Mô hình VNEN là một bước chuyển cần thiết
Ngày đăng : 10-08-2017
TTO - GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định như thế, nhưng cũng cho rằng “VNEN chỉ nên là bước quá độ tiến đến chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Phương, Nha Trang, Khánh Hòa trong tiết học theo mô hình VNEN - Ảnh: V.HÀ |
-Tôi lấy ví dụ cụ thể là môn Toán trong mô hình VNEN cho dễ hình dung. Một môn học, tạm chia một cách cơ học bao gồm: nội dung chương trình; cách tiếp cận và tiến trình tổ chức dạy học (kể cả đánh giá giáo dục) để đạt được mục tiêu giáo dục của môn đó.
Theo cách nhìn đó, mô hình VNEN giữ nguyên nội dung chương trình giáo dục hiện hành, hầu như không thêm, bớt. Còn về cách tiếp cận và tiến trình dạy học, phải nhìn nhận một cách công bằng là mô hình VNEN có thể khắc phục những điểm yếu nhất của cách dạy truyền thống.
* Ông có thể so sánh cụ thể hơn về nhận định này không?
- Cách dạy truyền thống với chương trình giáo dục hiện hành quan tâm nhiều đến việc học sinh biết được kiến thức gì, giải các dạng bài như thế nào và lối dạy chủ yếu là thuyết giảng một chiều, học sinh ít có cơ hội được chủ động trong việc kiến tạo kiến thức.
Trong mô hình VNEN, mục tiêu đầu tiên là tăng tính chủ động cho người học thông qua quá trình tự kiến tạo, chiếm lĩnh kiến thức với sự hướng dẫn của giáo viên.
Mô hình VNEN cũng đưa ra hình thức học tập theo nhóm. Việc này góp phần tăng khả năng giao tiếp, tự chủ, tính tương tác giữa các học sinh, rèn khả năng trình bày mạch lạc - đây vốn là điểm yếu không chỉ của học sinh mà của người Việt Nam nói chung do cách dạy học truyền thống ít chú trọng.
Tư tưởng của mô hình trường học mới nguyên gốc mang tính nhân văn sâu sắc vì nó sẽ tạo ra sự dân chủ trong trường học, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh được học, được quan tâm, được thể hiện mình.
Mô hình dạy học truyền thống khó làm được như vậy. Trong một lớp học truyền thống, giáo viên thường quan tâm hơn đến các học sinh giỏi mà dễ bỏ quên những học sinh còn kém. Tâm lý “bị bỏ rơi” này sẽ ít đi với cách dạy học theo “đúng chuẩn” của VNEN.
* Ưu điểm nhiều thế, vì sao khi đưa vào áp dụng thực tế lại có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt, cho rằng mô hình này làm học sinh học kém đi, không phù hợp với điều kiện VN và mang nặng tính hình thức?
- Những gì tôi nói ở trên chỉ là đánh giá khách quan về những ý tưởng tốt đẹp của mô hình VNEN. Còn một mô hình tốt, áp dụng thành công hay thất bại còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố.
Giáo viên là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của bất kì mô hình giáo dục nào, kể cả mô hình VNEN. Giáo viên muốn đảm nhiệm đúng và tốt nhiệm vụ theo mô hình VNEN thì rất vất vả trong thời gian đầu. Các thầy cô sẽ phải thay đổi cách soạn giáo án, thay đổi phương pháp dạy học và quan trọng là thay đổi nếp nghĩ.
Trên thực tế, có những trường triển khai mô hình này hiệu quả, phụ huynh hoc sinh yên tâm, nhưng có những nơi thực hiện không tốt. Tôi cho rằng nguyên nhân lớn là ở việc tập huấn giáo viên không tốt khiến họ hiểu sai hoặc hiểu chưa thấu đáo, làm không đúng yêu cầu.
Tôi ví dụ có những giáo viên nghĩ học theo VNEN là cho học sinh quây lại với nhau theo nhóm. Học sinh tự bàn bạc, học với nhau, giáo viên không cần dạy gì. Nghĩ như thế thì rất nguy hiểm vì những học sinh học kém sẽ càng kém.
Một nguyên nhân nữa đó là công tác truyền thông làm chưa hiệu quả nên không chỉ giáo viên, nhà quản lý, mà phụ huynh và người dân đã hiểu không thật thấu đáo.
* Nếu khắc phục những điểm yếu này, theo ông liệu mô hinh VNEN có thể tiếp tục duy trì, mở rộng không?
- Quan điểm của tôi là mô hình VNEN chỉ nên là bước quá độ tiến đến chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì sao tôi nói như vậy? VNEN là một bước chuyển tiếp để từ chương trình giáo dục hiện hành chủ yếu tiếp cận nội dung kiến thức bước sang một chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Khi bắt đầu cho cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, bên cạnh VNEN, Bộ GD-ĐT cũng có nhiều thử nghiệm, nhiều sáng kiến khác được áp dụng nhằm tạo những bước chuyển để giáo viên, học sinh không bị sốc khi tiếp nhận chương trình mới.
Tôi ví dụ như những chỉ đạo dạy học tích hợp liên môn, dạy học gắn với thực hành, nghiên cứu sáng tạo, hoạt động trải nghiệm, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học (chương trình nhà trường)… Chính những kết quả đó là cơ sở thực tiễn để xây dựng một chương trình mới tiếp thu những thành công, ưu điểm.
Còn nhược điểm, thất bại là bài học để những người thực hiện chương trình mới lường trước, có giải pháp khắc phục. Tôi tin rằng khi xây dựng một chương trình mới, những thành công của VNEN và những sáng kiến đổi mới giáo dục khác đã được nghiên cứu, tiếp thu để đưa vào chương trình.
Và vì thế tôi nghĩ là cần cân nhắc thật thận trọng khi kéo dài VNEN như một mô hình giáo dục độc lập khác với mô hình giáo dục chung của toàn quốc khi toàn bộ nền giáo dục của đất nước ta đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
* Như vậy giữa chương trình giáo dục mới đang được xây dựng và mô hình VNEN cũng có những điểm giao thoa, tương đồng?
- Đúng vậy, những giáo viên, hoc sinh từng thực hiện tốt VNEN sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn với việc dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, cho phép học sinh bộc lộ sáng tạo cá nhân… Các nhà trường đã triển khai VNEN vẫn có thể tận dụng những ưu điểm của VNEN trong việc chủ động thiết kế chương trình giáo dục.
* Từ bài học của VNEN theo ông, có thể rút ra điều gì có ích khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nêu ra những điều kiện thực hiện. Tôi quan tâm nhiều đến vấn đề đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ giáo viên.
Ngoài ra, ở một đất nước trải dài với các vùng miền có địa lý khác nhau, nhiều dân tộc, điều kiện kinh tế xã hội, dân trí không đồng nhất thì phải đặc biệt quan tâm đến tính vùng miền, đến nội dung giáo dục địa phương.
Mà để làm tốt việc này, hạt nhân của nó là thúc đẩy phát triển chương trình nhà trường (tăng cường quyền chủ động cho nhà trường trên cơ sở khung chương trình chung). Theo đó, không riêng những ưu điểm của mô hình VNEN mà rất nhiều những thử nghiệm thành công khác trong quá trình dạy học có thể được các nhà trường vận dụng linh hoạt tùy theo điều kiện.
Những người soạn thảo chương trình như chúng tôi sẽ cố gắng triển khai quan điểm này và tôi tin nếu nó được đưa vào chương trình chính thức thì sẽ có sự chuyển động.
* Trở lại mô hình VNEN, theo ông trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc này nên như thế nào?
- Theo tôi cần có sự tổng kết bài bản trên cơ sở khảo sát, phân tích kĩ thực trạng, những cái gì là ưu điểm có thể tiếp thu nhân rộng, cái gì không phù hợp thì có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Cả những thất bại, những điều dư luận phản đối cũng cần nghiên cứu kĩ lưỡng nguyên nhân xem đó như bài học cho tiến trình đổi mới tiếp theo chứ không nên đóng lại hoặc để nơi nào có điều kiện thì làm, không có thì thôi.
Các tin khác
- Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (10/09/2012)
- Buổi Lễ tuyên dương các gia đình tiêu biểu nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6 (11/09/2012)
- Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết giữa LĐLĐ và Sở GDĐT (11/09/2012)
- Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới (11/09/2012)
- Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm 2011-2012 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2012-2013 (11/09/2012)