Chủ nhật, 22/12/2024 23:37:23
BAN TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. CẦN THƠ

TRƯỜNG THCS VÀ THPT TÂN LỘC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 18/KH-THCS&THPT

Thốt Nốt, ngày 01 tháng 10 năm 2018

 

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG BAN TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

NĂM HỌC 2018 - 2019

 

          Căn cứ Thông tư số 31/2017/ TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông;

          Căn cứ Công văn số 2479/SGDĐT-CTTT ngày 27/9/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2018-2019;

          Căn cứ Quyết định số 46/QĐ-THCS&THPT ngày 28/9/2018 của Hiệu trưởng trường THCS và THPT Tân Lộc về việc thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường năm học 2018-2019;

          Ban tư vấn tâm lý học đường xây dựng kế hoạch hoạt động của năm học 2018– 2019 như sau:

          I. Mục đích - yêu cầu                                               

          1. Mục đích

          Nhằm tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tư tình cảm và giải tỏa những thắc mắc, có kỹ năng sống để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong học tập, trong quan hệ bạn bè, thầy trò hoặc những vấn đề về tâm lý, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên.... Góp phần ổn định đời sống tinh thần, tâm hồn, tình cảm và giúp học sinh thực hiện được nguyện vọng, ước mơ của mình, đồng thời giúp định hướng cho học sinh việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

          Định hướng cho học sinh tự nhận thức được bản thân và có khả năng thích ứng, tự giải quyết vấn đề, ứng phó tích cực trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bè bạn và xã hội; sống tích cực, chủ động, an toàn, hài hòa và lành mạnh. 

          Giúp giải quyết những khó khăn mà học sinh, cha mẹ học sinh gặp phải trong quá trình học tập và sinh hoạt. Hỗ trợ và can thiệp đối với những học sinh đang gặp phải những khó khăn trong đời sống tâm lý để chủ động ngăn ngừa một cách có hiệu quả và kịp thời những tác động tiêu cực gây bất ổn hoặc làm tổn thương, ảnh hưởng đến học tập và đời sống sinh hoạt hằng ngày của học sinh.

          2. Yêu cầu

          Các thành viên của Ban tư vấn phải tham gia tốt các lớp tập huấn tư vấn tâm lý học đường, làm việc với tinh thần tự nguyện, tự giác và ý thức trách nhiệm cao, tự trang bị những kĩ năng cần thiết, am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để việc tư vấn có hiệu quả. Trong quá trình tư vấn, giáo viên tư vấn cần giữ bí mật những vấn đề có tính nhạy cảm của học sinh, cha mẹ học sinh để tránh sự mặc cảm và những vấn đề không hay có thể xảy ra với các đối tượng được tư vấn.

          II. Nội dung

          Nội dung tư vấn tập trung vào các vấn đề sau:

          1. Tư vấn hướng nghiệp, chọn nghề và tuyển sinh... (tùy theo cấp học).

          2. Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi.

          3. Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử văn hoá với gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.

          4. Tư vấn, giáo dục phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

          5. Tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, phương pháp học tập hiệu quả.

          6. Tư vấn cách kiềm chế cơn tức giận.

          7. Tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời các vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

          8. Giới thiệu, hỗ trợ đưa đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của trường.

          9. Tư vấn các vấn đề khác theo mong muốn của học sinh.

          III. Giải pháp

          Bố trí giáo viên có kinh nghiệm, vốn sống, có khả năng giải đáp các vấn đề thuộc các nội dung tư vấn trên. Chủ yếu lắng nghe, thu nhận, chia sẻ và đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải toả được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực.

          Các thành viên của Ban tư vấn chủ động phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh cùng các bộ phận, lực lượng khác trong nhà trường để thực hiện tốt công tác tư vấn cho học sinh.

          Do điều kiện CSVC, cán bộ tư vấn chủ động sắp xếp phòng tư vấn phù hợp.

          IV. Các hình thức tư vấn

          1. Hình thức 1: Tổ chức tư vấn tâm lý trực tiếp

          1.1. Tư vấn trực tiếp: cán bộ tư vấn – cá nhân học sinh

          *  Mục tiêu

          - Lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn tâm lý của học sinh.

          - Gợi mở nhận thức và hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.

          - Động viên tinh thần để học sinh giải quyết hiệu quả khó khăn của bản thân mình.

          * Nội dung

          - Tất cả những vấn đề có ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh: tâm sinh lý cá nhân, tình yêu, tình bạn, những vấn đề khó nói, hướng nghiệp.

          - Ban tư vấn tâm lý sẽ tiến hành tư vấn khi những vấn đề đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến học sinh hoang mang, lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là mất kiểm soát cảm xúc, hành vi của mình.

          1.2. Tương tác đám đông

          * Mục tiêu

          - Lắng nghe những khó khăn tâm lý của học sinh.

          - Gợi mở nhận thức và hướng giải quyết.

          - Động viên tinh thần học sinh.

          * Nội dung

          Tất cả những vấn đề có ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh: tâm lý cá nhân, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò,…

          2. Hình thức 2: Tổ chức buổi tuyên truyền, nói chuyện các chuyên đề về tâm lý.

          * Mục tiêu

          - Tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ sau những giờ học căng thẳng.

          - Chia sẻ, giải tỏa những bức xúc, áp lực, khó khăn tâm lý do học tập và cuộc sống mang lại.

          - Định hướng lại nhận thức, duy trì tinh thần, thái độ sống tích cực.

          * Nội dung

          Tùy thời điểm, Ban tư vấn tâm lý sẽ tư vấn theo những chuyên đề tâm lý phù hợp từng tháng trong buổi sinh hoạt tập thể đầu tuần.

          3. Hình thức 3: Tư vấn gián tiếp

          Thông qua hộp thư điện tử (email) dieuemmuonnoi.c23tanloc@gmail.com, điện thoại.

          * Mục tiêu:

          Tạo thêm cơ hội cho các em nhút nhát không có khả năng tư vấn trực tiếp chia sẻ, giải tỏa những bức xúc, thắc mắc, khó khăn tâm lý do học tập và cuộc sống.

          * Nội dung:

          Tất cả những vấn đề có ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh: tâm sinh lý cá nhân, tình yêu, tình bạn, hướng nghiệp, những vấn đề nhạy cảm khó nói…

          4. Đăng tải các bài viết chuyên đề lên website của nhà trường:  

                    http://www.cantho.edu.vn/thpttanloc

          * Mục tiêu:

          Cung cấp thêm thông tin kiến thức cần thiết cho các em về tâm sinh lý cá nhân, tình yêu, tình bạn, kỹ năng, hướng nghiệp….

          * Nội dung:

          Thông tin kiến thức cần thiết cho các em về tâm sinh lý cá nhân, tình yêu, tình bạn, kỹ năng, hướng nghiệp….

          V. Kế hoạch cụ thể

          1. Nguồn tài liệu

          - Tài liệu được cấp phát trong các đợt giáo viên đi tập huấn.

          - Sưu tầm tài liệu từ báo đài, một số trang báo mạng 

                   http://thamvantamly.net/51/tu-van-tam-ly-hoc-duong.htm ....

          2. Lịch tư vấn

          Ban tư vấn tâm lý hoạt động thường xuyên (Từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần) do các cán bộ, giáo viên trong ban tư vấn tâm lý trực tiếp hỗ trợ tư vấn cho học sinh tại địa điểm của thành viên tổ tư vấn sắp xếp hợp lý trong nhà trường.

          - Các hoạt động, hình thức tư vấn sẽ được tổ chức xen kẽ tùy theo thời điểm, nhu cầu của học sinh. 

          3. Thời gian

Thời gian

Nội dung

Biện pháp thực hiện

Từ 01/10/2018
đến 06/10/2018
 

 - Ổn định công tác tổ chức
 - Tải tài liệu chuyên môn từ Internet 
 - Lập kế hoạch

 - Ban hành quyết định

 - Sưu tầm tài liệu

  - Phân công nhiệm vụ

  - Họp ban tư vấn

Từ 06/10/2018
đến 20/11/2018
 

 - Dự bồi dưỡng lớp tư vấn học đường.

 - Phối hợp với GVCN nắm bắt danh sách học sinh thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường để theo dõi diễn biến tâm lý của các em. 

 - Tham gia lớp bồi dưỡng

 - Ban TVTL và GVCN các lớp

Từ 20/11/2018
đến 31/6/2019
 

 - Tiếp nhận và tư vấn tâm lý cho đối tượng học sinh và phụ huynh có nhu cầu.

 - Tổ chức các chuyên đề nói chuyện tâm lý vào tiết sinh họat dưới cờ ngày thứ hai tuần đầu tháng. 

 - Tổ chức  tư vấn tâm lý cho những học sinh thường xuyên vi phạm nội quy.

 - Ban TVTL

 

          IV. Tổ chức thực hiện

          Ban tư vấn tâm lý xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng tháng và báo cáo cho Hiệu Trưởng cuối tháng; tổ chức phối hợp giáo viên chủ nhiệm để nghiên cứu đặc điểm tâm lý học sinh để tiến hành tư vấn đạt hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trao đổi và nói chuyện các vấn đề tâm lý 1 đến 2 tháng/1 chủ đề vào tiết sinh họat dưới trường ngày thứ hai tuần đầu. 

          GVCN phối hợp các thành viên ban tư vấn sắp xếp lịch tư vấn cho các học sinh của lớp mình khi có nhu cầu cần tư vấn, chia sẻ.

          Tổ văn phòng thực hiện đảm bảo chế độ hỗ trợ đối với giáo viên làm công tác tư vấn./.

 

 

 

Nơi nhận:

- Hiệu trưởng;

- Thành viên Ban tư vấn;

- Lưu: VT.

 

TM. BAN TƯ VẤN

TRƯỞNG BAN

 

 

 

 

Nguyễn Thanh Thảo

 

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. CẦN THƠ

TRƯỜNG THCS VÀ THPT TÂN LỘC

 

 
 

 

 

 

Số: 46/KH-THCS&THPT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Thốt Nốt, ngày 28 tháng 9 năm 2018

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường


HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS VÀ THPT TÂN LỘC

          Căn cứ Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

          Căn cứ Công văn số 2479/SGDĐT-CTTT ngày 27/9/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2018-2019;

          Xét phẩm chất, đạo đức và năng lực cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

          Điều 1. Thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường gồm các ông (bà) có tên sau:

          - Trưởng ban: Ông Nguyễn Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng

          - Phó Trưởng ban:

          + Ông Phạm Hoàng Giang, Bí thư Đoàn TNCS HCM

          + Ông Đoàn Văn Nam, Tổng phụ trách Đội TNTP HCM

          - Thành viên:

          + Ông Cao Thế Sơn, Chủ tịch Công đoàn

          + Ông Dư Quang Anh Huy, Tổ trưởng chuyên môn

          + Bà Võ Thị Kiêm Diệu, Tổ trưởng chuyên môn

          + Bà Nguyễn Thị Xuân Đào, Tổ trưởng chuyên môn

          + Bà Trần Thị Bé Tư, Tổ trưởng chuyên môn

          + Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM

          + Ông Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên

          + Bà Trần Thị Diễm Trang, giáo viên

          + Bà Hà Kim Thấm, giáo viên

          + Giáo viên chủ nhiệm các lớp.

          Điều 2. Ban tư vấn tâm lý học đường có trách nhiệm:

          1. Căn cứ Thông tư số 31/2017/ TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông để xây dựng kế hoạch hoạt động năm và triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.

          2. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng, tâm sinh lý của học sinh nhằm có định hướng nhanh nhất, kịp thời nhất giúp cho học sinh vượt qua các trở ngại tâm lý để tiếp tục học tập.

          Điều 3. Bộ phận kế toán văn phòng, bộ phận chuyên môn, các bộ phận đoàn thể và các ông(bà) có tên tại Điều 1 căn cứ quyết định thi hành.

          Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Lưu: VT.

HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

 

Võ Thanh Phong

 

 

Tác giả: thpttanloc