Ngành GD-ĐT tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019

Ngày đăng : 02-08-2018

Ngành GD-ĐT tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết

GD&TĐ - Sáng nay (2/8), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT và các điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở GD&ĐT chủ trì các điểm cầu địa phương. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết năm học năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ các kết quả nổi bật, cũng như những vấn đề còn hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua; từ đó nhấn mạnh một số nội dung quan trọng cần thảo luận tại Hội nghị.
 
  •  
    12:15 ngày 02/08/2018

    Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến từ các đại biểu tham dự Hội nghị và cho biết sẽ cụ thể hóa trong nội dung Chỉ thị năm học tới đây.

     Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận Hội nghị

    Năm học 2018 - 2019, Bộ trưởng tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, ngành Giáo dục sẽ có những chuyển biến tích cực rõ nét hơn.

    Hiếu Nguyễn

  •  
    12:11 ngày 02/08/2018
    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá chung tình hình đổi mới căn bản, toàn diện của ngành giáo dục trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29; đồng thời chỉ đạo Bộ GD&ĐT bám sát các nội dung về những vấn đề tồn tại, bất cập cần đổi mới đã nêu trong Nghị quyết từ thời điểm năm 2013 để thời gian tới có những tổng hợp, đánh giá các công việc đã triển khai theo tinh thần Nghị quyết 29.
    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

    Quán triệt các nội dung của  Nghị quyết 29, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý hai điểm:

    Thứ nhất, giáo dục đổi  mới phải là một quá trình. Và vì đổi mới là một quá trình, có lộ trình, trong quá trình đấy không bao giờ có giải pháp hoàn hảo. Đã vạch ra rồi phải rất khoa học, rất ổn định và phải kiên trì. Hơn nữa, tính không hoàn hảo của giải pháp còn thể hiện giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh của đất nước – tình hình kinh tế xã hội, thói quen truyền thống. Cho nên khi làm một giải pháp sẽ tác động đến rất nhiều mặt khác nhau, lợi mặt này lại hại mặt kia, chúng ta phải cân đối.

    Thứ hai, trong quá trình đổi mới phải kiên định, nhất định phải theo xu thế thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm hay vì trong quá trình này có tác dụng ngược mà xoay lại đi ngược xu thế thế giới. Ví dụ tới đây ĐH tự chủ là xu thế, các trường phổ thông không dùng từ tự chủ, nhưng quản lý các trường phổ thông cũng phải thay đổi, môi trường giáo dục bớt hành chính đi. Chúng ta kiên trì xu thế này.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cụ thể tới Bộ GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương… trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc nêu gương của các thầy cô giáo.

    “Từ năm học này, Bộ GD&ĐT cần phát động để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành…” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã có sự chỉ đạo năm nay cố gắng giải quyết cho bằng được vấn đề nhà vệ sinh trong trường học; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn, trước hết tất cả các trường đừng ngại giấu cái không tốt đi, chụp ảnh cụ thể cho toàn xã hội thấy khu nhà vệ sinh của trường, kêu gọi sự hỗ trợ không chỉ chính quyền địa phương mà toàn bộ cộng đồng. Quan trọng hơn là giáo dục học sinh thói quen gìn giữ nhà vệ sinh.

    “Tôi tin rằng với tinh thần cầu thị, đổi mới, các đồng chí tiếp tục “giữ lửa”, lan tỏa rộng hơn nữa sự quyết tâm đến các đơn vị, địa phương, để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới thực sự, có như vậy đất nước mới phát triển” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi toàn Hội nghị.

    Diệu Ngọc
  •  
    12:03 ngày 02/08/2018

    Điểm cầu Hà Tĩnh do ông Đặng Quốc Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

    Giám đốc Sở GD&ĐT ông Trần Trung Dũng bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tổng kết năm học.

    Ông Trần Trung Dũng cho biết, bên cạnh rà soát sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập thì Ngành cũng khuyến khích xã hội hóa phát triển các trường mầm non, phổ thông chất lượng cao ngoài công lập. Năm học 2017-2018, thành lập mới 05 trường tư thục chất lượng cao (4 trường mầm non và 1 trường phổ thông có nhiều cấp học), cấp phép hoạt động mới 4 trung tâm tin học ngoại ngữ, 5 trung tâm tư vấn du học. 

    Hiện nay, Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo, theo đó mạng lưới trường lớp mầm non và phổ thông tiếp tục được quy hoạch, sắp xếp để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của từng địa bàn cụ thể...

    Trương Hoa

  •  
    11:04 ngày 02/08/2018
    Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – đánh giá cao báo cáo tổng kết năm học của Bộ GD&ĐT, chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục; đồng thời trao đổi thẳng thắn về một số vấn đề như: Công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với các bộ ngành và địa phương; vấn đề đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non; kỳ thi THPT quốc gia và vấn đề xây dựng chính sách về giáo dục…
    Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội phát biểu  

    Bà Ngô Thị Minh khẳng định Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong quá trình thực thi nhiệm vụ; đồng thời, mong muốn Bộ GD&ĐT có sự phối hợp với các bộ ngành, địa phương tốt hơn trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả hơn trách nhiệm của mình.

    Hiếu Nguyễn

  •  
    10:56 ngày 02/08/2018

    Từ đầu cầu TP Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Năm học 2017 - 2018, thành phố đã quan tâm đầu tư cho sự nghiệp GD&ĐT. Trong năm học, toàn thành phố đã đầu tư, có thêm 46 trường đạt chuẩn quốc gia (đến nay thành phố có hơn 61% trường đạt chuẩn quốc gia). Thành phố cũng đã đầu tư xây mới 6 trường học, tạo điều kiện học tập cho hơn 3.500 học sinh... 

    Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu

    Về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, TP Cần Thơ tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

    Bên cạnh đầu tư cho ngành GD&ĐT, TP Cần Thơ rất quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, phòng chống bạo lực học đường. Toàn thành phố hiện có trên 300 trường phổng thông đến đại học, với số lượng hơn 330 ngàn HS, SV. Thời gian qua nhờ làm tốt công tác an ninh trường học nên không xảy ra tệ nan, bạo lực học đường.

    TP Cần Thơ kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các ngành liên quan cần quan tâm đến vấn đề phân luồng HS sau THCS. Đặc biệt là công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình hình tội phạm liên quan đến ma túy trong thanh thiếu niên. Quan tâm đến vấn đề tự chủ trong các cơ sở giáo dục và việc tinh giản biên chế... 

    Quốc Ngữ

  •  
    10:48 ngày 02/08/2018

    Phát biểu đóng góp tại Hội nghị, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhìn nhận, qua báo cáo của Bộ GD&ĐT có thể thấy trong 1 năm qua, Bộ đã làm được khối lượng công việc lớn; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế.

     GS Trần Thọ Đạt phát biểu

    Báo cáo về vấn đề tự chủ trong trường đại học, lãnh đạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định mô hình tự chủ của Trường là một mô hình thành công, mở ra giai đoạn mới cho nhà trường.

    Hiện Chính phủ giao 3 trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM xây dựng đề án tự chủ không có bộ chủ quản. Các trường hiện đang ở giai đoạn cuối hoàn thiện đề án.

    Với tư cách là một trường tuyển sinh quy mô lớn, phần lớn phương thức tuyển sinh dựa và kết quả kỳ thi THPT quốc gia, GS Trần Thọ Đạt nêu một số kiến nghị:

    Về đề thi: Đề thi tốt phải là đề thi đảm bảo sự phân hóa nhất định. Mong bộ phận ra đề rút kinh nghiệm nghiên cứu kỹ phổ điểm, có bộ phận thử nghiệm. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ủng hộ tổ chức kỳ thi này đến hết năm 2020.

    Về coi thi: Không thể không có sự tham gia của các trường ĐH. Tham gia ở mức nào thì bàn kỹ hơn.

    Về công tác chấm thi: Cần tổ chức chấm chéo hoặc tổ chức chấm theo cụm. Bài thi trắc nghiệm phải có sự cải thiện về mặt công nghệ thông tin.

    Diệu Ngọc

  •  
    10:29 ngày 02/08/2018

    Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – nêu 2 vấn đề: Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và chất lượng đào tạo sư phạm. Từ đó đưa ra kiến nghị liên quan đến 2 vấn đề này.

    Gs Nguyễn Văn Minh - Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu 

    Cụ thể, Bộ GD&ĐT cần sớm đưa ra luận cứ, kế hoạch, kịp thời trình Chính phủ về công tác quy hoạch ngành Sư phạm. Bộ GD&ĐT không thể làm một mình vì có trường do Bộ quản lý, nhưng có trường trực thuộc tỉnh…, do đó, cần sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ về vấn đề này.

    Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đồng thời đưa ra kiến nghị cụ thể với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin – Truyền thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới.

    Hiếu Nguyễn

  •  
    10:27 ngày 02/08/2018

    Điểm cầu Thanh Hoá do ông Phạm Đăng Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

    Tham dự hội nghị quan trọng này còn có bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT, các Phó giám đốc Sở, lãnh đạo các phòng, ban liên quan thuộc sở.  Ngoài ra, tại hội nghị này còn có đại diện các sở, ngành khác trong tỉnh và 27 Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố trong của tỉnh Thanh Hóa tham gia.

    Trang Hoàng

  •  
    10:19 ngày 02/08/2018
    Từ đầu cầu Kiên Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang – bà Nguyễn Thị Minh Giang – bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị.

    Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Kiên Giang đang gặp một số khó khăn, đặc biệt về nguồn nhân lực, biên chế giáo viên. Trong 3 năm qua Kiên Giang luôn thiếu biên chế giáo viên, đặc biệt là bậc học mầm non nhưng lại gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề biên chế giáo viên, nhu cầu học tập của học sinh, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi…

    “Trung ương yêu cầu không hợp đồng lao động, nhưng nếu không hợp đồng thì lấy đâu giáo viên dạy học . Chúng tôi hỏi UBND tỉnh nhưng không ai trả lời. Với chức năng nhiêm vụ của mình, chúng tôi vẫn hợp đồng với giáo viên nhưng luôn băn khoăn là mình làm thế có đúng quy định không” – Bà Minh Giang bày tỏ, đồng thời đề nghị nên căn cứ vào quy mô trường lớp, giao việc giao biên chế ngành giáo dục cho chính quyền địa phương quyết định…

    Báo cáo trước Hội nghị, bà Minh Giang cho biết kỳ thi THPT quốc gia tại Kiên Giang được tổ chức 3 năm nay khá thành công. Những vi phạm xảy ra gần đây khiến ngành giáo dục Kiên Giang rất đau lòng, nhưng bức tranh chung là tất cả các tỉnh thành còn lại đều tổ chức rất nghiêm túc. Tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm, có phương án đấu tranh phòng ngừa, năm học sau không nên có thay đổi quá lớn, giữ ổn định cho năm sau.

    Diệu Ngọc

  •  
    09:57 ngày 02/08/2018

    Đại diện đầu cầu Hà Nội phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – thể hiện đồng tình cao với báo cáo kết quả năm học cũng như phương hướng, nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT.

     Ông Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị

    Với các vấn đề Bộ trưởng đề xuất nêu ý kiến, ông Ngô Văn Quý chia sẻ:

    Về rà soát quy hoạch mạng lưới: Hà Nội rất quan tâm đến nội dung này và đã giao các sở liên quan rà soát lại toàn bộ quy hoạch mạng lưới; thấy quy hoạch có nhiều điều cần điều chỉnh; nhận thấy khó khăn vướng mắc là quỹ đất ở nội đô hạn chế. Kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng cho phép trường học khu vực nội đô được nâng tầng.

    Về cơ sở vật chất: Năm 2018, Hà Nội dành gần 19 nghìn tỷ cho ngành giáo dục, trong đó chi đầu tư 19%, chi thường xuyên khoảng 32%; xây dựng 66 trường mới, 2.622 trường học được cải tạo. Về nhà vệ sinh trường học, đến nay Hà Nội có 78% nhà vệ sinh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư, vấn đề quan trọng là quản lý, duy trì vệ sinh thường xuyên. Chỉ khi cả giáo viên, học sinh cùng tham gia tích cực thì công tác vệ sinh trường học mới có hiệu quả…

    Về chương trình giáo dục: Hà Nội đã chủ động làm 3 việc: tiếp tục thực hiện và nâng cấp bộ giáo trình về nếp sống văn minh, thanh lịch; thí điểm đưa giáo dục an toàn giao thông vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10, năm nay phổ biến toàn diện trên địa bàn thành phố; triển khai thí điểm đào tạo song bằng với một số trường THPT, THCS.

    Về xây dựng trường chuẩn: Hà Nội đã làm tích cực, đã có 62% trường đạt chuẩn quốc gia; có 16 trường Chất lượng cao, đang thẩm định thêm 9 trường.

    Ông Ngô Văn Quý đưa ra 4 kiến nghị: Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ bổ sung quy định về khung, mức chi học phí với trường công tự chủ chi thường xuyên; kịp thời có hướng dẫn về việc chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục từ công lập sang ngoài công lập; sớm có hướng dẫn liên quan đến tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp của ngành Giáo dục; Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng thống nhất cho thành phố Hà Nội được nâng tầng so với quy chuẩn xây dựng trường học…

    Hiếu Nguyễn

  •  
    09:52 ngày 02/08/2018

    Từ điểm cầu Phú Thọ, ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo tổng kết năm học, phương hướng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.

    Năm học vừa qua, tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì phát triển, là điểm giáo dục khá trong cả nước, có 72% trường chuẩn; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn cao; có số học sinh giỏi nằm trong tốp cả nước, tập trung tốt các điều kiện đổi mới chương trình – SGK...

     Ông Hà Kế San phát biểu

    Theo ông Hà Kế San, qua thực tế chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ, tỉnh gặp khó khăn trong việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, tinh giản đội ngũ giáo viên, rất cần có sự chỉ đạo của Chính phủ. Riêng với việc tinh giản biên chế - giảm 10% từ nay đến năm 2021, với Phú Thọ nếu giảm như vậy là giảm trên 2.400 giáo viên, trong khi giáo viên mầm non thì đang rất thiếu.

    “Vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm biên chế thế nào trong khi học sinh vào lớp tăng lên. Lời giải là chuyển các trường từ công lập sang tư thục, nhưng chính sách của nhà nước trong vấn đề này lại không rõ, gần như không có quy định, nghị định hướng dẫn. Không làm thì không được, mà làm thì vi phạm” – Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

    Hiện Tỉnh Phú Thọ chỉ có trường THPT và một số trường mầm non là tư thục, chưa có trường tiểu học và THCS tư thục. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đề nghị  phải có quy định của Chính phủ trong chuyển đổi trường công lập sang tư thục; đối với giáo dục mầm non, hiện chỉ có phổ  cập 5 tuổi, còn lại dưới 5 tuổi thì chưa đề cập đến, vấn đề đặt ra là phải tính toán xã hội hóa như thế nào, giải quyết vấn đề đất đai, trả lương cho giáo viên ngoài công lập…; tính toán để những đơn vị, địa phương có điều kiện mạnh dạn chuyển một số trường tiểu học, THCS, THPT sang trường tư thục chất lượng cao, tự chủ tài chính.

    Về thi cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá việc lựa chọn thi cử là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới.

    Diệu Ngọc

  •  
    09:45 ngày 02/08/2018

    Tại điểm cầu TP HCM, dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trên địa bàn.

    Theo các đại biểu, việc tổ chức hội nghị trực tuyến, ứng dụng CNTT vào hội nghị đã giảm được những chi phí. Bên cạnh đó, trực tuyến ở các tỉnh, các đại biểu của cả nước cũng như những người dân, những người quan tâm tới GD đều có thể lắng nghe, theo dõi một cách nhanh chóng, đầy đủ thông tin từ cuộc hội nghị của các vùng, miền, các tỉnh, thành.

    Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP chủ trì Hội nghị tại đầu cầu TPHCM 

    Năm học vừa qua tại TPHCM đã có nhiều nhiều thành tích nổi bật. Là một TP lớn với số HS hằng năm tăng nhanh, cụ thể năm học 2017-2018 tăng khoảng 60.000 HS, áp lực về trường lớp, sĩ số rất lớn nhưng nhằm đảm bảo chỗ học cho HS trên địa bàn, TP đã rất nỗ lực đầu tư và đã đưa vào sử dụng gần 1.500 số phòng học mới.

    Tính đến nay, TP đã đạt 264 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020, Thành phố đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X.

    Bên cạnh việc đảm bảo chỗ học, TP chú trọng tập trung nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ QL GD và đã có những thành tích đáng trân trọng. Cụ thể như, TP dẫn đầu toàn đoàn tại Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học khu vực phía Nam với 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba và 6 giải Tư.

    Toàn TP có 477 HS các cấp đạt giải quốc tế, quốc gia với nhiều lĩnh vực NCKH, các môn văn hóa, Olympic Tin học, giải máy tính cầm tay… và 4.297 HS đạt giải các cấp thành phố. Năm học vừa qua TP có 197.414 HS đạt danh hiệu HS Giỏi.

    Nga Phan

  •  
    09:42 ngày 02/08/2018

    Tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có 4 quận huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất với 2 cơ sở giáo dục mầm non xây dựng để phục vụ cho con em công nhân là trường Mầm non Nốt nhạc xanh và Trung tâm chăm sóc và Giáo dục mầm non One Sky.

    Với đề án Sữa học đường giai đoạn 2016 – 2017, có 49 trường mầm non, trong đó có 29 trường tư thục và 208 nhóm lớp độc lập tư thục của 5 quận, huyện và 16 xã, phường với 100% trẻ được uống sữa miễn phí do ngân sách thành phố hỗ trợ 84%, trong đó có trẻ của 4 khu công nghiệp và chế xuất.

    Đà Nẵng đã triển khai đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 với tổng kinh phí là 2 tỷ 751 triệu đồng để cải tạo khu vực rửa tay cho trẻ, sửa chữa nhà vệ sinh, lắp bệ xí, sửa chữa bếp ăn và trang bị đồ chơi, đồ dùng, học liệu cho các nhóm lớp; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, người chăm sóc trẻ, nâng cao nhận thức cho bà mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện từ 0-36 tháng tuổi...

     

    Đà Nẵng đang triển khai thực hiện đề án xây dựng nhà trẻ và thực hiện thu nhận trẻ từ 6 – 36 tháng ở các trường công lập.

    Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Vĩnh thì khó khăn hiện nay là đội ngũ GV tại các nhóm lớp độc lập tư thục chưa đủ theo quy định, không ổn định, đa số GV có bằng trung cấp và được đào tạo hệ vừa học vừa làm nên trình độ chuyen môn còn hạn chế, chưa đạt chuẩn.

    Tại một số nhóm chưa được cấp phép, người trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm mầm non, thiếu kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ. Việc thực hiện BHXH, BHYT đối với giáo viên ở các nhóm lớp độc lập tư thục chưa đảm bảo 100% do phải thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động theo doanh nghiệp nên mức đóng cao dẫn đến việc trả lương thấp.

    Ông Vĩnh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần có quy định tăng thêm định mức giáo viên/lớp đối với những trường mầm non công lập trên địa bàn có khu công nghiệp – khu chế xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu đón trẻ sớm vào buổi sáng và trả trẻ trễ vào buổi chiều do đa số phụ huynh đang làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất đều làm theo ca.

    Hà Nguyên

  •  
    09:35 ngày 02/08/2018

    Tại điểm cầu Quảng Ninh, báo cáo của bà Vũ Thị Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh – chủ yếu nhấn mạnh vào kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, dồn dịch điểm trường. Theo đó, trong 3 năm thực hiện, giáo dục Quảng Ninh đã giảm được 9 trường, 11 điểm trường THCS; tổ chức lớp ghép điều chỉnh phù hợp sĩ số học sinh trên lớp ở mầm non, tiểu học…; thực hiện kiêm nhiệm 574 vị trí nhân viên phục vụ sau khi được đào tạo lại và đào tạo bổ sung; kí hợp đồng với trung tâm y tế xã để thực hiện chức năng nhân viên y tế trường học; thí điểm thực hiện mô hình hợp tác công tư ở 3 cơ sở giáo dục; giảm nhu cầu sử dụng trên 1.400 người làm việc trong các cơ sở giáo dục…

     

    Phát huy các kết quả đạt được, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục sắp xếp lại các trường, điểm trường, điều chỉnh lại số học sinh trên lớp và quy mô học sinh trên trường; tiếp tục giảm các trường và điểm trường; chuyển đổi mô hình một số cơ sở giáo dục công lập thực hiện tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn ở một số nơi có điều kiện; triển khai xây dựng các đề án tự đảm bảo chi thường xuyên với một số trường THPT…

    Đưa ra 1 số bài học kinh nghiệm để các công tác trên hiệu quả hơn trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Oanh kiến nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ tăng công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến quy định về số  học sinh, định mức số người làm việc, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý giáo dục, tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia,… kịp thời sửa đổi các quy định đẻ tạo hành lang pháp lý cho ngành...

    Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018, bà Vũ Thị Liên Oanh nhấn mạnh vai trò quan trọng của địa phương.

    Hiếu Nguyễn

  •  
    09:33 ngày 02/08/2018

     

    Tại đầu cầu Lào Cai, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh nhất trí cao với báo cáo toàn diện ề kết quả năm học của Bộ GD&ĐT, đồng thời trình bày sâu về Đề án 06 đổi mới căn bản toàn diện GD – ĐT, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Lào Cai với những kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân cho trẻ đến trường, xây dựng trường chuẩn quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học…

    Tỉnh Lào Cai đã quan tâm đến hệ thống trường bán trú và nội trú ở vùng cao, đầu tư để xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học, quyết tâm phấn đấu hết 11/2018 sẽ xây dựng đủ nhà vệ sinh đạt chuẩn cho học sinh; từ nay đến 2020, xóa toàn bộ phòng học tạm, phục vụ đổi mới chương trình, SGK trong thời gian tới…

    Lãnh đạo ngành giáo dục Lào Cai đề nghị Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ và giáo viên nhận thức về đổi mới, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên. Đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành kế hoạch triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó tỉnh Lào Cai sớm ban hành những kế hoạch thực hiện đồng bộ, bài bản.

    Về SGK, tỉnh Lào Cai mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành SGK mới cùng danh mục thiết bị để tỉnh chủ động đầu tư, chuẩn bị cơ sở vật chất.

    “Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa đến những quyết tâm, sáng tạo, những kết quả tích cực trong giáo dục của các địa phương để có sự ghi nhận, động viên kịp thời” - Ông Nguyễn Anh Ninh phát biểu. 

    Diệu Ngọc

  •  
    09:03 ngày 02/08/2018

    Điểm cầu Nghệ An có nhiều đại diện các sở, ngành cùng tham dự Hội nghị.

    Đầu cầu tại Nghệ An 

    Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 tại điểm cầu Nghệ An do ông Lê Minh Thông – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

    Ông Lê Minh Thông - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT. 

    Lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng các phòng ban liên quan cùng có mặt. Ngoài ra, còn có đại diện các sở, ngành khác trong tỉnh tham gia hội nghị.

    Năm học 2017- 2018, Nghệ An tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giữ vững giáo dục mũi nhọn, tăng cường công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT.

    Đặc biệt, có những chuyển biến rõ nét trong đổi mới giáo dục về: Quản lý giáo dục; thay đổi cách đánh giá, kiểm tra và thi cử theo hướng phát triển năng lực người học; đổi mới phương pháp giảng dạy...

    Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế tồn tại nhiều năm qua chưa giải quyết dứt điểm: về sáp nhập trường lớp; giải quyết dôi dư, thừa tiếu cục bộ giáo viên; xây dựng các mô hình đổi mới giáo dục; công tác quản lý thu chi…

    Phương hướng, nhiệm vụ trong năm học tới, ngành giáo dục Nghệ An sẽ tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý nhà nước, trong quản trị trường học; Đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo.

    Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục; chấn chỉnh công tác du học; Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo...

    Hồ Lài

  •  
    08:47 ngày 02/08/2018

    Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2018 – 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết:

    Năm học 2017 - 2018, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Nghị quyết số 88 năm 2014, Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và tập trung triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 05 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.  

     Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trình bày báo cáo

    Ngành Giáo dục tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của CP, TTgCP, các Phó TTgCP, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của ngành.

    Những kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2018-2019 được Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng báo cáo gồm các nội dung về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học: Rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD các cấp; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông;

    Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

    Tình hình thực hiện các giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong GD-ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ QLGD; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục.
    Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị, chỉ đạo của TTgCP về GDĐT; quán triệt địa phương thực hiện tốt Chỉ thị năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục.

    Ổn định những hoạt động đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.

    Giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất; giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu GV.  

    Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện CTr, SGK mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường Phổ thông.
    Đẩy mạnh việc tự chủ của các trường ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. 

    Các nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ QLGD; Đổi mới CTr giáo dục MN, PT; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT;

    Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý; Đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các CSGD; Hội nhập quốc tế trong GDĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

    Các giải pháp cơ bản: Hoàn thiện thể chế về giáo dục; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ QLGD; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD; Tăng cường công tác khảo thí và KĐCLGD; Đẩy mạnh công tác truyền thông.

  •  
    08:32 ngày 02/08/2018

    TP Cần Thơ:

     Đầu cầu TP Cần Thơ do ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ chủ trì.

    Chủ trì tại đầu cầu TP Cần Thơ có ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ; bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, quận, huyện; lãnh đạo các Trường ĐH, CĐ và Phòng GD&ĐT trên địa bàn.

    Quốc Ngữ

  •  
    08:29 ngày 02/08/2018

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ những kết quả nổi bật cùng những hạn chế, bài học kinh nghiệm của ngành giáo dục trong năm học 2017 - 2018, đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương trong từng vấn đề cụ thể.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đại biểu dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới, trên cơ sở đó cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả, đặc biệt là các định hướng lớn đối với các bậc học: 

    - Đối với giáo dục mầm non: Tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. 

    - Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

    - Đối với giáo dục đại học: Tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo ngày càng tăng. 

    Diệu Ngọc

     

  •  
    08:17 ngày 02/08/2018

    Sáng nay (2/8), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018.2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT và các điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở GD&ĐT chủ trì các điểm cầu địa phương.

    Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.

    Hiếu Nguyễn

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại - http://giaoducthoidai.vn

Xem thêm...