ý, hướng dẫn.

- HS tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học và hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.

* CMHS tham gia đánh giá:

CMHS được khuyến khích phối hợp với GV và nhà trường động viên, giúp đỡ HS học tập, rèn luyện; được GV hướng dẫn tham dự, quan sát, hỗ trợ các hoạt động của HS; trao đổi với GV bằng các hình thức phù hợp như lời nói, viết thư... về các nhận xét, các biện pháp giúp đỡ HS.

* Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả HS: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết

quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. GV có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra định kỳ giữa Học kỳ I và giữa Học kỳ II.

b) Đánh giá định kì kết quả học tập:

- Việc đánh giá định kì được áp dụng với tất cả các môn học thông qua các bài kiểm tra. Bài kiểm tra định kì của các môn Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tin học có thời lượng 90 phút; các môn còn lại có thời lượng 45 phút.

- Các bài kiểm tra định kì; các bài kiểm tra giữa và cuối Học kì I, giữa Học kì II và cuối năm học nhằm giúp cho GV, HS và CMHS đánh giá được kết quả học tập của HS và “nhìn lại” quá trình đánh giá thường xuyên trước đó. Điểm số của các bài kiểm tra giữa học kì không được tính vào kết quả đánh giá cuối Học kì I và cuối năm học.

Nhà trường, GV chủ động bố trí thời gian thực hiện các bài kiểm tra giữa kì phù hợp với kế hoạch dạy học bộ môn. Đánh giá qua bài kiểm tra định kì được lượng hóa bằng điểm số theo thang điểm 10 hoặc quy đổi về thang điểm 10, kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và sửa lỗi, góp ý cho HS. Nội dung nhận xét phải thỏa đáng, phù hợp với điều kiện học tập, sự tiến bộ, đặc điểm tâm lý HS; tránh những nhận xét chung chung, theo mẫu hay những nhận xét mang tính xúc phạm làm tổn thương tâm lý HS. Đối với HS có kết quả bài kiểm tra định kì không phù hợp với những nhận xét trong quá trình học tập (quá trình học tập tốt nhưng kết quả kiểm tra quá kém hoặc ngược lại), GV cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nếu thấy cần thiết và hợp lí thì có thể cho HS kiểm tra lại.

- Các bài kiểm tra cuối Học kì I và cuối năm học nhằm đánh giá kết quả học tập của HS; điểm số mà HS đạt được trong các bài kiểm tra Học kì I và cuối năm

học được ghi nhận trong hồ sơ đánh giá HS.

c) Đề kiểm tra định kì:

Đề kiểm  tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu:

- Nhận biết: HS nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả đúng kiến thức, kĩ năng đã học khi được yêu cầu.

- Thông hiểu: HS diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kĩ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình, có thể thêm các hoạt động phân tích, giải thích, so sánh; áp dụng trực tiếp (làm theo mẫu) kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập.

- Vận dụng: HS kết nối và sắp xếp lại các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết thành công tình huống, vấn đề tương tự tình huống, vấn đề đã học.

- Vận dụng cao: HS vận dụng được các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn; đưa ra những phản hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.

Tỷ lệ số câu hỏi, bài tập thuộc các phân môn trong bài kiểm tra đối với các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội phù hợp với nội dung phân môn đã học tính đến thời điểm kiểm tra.

Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của HS ở từng học kỳ và từng khối lớp, GV và nhà trường xác định tỷ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng HS và tăng dần tỷ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

* Lưu ý:

+ Việc kiểm tra, đánh giá đối với các môn ngoại ngữ được thực hiện theo hướng dẫn riêng của từng ngoại ngữ nhưng chỉ ghi điểm của bài kiểm tra Học kì I và bài kiểm tra cuối năm học vào sổ đánh giá HS.

+ Đối với Hoạt động giáo dục (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục): Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, thái độ tích cực và sự tiến bộ của HS để nhận xét kết quả bài kiểm tra định kỳ theo hai mức:

Mức Đạt yêu cầu: Nếu đảm bảo ít nhất một trong hai điều kiện sau:

- Thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra;

- Có cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra.

Mức Chưa đạt yêu cầu: Các trường hợp còn lại.

          IV. TỔNG HỢP ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KỲ VÀ XÉT KHEN THƯỞNG:

1. Vào cuối học kì I và cuối năm học, Hiệu trưởng chỉ đạo GVCN phối hợp với các GVBM để đánh giá tổng hợp từng HS:

- Nhận xét quá trình và kết quả học tập từng môn học: những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học/hoạt động giáo dục; những nội dung học tập chưa hoàn thành (nếu có). Đánh giá từng HS thuộc một trong hai mức: "Hoàn thành" hoặc "Có nội dung chưa hoàn thành".

- Dựa vào những biểu hiện nổi bật của năng lực để nhận xét về sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của HS; góp ý với HS, khuyến nghị với nhà trường, CMHS. Đánh giá từng HS thuộc một trong hai mức: "Đạt" hoặc "Còn hạn chế”.

- Dựa vào những biểu hiện nổi bật của phẩm chất để nhận xét về sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm phẩm chất của học sinh; góp ý với HS, khuyến nghị với nhà trường, CMHS. Đánh giá từng học sinh thuộc một trong hai mức: "Đạt" hoặc "Cần rèn luyện thêm".

- Xét khen thưởng HS:

+ GVCN hướng dẫn tập thể HS bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc trong các nội dung đánh giá, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua, các cuộc thi; tham khảo ý kiến của GVBM và CMHS; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

+ HS có thành tích đột xuất có thể được xét khen thưởng đột xuất hoặc khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm học.

+ Nội dung, số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương do Hiệu trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của GVCN và của TCM

Lưu ý: Đối với HS khuyết tật học theo phương thức giáo dục hòa nhập, nếu khả năng của HS có thể đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung thì được đánh giá như đối với HS bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà HS không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung thì được đánh giá theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân. Việc đánh giá HS khuyết tật phải dựa trên sự nỗ lực và tiến bộ của HS.

2. GVCN ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ, phản ánh được mức độ hoàn thành chương trình và xác định những nhiệm vụ, những điều cần khắc phục, giúp đỡ đối với từng HS khi bắt đầu vào Học kì II hoặc bắt đầu năm học mới.

V. HỒ SƠ ĐÁNH GIÁ:

1. Hồ sơ đánh giá được coi là minh chứng cho quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của HS; là phương tiện giúp cho việc thông tin nhằm tăng cường sự

phối hợp giáo dục HS giữa GV, nhà trường với CMHS.

2. Hồ sơ đánh giá theo năm học của mỗi HS:

a) Sổ đánh giá HS:

- Là hồ sơ của trường, lớp để ghi nhận kết quả học tập và rèn luyện của HS trong một học kỳ, một năm học, do văn phòng nhà trường chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về việc quản lý, được in ra và xác lập xong trong Học kỳ I lớp 6; khi sửa chữa (nếu có) dùng mực đỏ gạch ngang điểm cũ, ghi điểm mới vào phía trên bên phải vị trí ghi điểm cũ, ký xác nhận về sự sửa chữa bên cạnh điểm đã sửa. HS thôi học hoặc bỏ học được ghi chú thích rõ bằng bút mực đỏ.

- Điểm bài kiểm tra định kì do GVBM trực tiếp ghi vào sổ đánh giá HS theo cột, mục quy định sau mỗi học kỳ, cuối năm học. GVCN trực tiếp ghi những biểu hiện đáng chú ý về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của một số HS: HS có năng lực, phẩm chất nổi bật; HS có sự tiến bộ nổi bật; HS cần theo dõi, giúp đỡ thêm…

b) Học bạ:

- Học bạ là hồ sơ cá nhân, ghi nhận kết quả học tập và rèn luyện của HS từ lớp 6 đến lớp 9 do nhà trường trực tiếp quản lý. Học bạ được in ra và xác lập xong trong Học kì I lớp 6; có dấu giáp lai giữa hai trang liên tiếp bằng dấu của nhà trường. Học bạ chỉ trả lại HS khi thôi học, chuyển trường, tốt nghiệp ra trường.

- Ghi đầy đủ nhận xét những biểu hiện nổi bật về mức độ hình thành phẩm chất và năng lực của HS; điểm kiểm tra định kỳ cuối năm, có chữ ký xác nhận của GVBM; được lên lớp hoặc ở lại lớp; nhận xét của GVCN và phê duyệt học bạ của Hiệu trưởng theo từng năm học và những thông tin khác.

- Đối với môn KHTN: Có đầy đủ chữ ký của GV dạy 3 phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học;

- Đối với môn KHXH: Có đầy đủ chữ ký của GV dạy 2 phân môn Lịch sử, Địa lý;

- Đối với môn HĐGD: Có đầy đủ chữ ký của GV dạy 3 phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục.

c) Bài kiểm tra định kì cuối học kì I và cuối năm học

d) Nội dung các nhận xét về thành tích nổi bật hoặc những điều cần lưu ý trong học tập và rèn luyện của HS được rút ra từ “Sổ tay lên lớp” của GV.

e) Các sản phẩm học tập khác như: Bài dự thi, Dự án dự thi khoa học, kĩ thuật đã đoạt giải,… (nếu có);

f) Phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của CMHS (nếu có);

g) Giấy chứng nhận, giấy khen, huy chương,... xác nhận thành tích của HS trong năm học (nếu có).

3. Khuyến khích GV nhà trường sử dụng máy tính (với phần mềm chuyên dụng SMAS) để ghi chép và lưu trữ hồ sơ đánh giá học sinh. Cuối mỗi năm học hoặc khi cần thiết, hồ sơ đánh giá HS được in ra để GV và lãnh đạo nhà trường kí tên, đóng dấu và lưu giữ HS sinh chuyển đi khỏi lớp mô hình THM, hồ sơ đánh giá

HS hoàn thiện theo hướng dẫn này được nộp vào cơ sở giáo dục mới và kết hợp với hồ sơ ở trường mới. Đối với HS chuyển đến lớp mô hình THM, hồ sơ đánh giá HS gồm hồ sơ học tại trường cũ (cập nhật đến thời điểm chuyển đến) và hồ sơ đánh giá thực hiện theo hướng dẫn này.

VI. SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ:

1. Xét hoàn thành chương trình lớp học: HS được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Điểm các bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học; điểm trung bình cả năm môn Tiếng Anh: Đạt 5 điểm trở lên. Kết quả đánh giá định kì hoạt động giáo dục (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục): Đạt yêu cầu.

- Tổng hợp đánh giá cuối năm học đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo

dục: Hoàn thành; Mức độ hình thành và phát triển năng lực: Đạt; Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt.

2. Đối với HS chưa hoàn thành chương trình lớp học, Hiệu trưởng phân công GV lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng HS; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học vào đầu năm học mới.

3. Đối với những HS đã được GV trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt một trong các điều kiện quy định tại điểm 1 mục này, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, GV lập danh sách báo cáo Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.

Đối với những HS có nội dung chưa hoàn thành trong kết quả học tập, được

lên lớp hay không được lên lớp, đều cần rèn luyện thêm về phẩm chất hoặc năng lực và đầu năm học mới được bàn giao cho GV lớp mới để được tiếp tục giúp đỡ tiến bộ.

4. Kết quả xét hoàn thành chương trình lớp học được ghi vào học bạ.

          VII. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:

1. Ban lãnh đạo (BLĐ) nhà trường:

- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn kỹ mục đích, nguyên tắc, nội dung và cách thức đánh giá HS cho CBQL, GV, HS và CMHS nhà trường về mô hình Trường học mới; đồng thời có biện pháp tuyên truyền, giải thích, tạo sự đồng thuận cho cộng đồng xã hội trên địa bàn;

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dạy học mô hình Trường học mới cho HS lớp 6 năm học 2017-2018;

- Chỉ đạo TCM tổ chức thực hiện tốt công tác dạy học và đánh giá HS lớp 6 theo mô hình Trường học mới;

          - Xét hoàn thành chương trình lớp học, cấp học; xét lên lớp; duyệt kết quả đánh giá HS cuối năm học; quản lí học bạ trong thời gian HS học ở trường; tổ chức thực hiện đánh giá; khen thưởng HS;

- Tiếp nhận, giải quyết ý kiến thắc mắc, đề nghị của HS, CMHS về nhận xét, đánh giá, khen thưởng theo phạm vi và quyền hạn của Hiệu trưởng;

- Hướng dẫn GV sử dụng mẫu học bạ theo quy định của Bộ GD&ĐT;

- Báo cáo kết quả thực hiện về PGD&ĐT kịp thời.

2. Tổ chuyên môn THCS:

- Phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của GV, HS, CMHS và cộng đồng xã hội trên địa bàn về hoạt động đánh giá trong mô hình Trường học mới cấp THCS. Huy động sự tham gia thường xuyên của gia đình, cộng đồng vào hoạt động đánh giá HS;

- Triển khai dạy học mô hình Trường học mới theo kế hoạch của nhà trường;

- Tổ chức và sinh hoạt chuyên môn và quản lý các hoạt động chuyên môn trên "Trường học kết nối", hướng dẫn HS tham gia các hoạt động trên mạng "Trường học kết nối" tại địa chỉ: http://truonghocketnoi.edu.vn.

- Tổ chức thực hiện đánh giá HS; đề xuất khen thưởng HS; báo cáo định kì kết quả thực hiện về Hiệu trưởng nhà trường.

3. Giáo viên:

3.1. Giáo viên chủ nhiệm:

- Chịu trách nhiệm chính, phối hợp GVBM trong việc đánh giá kết quả học tập, phẩm chất, năng lực của HS; hoàn thành hồ sơ đánh giá HS theo quy định; tổng hợp đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của HS.

- Có trách nhiệm thông báo đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của HS cho CMHS giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II, cuối năm học hoặc khi được yêu cầu; không thông báo trước lớp và trong cuộc họp CMHS những điểm còn hạn chế của HS; duy trì mối liên hệ với CMHS để phối hợp giáo dục HS.

3.2. Giáo viên bộ môn:

- Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, phẩm chất, năng lực và kết quả học tập của HS đối với môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.

- Phối hợp với GVCN, GV dạy cùng lớp, CMHS lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ HS học tập, rèn luyện đối với môn học và HĐGD.

- Phối hợp với GVCN lớp đánh giá quá trình học tập, phẩm chất, năng lực và kết quả học tập của HS, hoàn thành hồ sơ đánh giá HS.

4. Học sinh:

          Có quyền nêu ý kiến và được nhận sự hướng dẫn, giải thích của GV, Hiệu

trưởng về kết quả đánh giá.

Trên đây là Kế hoạch triển khai dạy  học mô hình trường học mới lớp 6 của

trường THCS Thới Thuận  được áp dụng cho lớp 6 từ năm học 2017-2018. Trong

quá trình thực hiện, nếu có khó khăn hoặc vấn đề phát sinh, các bộ phận, cá nhân cần liên hệ với Hiệu trưởng để kịp thời hỗ trợ, giải quyết./.

 

Nơi nhận:                                                                   HIỆU TRƯỞNG

- PGD&ĐT;

- Tổ chuyên môn;

- Lưu: VT.

                                    

                                                                                Đoàn Phú Hảo

Tác giả: Admin
https://thangbinh.edu.vn/data/16691103403669609593/tintuc/files/10.2017/TAI LIEU - TRUONG HOC MOI.rar