Tam Đảo là huyện mới được thành lập, trong 2 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vượt bậc và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực của đời sống: Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; thu ngân sách vượt chỉ tiêu; tạo thêm nhiều việc làm mới; trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững; văn hóa – xã hội có nhiều bước tiến mới và một diện mạo mới, một khí thế mới đang từng ngày được tạo dựng trên quê hương Tam Đảo. Những thành tựu đó được bắt nguồn từ truyền thống của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện qua các thời kỳ.

Ngược dòng lịch sử, ngày 3/2/1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân trong đó có nhiều người con quê hương Tam Đảo ngày nay. 15 năm sau, nhất là giai đoạn 1939-1945 nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai chòng đô hộ và đàn áp dã man. Thời kỳ này nhiều làng xã của thị xã Vĩnh Yên, Tam Dương, Lập Thạch, Bình Xuyên (hiện nay có một số thuộc Tam Đảo) đã thành lập được mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ và là căn cứ của huyện, tỉnh, TW sau này. Các phong trào chống sưu cao thuế nặng, bắt đi lính, đi phu phát triển và bị Nhật, Pháp đàn áp mạnh ở nhiều nơi như Tam Quan… càng tạo sự căm phẫn trong nhân dân. Khi Nhật đảo chính Pháp, TW có chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, với phương châm “Bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường đấu tranh”, nhân dân trong huyện đã mở đầu cao trào kháng Nhật cứu nước bằng các cuộc biểu tình phá kho thóc để cứu nạn đói: Kho thóc Cầu Tre (Hồ Sơn); Miêu Duệ, Ấp Dần (Đại Đình)… bị phá, hàng nghìn thùng thóc được chia cho nhân dân; tiếp đến là diễn thuyết công khai của Việt Minh về chính sách của Đảng cho đông đảo nhân dân. Do vậy, phong trào đã phát triển mạnh, nhiều vùng đất đã về tay cách mạng, nhiều trận đánh đã làm địch khiếp sợ như đội quân Phạm Hồng Thái và binh sĩ yêu nước địa phương đã tiêu diệt một tiểu đội Nhật ở đồn Tam Đảo, giải phóng trên 1000 tù nhân vào 16/7/1945. Đến cuối tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng ở địa phương hoàn toàn làm chủ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình và điều căn bản là đã đập tan chế độ áp bức bất công mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của dân tộc và CNXH ngay trên quê hương mình. Tuy số đảng viên ít nhưng những người cộng sản Tam Đảo đã trở thành hạt nhân lãnh đạo quần chúng đứng lên cùng với cả nước làm cuộc cách mạng thần thánh.

Bước vào giai đoạn 1945-1954, cả nước bắt tay vào xây dựng và củng cố chính quyền, giải quyết nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm. Giai đoạn này, Chi bộ Đảng được thành lập ở hầu hết các xã trong huyện, nhiều đảng viên mới được kết nạp, hàng nghìn thanh niên Tam Đảo lên đường bảo vệ quê hương, đất nước. Dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ Đảng chủ trương đưa giáo viên lên các xã miền núi, vùng sâu xóa nạn mù chữ được thực hiện có hiệu quả.

Ngày 6/1/1947, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên lần 2 tiến hành và thực hiện lời kêu gọi tòan quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Các Chi bộ Đảng trong huyện tích cực triển khai nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu kháng chiến: Củng cố xây dựng Đảng; xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; xây dựng hậu phương; xây dựng nhiều trại tản cư… Ngày 7/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt làm dao động tinh thần binh lính địch, tinh thần cách mạnh của nhân dân các dân tộc trong huyện càng lên cao góp phần bắt chúng ngồi vào ký hiệp định Giơnevơ, chấm dứt sự chiếm đóng của quân Pháp trên đất Việt Nam.

Giai đoạn 1954-1975 đất nước tạm thời chia thành hai miền, miền Bắc từ vĩ tuyến 17 được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm tồn tại dưới chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Cùng với nhân dân cả nước, các chi bộ Đảng và nhân dân Tam Đảo khắc phục khó khăn thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược, hoàn thành cải cách ruộng đất, sản xuất được khôi phục, lòng tin của nhân dân vào chế độ mới được củng cố, văn hóa – xã hội có bước phát triển mới, nhất là giáo dục đã góp phần củng cố quan hệ sản xuất XHCN, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961-1965), chính sách hậu phương chi viện cho tiền tuyến được nhân dân trong huyện hưởng ứng mạnh mẽ…

Từ 1964-1968 Đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong đó có nhiều điểm của huyện nằm trong kế hoạch đánh phá của giặc Mỹ như Yên Dương, Đạo Trù, Tam Đảo, Tam Quan… Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các Chi bộ Đảng và nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện lấy phòng là chủ yếu, còn lực lượng vũ trang thì lấy chống và đánh là chủ yếu. Kết quả đã đào được hàng trăm hầm trú ẩn trên trục đường giao thông, hố tránh máy bay, các gia đình, trường học đều có hầm trú ẩn… Tam Đảo còn được tiếp đón nhiều bộ, ngành TW, của tỉnh về sơ tán tại Hồ Sơn, Tam Quan, Đại Đình, Bồ Lý, Yên Dương… Tiếp nối truyền thống anh dũng quân và dân Tam Đảo dưới sự lãnh đạo thống nhất của các Chi bộ Đảng đã nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lực lượng du kích của huyện đã bắn máy bay nhiều trận, tiêu biểu là trận địa 12,7 ly trên núi San Chấy Thòi của Trung đội dân quân dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù, bắn rơi máy bay phản lực F4D của Mỹ. Đây là chiến công oanh liệt của quân và dân Tam Đảo. Thời kỳ lên đường kháng chiến chống Mỹ để làm nên ngày 30-4-1975 lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định rằng, 76 năm qua (1930-2006), trong thời chiến cũng như thời bình Đảng bộ và nhân dân Tam Đảo luôn có những đóng góp xứng đáng vào thành công của tỉnh, của đất nước. Những giá trị vật chất và tinh thần mà người dân Tam Đảo sáng tạo ra trong quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành là nguồn “tài nguyên” vô giá, bất tận được tôi luyện cùng sự trường tồn của dân tộc và đây chính là nền móng vững chắc để xây dựng Tam Đảo thành huyện giàu đẹp, phồn vinh trong tương lai không xa. 

  • Thông báo
  • Thư mời 0