Cho con đi học, bị ném phân thối vào nhà

Mệt mỏi chờ học sinh

Phải chịu hệ lụy của việc cả xã đồng loạt cho con nghỉ học phản đối bỏ trường cấp 2, gần 2 tháng nay, trường tiểu học Hương Bình khang trang với quy mô 255 học sinh chỉ có 28 em đi học.

Hình ảnh Cho con đi học, bị ném phân thối vào nhà số 1
Ông Hồ Thế Lý lo lắng khi nhà bị “khủng bố”. Ảnh: Hữu Anh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình - cô Phan Thị Anh thở dài khi trò chuyện với phóng viên về sự bất lực và buồn chán của tất cả giáo viên trong việc đi vận động học sinh đến lớp.

Cô Anh cho biết: “Lớp 1 được 11 em, chúng tôi phải gộp thành một lớp, lớp 2 có 7 em, lớp 4 được 8 em, lớp 3 thì không có em nào, còn lớp 5 chỉ được 2 em nhưng vẫn phải bố trí một thầy dạy hàng ngày. Con số 28 học sinh này cũng phập phù lúc được lúc không. Giáo viên lên lớp trong tâm trạng lo lắng chỉ sợ các em này cũng phải bỏ học giữa chừng”.

Cô Anh cho biết, hơn 20 giáo viên của trường gần 2 tháng nay ngoài việc duy trì dạy học phải thay phiên nhau đi vận động học sinh đến trường.

“Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp, cử giáo viên ở thôn nào chịu trách nhiệm vận động học sinh thôn đó. Không được, lại cử giáo viên chủ nhiệm của lớp nào phụ trách đến tận nhà học sinh của mình để vận động, rồi kết hợp với những người có uy tín trong các hội phụ huynh, phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh trong làng để đến nhà nói chuyện với bố mẹ các em, tuyên truyền qua loa phát thanh về quyền đi học của trẻ em, nhưng vẫn không có kết quả gì. Đến mức giáo viên còn tìm cách gặp riêng từng học sinh để “xúi” các em về nhà khóc lóc, ăn vạ đòi đi học, nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh”, cô Anh cười buồn.

Một cô giáo trong trường cho biết: “Có nhiều nhà khi mình đến nhiều quá họ tỏ thái độ không thích, lẩn tránh. Cũng có bố mẹ “nể” cô quá thì hứa hẹn: “Cô cứ về đi, khi nào cả làng cho con đi học thì tôi cho đi liền (???). Lại có nhà đồng ý cho con đi học nhưng với điều kiện… cô giáo phải đưa đi đón về hàng ngày. Có thuyết phục thế nào họ cũng cương quyết: “Học hết mầm non, tiểu học rồi cũng phải lên cấp 2, lúc bấy giờ không có trường để học, không thể đi học xa rồi con cũng phải nghỉ học. Thà cho nghỉ luôn bây giờ còn hơn”.

Cô Anh cho biết, trường vẫn phải duy trì chương trình học như bình thường, kể cả chỉ có một vài em một lớp. Sĩ số được theo dõi sát và báo cáo hàng ngày lên phòng giáo dục.

“Các cô giờ chỉ biết kiên trì vận động và chờ đợi học sinh. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo nhất là các em không được đến trường, lang thang đi chơi rồi, nói dại mồm, lỡ không may gặp tai nạn, đuối nước… lúc đó thì người lớn có hối hận cũng không kịp” – cô Anh nói.

Cho con đi học, bố mẹ ở nhà bị đe dọa

Việc cho con nghỉ học liên quan tới phản đối đề án sáp nhập trường không phải là ý chí của hầu hết các hộ dân ở xã Hương Bình. Một số hộ dân lo con thất học muốn cho đi học lại thì hết sức hoang mang lo sợ trước những lời đe dọa, bị phá hoa màu và cả “khủng bố” bằng phân thối ném vào nhà.

Chiều 25/9, ông Hồ Thế Lý (SN 1949) một người dân ở thôn Bình Thành, xã Hương Bình tới UBND xã Hương Bình cầu cứu trước sự chứng kiến của phóng viên. Ông Lý đến thẳng phòng Bí thư Đảng ủy xã Lê Quang Vinh trình bày với hai dòng nước mắt, miệng run lập cập: “Tôi có con gái út là Hồ Ngọc Anh đang học lớp 9A Trường THCS Hòa Hải. Sau một thời gian ở nhà, nay tôi cho cháu đi học trở lại thì bất ngờ mấy ngày gần đây một số người đòi giết tôi và con tôi vì cháu đi học. Không chỉ hăm dọa, mấy đêm vừa rồi tôi đang ngủ thì bị ném đá, thốc ghế vào bên tường sát giường ngủ và ném phân người vào nhà, ném vật lạ xuống giếng nước của gia đình”.

Quá lo lắng, gần tuần nay đêm nào ông Lý cũng ngủ sớm, đến khoảng 22h là phải dậy canh chừng cho cả nhà, giờ gia đình ông rất lo lắng và bất an vì cho con đi học trở lại.

“Con tôi có tội tình chi, tại sao người lớn lại ngăn cấm không cho cháu đi học? Tôi khẩn thiết đề nghị xã và cấp trên có biện pháp bảo vệ chúng tôi và khẩn trương tìm ra những kẻ bày ra những trò này nghiêm trị theo pháp luật…” - ông Lý tha thiết.

Ông Lê Quang Vinh thừa nhận, tình hình an ninh trên địa bàn bắt đầu có sự bất ổn liên quan đến việc sáp nhập trường như doạ nạt, chửi bới, cô lập những gia đình cho con đi học trở lại; một số hộ dân còn bị đối tượng xấu ném phân vào nhà, thậm chí phá hoại cả hoa màu ngoài đồng. Cụ thể là nhà anh Nguyễn Văn Minh - Bí thư chi bộ thôn Vinh Hưng, kiêm công an viên, tối 19/9 bị kẻ xấu phá hoại 1,4 sào lúa gần thu hoạch. Cũng theo ông Vinh, sau khi sự việc xảy ra xã đã báo cho công an vào cuộc làm rõ.

Trước thông tin này, ông Lê Đức Bình, cựu hội trưởng Hội phụ huynh trường THCS Hương Bình bày tỏ: “Chúng tôi cũng rất lo ngại sự việc này, dân chúng tôi chỉ phản đối việc sáp nhập trường bằng cách hòa bình là tập trung trước cổng trường và chưa cho con em đi học chứ tuyệt đối không ai làm thế với bà con chòm xóm. Chúng tôi cũng rất mong công an làm rõ vụ việc, tránh tình hình căng thẳng”.

Xã Hương Bình, huyện Hương Khê có dân số 4.000 người, bình quân ở mỗi độ tuổi từ 3-11 hiện nay có 47-58 trẻ (chưa đủ 2 lớp cho một khối lớp). Bà Trần Thị Tánh, 59 tuổi (thôn Bình Giang) là một trong số 28 gia đình cho cháu đi học lớp 1A nói: “Bố mẹ nó đi làm ăn ở miền Nam gửi con cho tôi. Bây giờ tình hình đi học căng thẳng thế này, tôi sợ các cháu có học mà không hiệu quả, bố mẹ nó đang giục đưa cháu vào trong đó”.

Tác giả: Thanh Hà