Thứ hai, 23/12/2024 09:22:45
QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC VÀ  HỒ SƠ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NHÀ TRƯỜNG

Ngày: 11/10/2017

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC VÀ 

HỒ SƠ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NHÀ TRƯỜNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số          /QĐ-THCS ngày      /     /2017 

của hiệu trưởng Trường THCS Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ )

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm và thẩm quyền quyết định của các bộ phận, cá nhân trong quản lý sử dụng, mua sắm, tiếp nhận, sửa chữa, điều chuyển, thu hồi và thanh lý tài sản công trong trường THCS Trung Nhứt

2. Đối tượng áp dụng

a)   Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các tổ trưởng;

b)  Giáo viên, nhân viên; 

c)  Học sinh;

d) Các cá nhân đến liên hệ công tác tại trường.

Điều 2. Tài sản công trong nhà trường

Tài sản công quy định trong Quy chế này là tài sản do Nhà nước giao cho nhà trường quản lý sử dụng, do đầu tư xây dựng, mua sắm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác hoặc do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp bao gồm:

1. Toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường gồm đất, phòng học, phòng làm việc, các phòng chức năng, phòng bộ môn và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động dạy và học (nhà xe, cổng, tường rào, cột cờ, sân vườn, bồn hoa cây cảnh…), hệ thống kỹ thuật hạ tầng (hệ thống cấp điện, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, hệ thống điện thoại, đường truyền internet…).

2. Trang thiết bị:

a)  Trang thiết bị làm việc: Bàn ghế ngồi học và làm việc, tủ đựng tài liệu, tủ trưng bày, giá đựng tài liệu, bộ bàn ghế họp, tiếp khách; máy vi tính để bàn, máy vi tính xách tay, máy in, máy photocopy; máy chiếu, màn chiếu, thiết bị âm thanh; điện thoại, thiết bị kết nối internet.

b)  Các thiết bị thuộc hệ thống kỹ thuật hạ tầng của nhà trường: Máy phát điện, thiết bị chiếu sáng, thiết bị âm thanh, điện thoại, Website, mạng internet, thiết bị vệ sinh, máy chụp ảnh, ti vi, cassette, máy thu hình, vật dụng chữa cháy, xe máy, tủ lạnh . . .

c)  Trang thiết bị dành cho hoạt động dạy và học bao gồm: thiết bị thực hành thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh; thiết bị dành cho các môn Toán, Tin học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Thể dục, Công nghệ, Giáo dục quốc phòng; Sách giáo khoa, sách tham khảo và các tài liệu phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

2. Các tài sản vật chất vô hình mà việc sử dụng phải chi trả bằng tiền như điện, cước điện thoại, internet, phần mềm tin học, phần mềm kế toán...

Điều 3. Nguyên tắc quản lý sử dụng tài sản công

1. Tất cả tài sản công trong trường được giao cho mỗi tổ, hoặc cá nhân trong trường quản lý và sử dụng.

2. Tài sản công trong trường được quản lý thống nhất, có sự phân công, phân cấp quyền hạn, trách nhiệm giữa hiệu trưởng với các tổ trưởng, với các cá nhân được giao trực tiếp sử dụng tài sản.

3. Tài sản công phải được đầu tư, trang bị, sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ bảo đảm công bằng, hiệu quả và tiết kiệm; được bảo dưỡng, sửa chữa và bảo vệ theo chế độ quy định.

4. Việc xác định giá trị tài sản công trong các quan hệ mua, bán, thanh lý được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với các quy định của pháp luật.

5. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc quản lý sử dụng tài sản công trong trường. Mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý sử dụng tài sản công phải bị xử lý nghiêm minh.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Mục 1

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC VÀ

 HỒ SƠ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NHÀ TRƯỜNG

 

Điều 4. Đối tượng sử dụng diện tích làm việc, học tập tại trường

1. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên

2. Các tổ chuyên môn, các đoàn thể trong trường

3. Các bộ phận chuyên quản : Kế toán, văn thư, y tế, thiết bị, thư viện, Đoàn-Đội- Công đoàn.

4. Toàn thể học sinh.

Điều 5. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc, học tập.

          Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước và điều kiện về diện tích làm việc thực tế của nhà trường để quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc (trừ phòng học).

Điều 6. Bố trí sắp xếp nơi làm việc

          Hiệu trưởng căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc tại trường, chức năng, nhiệm vụ, số lượng cán bộ, công chức của từng bộ phận và diện tích thực tế tại trường để xây dựng phương án bố trí sắp xếp nơi làm việc cho các bộ phận chuyên quản, tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm, đoàn thể.

Điều 7. Quyền và trách nhiệm của học sinh sử dụng cơ sở vật chất trường học.

         1. Chỉ được vào trường, vào phòng học khi bảo vệ nhà trường mở cửa hoặc vào phòng học thực hành, phòng bộ môn khi được sự cho phép của giáo viên giảng dạy hoặc của người quản lý phòng bộ môn.

         2. Không mang các vật dễ cháy, nổ, thức ăn, nước uống và không xả rác trong phòng học, phòng bộ môn;

         3. Chỉ sử dụng phòng tin học để học tập. Không được chơi trò chơi điện tử, nghe nhạc, xem phim, . . . và không được truy cập vào các trang web mà Luật pháp  Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nghiêm cấm.

         4. Không tự ý di chuyển hoặc thay đổi tháo, ráp bất kỳ thiết bị nào trong phòng học thực hành tin học.

         5. Không sử dụng các đồ dùng, dụng cụ trong phòng bộ môn khi chưa có sự đồng ý của giáo viên phụ trách;

         6. Không tùy tiện xê dịch bàn ghế trong phòng học, có trách nhiệm bảo vệ tài sản bên trong phòng học.

Điều 8. Yêu cầu về sử dụng cơ sở vật chất nhà trường

1. Yêu cầu chung

a)   Toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường phải được sử dụng đúng công năng thiết kế, đúng mục đích. Không sử dụng các diện tích làm việc, công trình phụ trợ vào mục đích sản xuất kinh doanh, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho cán bộ, công chức làm chỗ ở tạm thời hoặc lâu dài.

b)  Toàn bộ khối công trình của nhà trường có sơ đồ thể hiện rõ các khối nhà, các phòng làm việc, bộ phận công cộng, kỹ thuật, phục vụ, vị trí làm việc của các bộ phận và được đặt ở vị trí thuận lợi phục vụ cho công tác điều hành.

c)  Tại các vị trí giao nhau giữa cầu thang và hành lang của mỗi tầng nhà phải có biển tên vị trí của các bộ phận làm việc tại tầng. Bên ngoài phòng làm việc có biển tên ghi tên chức danh cán bộ, công chức.

đ) Các bộ phận công cộng, kỹ thuật và phục vụ có biển tên để thuận lợi cho việc quản lý sử dụng. Các tủ kỹ thuật có hướng dẫn sử dụng. Đối với các thiết bị nguy hiểm phải có biển cảnh báo và biện pháp ngăn ngừa những người không có trách nhiệm sử dụng.

2. Yêu cầu về phần sử dụng chung

a)   Phần sử dụng chung trong trường là phần được dùng cho các tổ chuyên môn, bộ phận chuyên quản và cá nhân trong trường cùng sử dụng, bao gồm các phòng học, phòng họp, hội trường, hành lang, cầu thang, các khu vệ sinh chung, nhà để xe, sân vườn, bồn hoa cây cảnh, các hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc...

b)  Các tổ chuyên môn, các bộ phận chuyên quản và cá nhân trong trường có quyền bình đẳng trong việc sử dụng phần sử dụng chung và có nghĩa vụ chấp hành các quy định tại quy chế này về quản lý sử dụng phần sử dụng chung

c)  Hội trường - phòng truyền thống để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Việc đăng ký, bố trí sử dụng hội trường, các phòng họp, công tác phục vụ tại phòng họp thuộc trách nhiệm của tổ văn phòng.

d)  Không gây cản trở làm ảnh hưởng đến an toàn, thuận tiện trong đi lại tại hành lang, cầu thang. Không để các đồ dùng và trang thiết bị làm việc dùng riêng của các tổ chuyên môn, bộ phận chuyên quản, cá nhân tại các khu vực hành lang, cầu thang.

          đ) Khi vận chuyển trang thiết bị phải tránh va chạm gây sứt xát tường, sàn nhà ...

e) Giữ gìn các khu vệ sinh sạch sẽ, khô ráo và thoáng khí. Không đổ rác sinh hoạt, bã chè và các loại rác khác vào các chậu rửa, bồn vệ sinh.

g) Nhà để xe của trường được dùng để xe máy, xe đạp cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường và khách đến liên hệ công tác. Cấm hút thuốc và để xe bị rò rỉ xăng dầu trong khu vực nhà xe.

h) Sân trường chỉ được sử dụng để phục vụ các hoạt động tập thể. Không sử dụng sân để cho thuê, kinh doanh và làm dịch vụ dưới mọi hình thức.

i) Không tự ý trồng, đặt chậu hoa, thay đổi loại cây, vị trí cây cảnh trong trường khi chưa có sự đồng ý của Hiệu trưởng. Không ngắt hoa và vứt rác, tàn thuốc lá vào các chậu cây.

k) Cấm đấu nối hệ thống cấp điện, cấp nước, điện thoại, mạng internet ra ngoài khuôn viên trường cho người ngoài sử dụng; không để đồ đạc gây cản trở việc vận hành, sửa chữa các tủ điện, chữa cháy tại các tầng và trong phòng làm việc.

l) Đặt, treo panô, băng rôn và khẩu hiệu trong trường phải bảo đảm vẻ mỹ quan, dễ nhìn. Không sử dụng panô, băng rôn, khẩu hiệu trong cơ quan với mục đích quảng cáo kinh doanh thương mại.

m) Trừ các trường hợp đột xuất hoặc bất thường về thời tiết, hệ thống chiếu sáng hành lang, sân trường chỉ được bật qua đêm từ 18 giờ 30 đến 5 giờ sáng ngày hôm sau . . . 

3. Yêu cầu về phần sử dụng riêng tại các bộ phận chuyên quản.

a) Phần sử dụng riêng của các tổ chuyên môn, bộ phận chuyên quản là phần diện tích và các thiết bị kỹ thuật kèm theo (phòng làm việc, đèn chiếu sáng, điện thoại cố định, máy ảnh, quạt điện…) được giao cho từng bộ phận  trực tiếp quản lý và sử dụng.

b)  Các phòng làm việc phải được bố trí hợp lý, gọn gàng, thuận lợi cho các thành viên trong phòng làm việc và đảm bảo các điều kiện về chiếu sáng, điều tiết không khí, đường truyền tín hiệu điện thoại, internet theo đúng các quy định của nhà nước.

c)  Không đem các chất độc hại, chất dễ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường vào phòng làm việc.

          d) Phương tiện thông tin liên lạc (kể cả đường truyền internet) tại trường chỉ được sử dụng vào mục đích công vụ. Khi cần vì trường hợp đặc biệt thì có thể mượn sử dụng.

          đ) Hết giờ làm việc phải tắt các thiết bị điện và khóa cửa phòng làm việc. Khi nghỉ làm việc từ 07 ngày trở lên, phải niêm phong phòng làm việc. Hàng ngày sau mỗi buổi học khóa hết các phòng học, cổng.

4. Tổ Văn phòng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức và khách đến cơ quan trong việc thực hiện nội quy nhà trường, quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ trong trường và các quy định tại quy chế này về quản lý sử dụng phần sử dụng chung.

5. Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức phân công người theo dõi kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng phần sử dụng riêng tại các bộ phận chuyên quản, tổ chuyên môn...

Điều 9. Bảo dưỡng, sửa chữa nơi làm việc

1. Nhà trường thực hiện việc sửa chữa và định kỳ bảo dưỡng toàn bộ cơ sở vật chất theo chế độ, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

2. Các tổ chuyên môn, bộ phận và cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời các hư hỏng với bộ phận văn phòng để trình Hiệu trưởng xem xét, sửa chữa. Không tự ý sửa chữa hoặc gọi người ngoài vào bảo dưỡng, sửa chữa.

3. Các tổ chuyên môn, bộ phận và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa đối với phần sử dụng riêng của mình.

4. Không làm sai lệch thiết kế hiện trạng trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất nhà trường. Trường hợp cần thiết phải thay đổi thiết kế thì bộ phận, cá nhân thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa đề xuất phương án và chỉ tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa sau khi được Hiệu trưởng đồng ý.

Điều 10. Thu hồi diện tích làm việc

1. Diện tích làm việc đã giao cho các bộ phận được thu hồi trong các trường hợp sau:

a)   Vượt quá tiêu chuẩn định mức hoặc sử dụng sai mục đích.

b)  Được bố trí diện tích làm việc mới.

2. Trình tự, thủ tục thu hồi diện tích làm việc tại trường được thực hiện theo hướng dẫn, quy định của các cấp có thẩm quyền.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Mục 2

TRÁCH NHIỆM CỦA TẬP THỂ, CÁ NHÂN 

TRONG VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC VÀ 

HỒ SƠ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NHÀ TRƯỜNG 

 

Điều 11. Trách nhiệm của Ban giám hiệu:

1. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chung trong việc tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng tài sản nhà trường, quyết định việc trang bị và cấp phát tài sản cho từng bộ phận và giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản cho các bộ phận, cá nhân. 

2. Các Phó hiệu trưởng giúp Hiệu trưởng tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài sản tại Điều 2 của Quy chế này và cùng với Hiệu trưởng phân công quản lý chung về mặt hiện vật, sổ sách, hồ sơ tài sản, thực hiện giao, nhận, điều chuyển trong nội bộ nhà trường.

Điều 12. Trách nhiệm của ngươi đứng đầu các tổ chức và cá nhận được giao quản lý, sử dụng tài sản:

1. Đối với người đứng đầu các bộ phận: là người trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý, bảo quản và sử dụng những tài sản đã được giao cho bộ phận. Người đứng đầu bộ phận lập kế hoạch sử dụng, kế hoạch bảo quản, sửa chữa hàng năm để đề xuất với Hiệu trưởng và thực hiện đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng và bảo quản tài sản theo kế hoạch. Tổ chức kiểm kê tài sản theo quy định và kiếm đột xuất khi có yêu cầu của Hiệu trưởng.

2. Đối với bảo vệ: là người trực tiếp bảo vệ tài sản của trường và phải chịu trách nhiệm khi tài sản của trường bị mất trước Hiệu trưởng và pháp luật Nhà nước.

3. Đối với giáo viên giảng dạy trên lớp: Quản lý tất cả tài sản, trang thiết bị, đồ dùng dạy học khi giảng dạy trên lớp. Khai thác sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn, bảo đảm sử dụng tài sản lâu bền. Hướng dẫn, tuyên truyền cho học sinh cách sử dụng và bảo quản máy chiếu projector, cách sử dụng điện, nước tiết kiệm, khi ra khỏi phòng phải tắt tất cả các thiết bị điện như: đèn, quạt, . . . Đồng thời nếu có phát hiện hư hỏng các loại tài sản thì giáo viên có nhiệm vụ báo các bộ phận có liên quan để lên kế hoạch xin chủ trương của Hiệu trưởng bảo trì và sửa chữa kịp thời.

4. Đối với tổ văn phòng: tất cả các tài sản ở văn phòng và các thiết bị dùng chung (dàn âm thanh, thiết bị chiếu sáng, máy tính, máy photocopy, . . . ) giao cho tổ trưởng tổ văn phòng quản lý chung. Máy tính của từng bộ phận sử dụng thì cá nhân phải có trách nhiệm bảo quản, nếu hư hỏng phải báo với người quản lý tin học để có kế hoạch sửa chữa kịp thời. Máy in và máy photocopy đặt tại văn phòng thì chỉ có Ban giám hiệu nhà trường và cán bộ quản lý phòng đó sử dụng và phải dùng với mục đích chung cho công tác của trường như in ấn văn bản, tài liệu, đề thi, . . . Giáo viên muốn sử dụng phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Văn phòng quản lý tất cả các loại hồ sơ liên quan đến học tập của học sinh. Cán bộ văn phòng có trách nhiệm bảo quản và thường xuyên kiểm tra theo dõi việc sử dụng các loại hồ sơ này, nếu phát hiện có sai sót trong quá trình sử dụng phải báo cáo lên Hiệu trưởng để xin ý kiến chỉ đạo khắc phục kịp thời.

5. Đối với phòng tin học: Giao cho giáo viên phụ trách tin học trực tiếp quản lý và có trách nhiệm bảo quản, thường xuyên lau chùi quét dọn, nhắc nhỡ học sinh thực hiện tốt nội quy phòng máy tính. Giáo viên quản lý phòng máy tính khi sử dụng phải tiết kiệm điện, không mở cùng lúc nhiều máy khi không có nhu cầu sử dụng. Giáo viên, nhân viên của nhà trường không được phép tùy tiện mở máy khi chưa có sự đồng ý của giáo viên quản lý phòng máy tính. Máy tính xách tay, máy tính để bàn và các phương tiện khác trang bị cho cá nhân nào thì các nhân đó phải tự bảo quản, hư hỏng phải tự sửa chữa hoặc báo cho bộ phận quản lý tin học sửa chữa, đánh mất phải đền bù theo giá của thị trường.

6. Đối với các tổ trưởng chuyên môn và thư viện:

Xây dựng kế hoạch hoạt động của tháng để đánh giá các mặt đạt được và chưa được để có hướng khắc phục.

Cập nhật các loại hồ sơ sổ sách theo quy định.

Thực hiện các thủ tục giao nhận, điều chuyển tài sản trong nội bộ nhà trường (có biên bản cụ thể) theo quyết định của Hiệu trưởng. Riêng bộ phận thư viện – thiết bị phải giữ gìn, sửa chữa, lau chùi các loại thiết bị và sách hiện có, thường xuyên cập nhật các loại sách và thiết bị mới cấp hoặc mua mới vào sổ theo dõi của bộ phận thư viện – thiết bị.

Chịu trách nhiệm lên kế hoạch và tiến hành kiểm kê tài sản – trang thiết bị đồ dùng theo định kỳ.

7. Đối với kế toán, văn thư:

Quản lý chung về mặt giá trị và hồ sơ, sổ sách chứng từ gốc của mỗi loại tài sản.

Lập sổ theo dõi tài sản tại nơi sử dụng cho từng bộ phận.

Lập sổ theo dõi tài sản của kế toán và tài khoản kế toán theo từng chỉ tiêu.

Quản lý hồ sơ, lý lịch của từng tài sản như vật kiến trúc và các công trình khác như các loại trang thiết bị nội thất, sách thiết bị trường học: chi tiết từng loại như khối lượng, số lượng của tất cả các loại, trang thiết bị theo hệ thống sổ sách, hồ sơ tài sản.

Tiếp nhận báo cáo của các bộ phận khi có yêu cầu sửa chữa. Sau khi tiếp nhận lên kế hoạch, lập dự toán và xin ý kiến của Hiệu trưởng để tiến hành sửa chữa. Trước và sau khi sửa chữa các tài sản là máy móc, thiết bị phải lập biên bản kiểm tra xác nhận và biên bản nghiệm thu bàn giao. Đối với tài sản đang trong thời gian bảo hành, nếu có phát sinh hư hỏng, phải yêu cầu đơn vị cung cấp thực hiện trách nhiệm bảo hành như đã cam kết trong hợp đồng.

Điều 13. Trách nhiệm chung của mọi thành viên trong nhà trường:

- Tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản chung cũng như tài sản được giao cho cá nhân trực tiếp quản lý sử dụng.

- Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường không được phép chuyển nhượng, sang bán hay cho thuê trụ sở, nhà làm việc, không kinh doanh buôn bán trong khuôn viên nhà trường, không sử dụng cho mục đích cá nhân và có trách nhiệm bảo quản, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản có mục đích để sử dụng lâu dài.

Điều 15. Theo dõi và kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng tài sản:

1. Sổ sách quản lý trang thiết bị gồm:

a) Sổ tài sản và sổ theo dõi sử dụng tài sản của trường do kế toán lập và lưu giữ theo quy định của Nhà nước.  

b) Sổ tài sản về sách thư viện, thiết bị dạy học do cán bộ thư viện, cán bộ thiết bị lập và lưu giữ .

c) Các loại sổ sách trên bảo đảm yêu cầu thông tin gồm

- Tổng hợp danh mục trang thiết bị làm việc của đơn vị, số lượng, quy cách và ngày trang bị;

- Nguồn gốc thiết bị (mua sắm, quà tặng, tài trợ…);

- Họ tên và chữ ký của người được giao sử dụng trang thiết bị và người được giao theo dõi việc sử dụng thiết bị của đơn vị;

- Xác nhận của Hiệu trưởng và các bộ phận liên quan.

- Các biên bản bàn giao liên quan đến việc trang bị, mua sắm, tiếp nhận, thu hồi, điều chuyển và thanh lý trang thiết bị của đơn vị.

2. Kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng tài sản:

a. Giao cho Ban thanh tra nhân dân phối hợp với bộ phận tài vụ có trách nhiệm giám sát thường xuyên việc quản lý, sử dụng tài sản để kịp thời phát hiện việc quản lý, sử dụng tài sản không đúng quy định và những mặt hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng tài sản, kịp thời báo cáo về trên để có chỉ đạo khắc phục.

b. Định kỳ Hiệu trưởng tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản có biên bản và có văn bản kết luận, có chỉ đạo thực hiện khắc phục những hạn chế.

- Việc kiểm kê trang thiết bị trong trường được thực hiện theo quy định của nhà nước hoặc đột xuất theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.

- Thành phần kiểm kê gồm đại diện Ban giám hiệu, Ban thanh tra nhân dân trường học, đại diện CĐCS nhà trường và cá nhân có liên quan.

- Các bộ phận có trách nhiệm cử đại diện tham gia kiểm kê trang thiết bị và tạo điều kiện cho việc kiểm kê được thực hiện đúng kế hoạch.

Điều 16. Quản lý, sử dụng đất:

1. Căn cứ hồ sơ hồ sơ quyền sử dụng đất phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo phù hợp giữa thực tế và hồ sơ giao quyền sử dụng đất, bảo toàn diện tích đất được giao, sử dụng đúng mục đích.

2. Việc quản lý, sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tất cả cán bộ - giáo viên – nhân viên không sử dụng đất đai phục vụ cho mục đích, lợi ích cá nhân.

Điều 16. Quản lý, sử dụng các công trình đầu tư xây dựng, vật thể kiến trúc:

1. Nhà cửa, vật thể kiến trúc phải được quản lý, sử dụng phù hợp với công dụng thiết kế, phù hợp với định mức tiêu chuẩn; nếu có nhu cầu thay đổi so với thiết kế thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện.

    Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất lên kế hoạch phối hợp cùng nhân viên bảo vệ phòng chống mối mọt, rỉ sét, dọn dẹp máng nước, khai thông cống thoát nước để ngăn ngừa nước mưa ứ động gây thấm dột, ngập nước, . . . (lập kế hoạch tổ chức cho học sinh lao động tập thể hoặc thuê mướn khi cần thiết).

2. Giáo viên chủ nhiệm các lớp, giáo viên quản lý các phòng chức năng được giao sử dụng các công trình nhà làm việc, hội trường, lớp học, . . . khi hết giờ làm việc phải tắt hết các thiết bị điện, khóa nước, . . . sắp xếp lại bàn ghế, đóng các cửa sổ, cửa ra vào, cửa cổng, . . .

Điều 17. Quản lý, sử dụng cây xanh, hoa kiểng, sân chơi:

Trưởng ban lao động kết hợp với Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên lên kế hoạch trồng cây, chăm sóc hoa kiểng trong nhà trường và phân công trách nhiệm quản lý.

Điều 18. Hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy: 

Giao cho bảo vệ kết hợp với tổ văn phòng theo dõi thực hiện. Khi hư hỏng phải báo cho Ban giám hiệu để lên kế hoạch sửa chữa.

Điều 19. Quản lý, sử dụng thiết bị văn phòng:

Tổ trưởng văn phòng có trách nhiệm quản lý theo dõi, các bộ phận sử dụng thiết bị ở văn phòng. Nếu có hư hỏng phải báo ngay với người có trách nhiệm để có kế hoạch sửa chữa, kịp thời phục vụ cho công tác chuyên môn của từng bộ phận có liên quan.

Điều 20. Quản lý, sử dụng thư viện:

Phó hiệu trưởng theo dõi nhắc nhỡ giáo viên thư viện thực hiện việc cập nhật sách, thiết bị phần mềm quản lý thư viện.

Giáo viên thư viện thực hiện lịch mở cửa thư viện để phục vụ bạn đọc, giới thiệu sách theo chủ đề, thường xuyên lau chùi, sắp xếp, bổ sung lại các quyển sách đã bị hư, cũ.

Điều 21. Thu hồi trang thiết bị làm việc .

1. Các trường hợp thu hồi trang thiết bị làm việc như sau:

a)  Sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng.

b) Nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

c)  Sau khi hoàn thành chương trình năm học

2. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền thu hồi trang thiết bị làm việc được thực hiện theo các bước sau:

a) Văn phòng nhà trường khi phát hiện các trang thiết bị thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày phải lập danh mục và báo cáo Hiệu trưởng.

b) Văn phòng nhà trường thông báo bằng văn bản đến các trường hợp nêu trong khoản 1 điều nầy danh mục các trang thiết bị thu hồi, lý do và thời gian dự kiến sẽ thu hồi.

c) Chậm nhất 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cá nhân có trang thiết bị thu hồi có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi nhà trường.

d) Sau khi có ý kiến trả lời hoặc quá thời hạn mà cá nhân đó không có ý kiến trả lời, Hiệu trưởng căn cứ vào khoản 1 điều này quyết định thu hồi hoặc không thu hồi trang thiết bị.

đ) Cá nhân hoặc bộ phận nào có trang thiết bị thu hồi phải thực hiện chuyển giao đầy đủ trang thiết bị về cho các bộ phận hoặc văn phòng trường theo thời hạn trong quyết định thu hồi.

e) Văn phòng nhà trường tổ chức thu hồi theo quyết định của Hiệu trưởng; bảo quản và đề xuất sử dụng hiệu quả trang thiết bị thu hồi.

Điều 18. Điều chuyển trang thiết bị làm việc

1. Các trường hợp điều chuyển trang thiết bị làm việc:

a)   Điều chuyển giữa các bộ phận trong nhà trường từ nơi thừa sang nơi thiếu theo chỉ đạo của Hiệu trưởng.

b)  Để mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn.

c)  Điều chuyển cho các đơn vị khác thuộc ngành giáo dục khi trường không có nhu cầu sử dụng (theo chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Phòng Giáo dục).

2. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chuyển trang thiết bị được thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Điều 19. Thanh lý trang thiết bị

1. Các trường hợp thanh lý trang thiết bị:

a)   Đã sử dụng vượt quá thời hạn khấu hao mà không thể tiếp tục sử dụng.

b)  Bị hư hỏng không thể sử dụng hoặc bị hư hỏng mà sửa chữa không khắc phục được.

2. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền thanh lý trang thiết bị được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

a)   Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Hiệu trưởng có quyết định thanh lý trang thiết bị, ra quyết định thành lập Hội đồng thanh lý trang thiết bị để tổ chức thanh lý trang thiết bị gồm các thành phần sau:

-     Đại diện cấp ủy

-     Đại diện Ban chấp hành CĐCS

-     Đại diện Ban giám hiệu

-     Ban thanh tra nhân dân trường học

-     Kế toán

b)  Hội đồng thanh lý trang thiết bị tổ chức thực hiện thanh lý trang thiết bị theo quy định của nhà nước.

3. Việc thanh lý trang thiết bị phải được công khai đến toàn thể cán bộ công chức được biết để theo dõi giám sát.

 

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT

 

Điều 20. Xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công

1. Hình thức xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công

a)  Nhắc nhở;

b) Thông báo trong toàn trường;

c)  Đề nghị hạ bậc khi xét danh hiệu thi đua;

d) Đề nghị xử lý kỷ luật.

2. Hình thức nhắc nhở được áp dụng đối với các bộ phận chuyên quản và cá nhân có hành vi vi phạm lần đầu các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong nhà trường.

3. Trường hợp các bộ phận và cá nhân đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong nhà trường thì bị xử lý bằng hình thức thông báo công khai trong toàn hội đồng sư phạm.

4. Các bộ phận, cá nhân tái diễn cùng một hành vi vi phạm từ 05 lần trở lên trong một năm hoặc tùy theo mức độ vi phạm, thì bị đề nghị hạ một bậc khi xét danh hiệu thi đua trong năm.

5. Người vi phạm các quy định của Quy chế này để xảy ra thiệt hại tài sản nhà nước trong nhà trường, ngoài việc bị xử lý theo các hình thức tại khoản 1 điều 20 còn phải bị xử lý trách nhiệm vật chất theo quy định hiện hành.

Điều 21. Xử lý trách nhiệm vật chất đối với người gây ra thiệt hại tài sản nhà nước trong nhà trường

1. Hình thức xử lý trách nhiệm vật chất

a) Bồi thường.

b) Bồi thường và đền bù chi phí khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra.

2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh gây ra thiệt hại tài sản nhà nước trong nhà trường, dù cố ý hay không cố ý, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quyết định của người có thẩm quyền.

3. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh vi phạm các quy định của Quy chế này để xảy ra thiệt hại tài sản nhà nước trong nhà trường hoặc gây thiệt hại công sức lao động của người khác, ngoài việc phải bồi thường giá trị tài sản bị thiệt hại còn phải đền bù chi phí khắc phục hậu quả do việc vi phạm gây ra.

4. Mức bồi thường và đền bù chi phí khắc phục hậu quả được xây dựng trên cơ sở giá trị thiệt hại của tài sản và chi phí để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

5. Bộ phận kế toán tham mưu cho Hiệu trưởng xác định giá trị thiệt hại của tài sản làm cơ sở áp dụng trong việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với người gây ra thiệt hại tài sản công trong trường.

Điều 22. Thẩm quyền quyết định xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và xử lý trách nhiệm vật chất

           Hiệu trưởng quyết định hình thức xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong nhà trường và hình thức xử lý trách nhiệm vật chất đối với đối tượng bị xử lý là các bộ phận hoặc các cá nhân.

Điều 23. Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất

1. Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất được thành lập khi có yêu cầu xử lý trách nhiệm vật chất đối với người gây ra thiệt hại tài sản công bao gồm:

a) Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn;

c) Ban Thanh tra nhân dân trường học;

d) Kế toán;

e) Đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường

g) Trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể mời chuyên gia hoặc thuê tư vấn giám định mức độ thiệt hại tài sản.

2. Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất có nhiệm vụ xem xét, đánh giá tính chất của hành vi gây ra thiệt hại, mức độ thiệt hại; xác định trách nhiệm của người gây ra thiệt hại và tập thể, cá nhân có liên quan; kiến nghị với người có thẩm quyền về mức giá và phương thức bồi thường thiệt hại.

3. Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất làm việc theo nguyên tắc:

a) Khách quan, dân chủ và tuân theo quy định của pháp luật;

b) Việc kiến nghị mức và phương thức bồi thường được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số;

c) Các cuộc họp của Hội đồng phải có biên bản để thông qua và Chủ tịch Hội đồng ký. Trường hợp người gây ra thiệt hại được Hội đồng mời 02 lần mà không đến thì Hội đồng vẫn tiến hành họp và người gây thiệt hại phải chấp hành quyết định của Hội đồng về bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Điều 24. Trình tự và thủ tục xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong nhà trường.

1. Thông báo vi phạm

Các bộ phận và cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này hoặc phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh làm thất thoát, mất, hư hỏng tài sản công thì thông báo bằng mọi hình thức (thông báo trực tiếp, qua điện thoại, gửi văn bản...) đến nhà trường

2. Lập biên bản vi phạm

Khi nhận được thông báo về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, Hiệu trưởng chỉ đạo tiến hành: Kiểm tra xác minh, nhắc nhở, sơ bộ đánh giá thiệt hại, lập biên bản vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo về Phòng Giáo dục.

3. Hiệu trưởng yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc học sinh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công hoặc gây ra thiệt hại tài sản công trong thời hạn 02 ngày viết bản tường trình về vụ việc, đề xuất hướng giải quyết.

4. Quyết định xử lý vi phạm

Căn cứ Điều 22 của Quy chế này, biên bản vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và bản tường trình của người vi phạm hoặc người gây ra thiệt hại tài sản công, Hiệu trưởng xem xét, quyết định xử lý vi phạm và ra văn bản:

a) Nhắc nhở hoặc thông báo công khai trong toàn trường đối với các trường hợp bị xử lý theo các hình thức nhắc nhở.

b) Thực hiện quyết định xử lý vi phạm.

          c) Trình tự xử lý kỷ luật, xem xét hạ bậc danh hiệu thi đua đối với các bộ phận và cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công  thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Lao động, Luật thi đua khen thưởng, nội quy nhà trường và các quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 25. Trình tự và thủ tục xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

1/ Trình tự : 

a)  Hiệu trưởng yêu cầu người vi phạm làm bản tường trình

b) Lập biên bản vi phạm nêu tại khoản 2 Điều 24;

c) Các văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại và giá trị thiệt hại của tài sản do bộ phận kế toán cung cấp;

đ) Các văn bản khác có liên quan.

2/ Thủ tục                              

          a) Người có thẩm quyền nêu tại Điều 23 của Quy chế này thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất.

          b) Hội đồng đồng xử lý trách nhiệm vật chất xem xét, có văn bản kiến nghị mức bồi thường và phương thức bồi thường gửi đến người có thẩm quyền.

          c) Quyết định bồi thường thiệt hại

          - Căn cứ kiến nghị của Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất, người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại. Trong quyết định ghi rõ mức bồi thường, phương thức bồi thường và thời hạn bồi thường.

          - Trường hợp người có thẩm quyền có ý kiến khác với kiến nghị của Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất thì người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật.

          d) Thực hiện quyết định bồi thường thiệt hại

          - Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh gây ra thiệt hại phải thực hiện đúng thời hạn bồi thường, mức bồi thường và phương thức bồi thường ghi trong quyết định bồi thường thiệt hại.

          - Bộ phận tài vụ nhà trường có trách nhiệm thu theo phương thức bồi thường (trừ vào lương, thu tiền mặt…) ghi trong quyết định bồi thường thiệt hại.

          - Việc quản lý và sử dụng tiền, tài sản bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của nhà nước.   

 

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 26. Tổ chức thực hiện:

Quy chế này được phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường để quán triệt và thực hiện.

Điều 27. Xử lý vi phạm:

Tổ chức và cá nhân được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong nhà trường vi phạm các quy định tại Quy chế này, gây thất thoát, thiệt hại về tài sản nhà nước thì phải khắc phục và bồi thường, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

                                                                                                                                                                               

                                                                                       HIỆU TRƯỞNG

thcstrungnhut
Tin liên quan