Năm 2014 qua đi với nhiều quyết sách mạnh mẽ, diện mạo ngành giáo dục liệu đã có thay đổi đột phá nào đáng kể? Ông Phạm Vũ Luận chia sẻ:
Giáo dục không phải là chỗ để triển khai các thí nghiệm, không chuẩn bị kỹ thì không được vội vã làm. Song nếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận thì không nên núp vào sự an toàn để cho phép mình do dự
- Sự chuyển động trong nhận thức, trong tư duy về đổi mới giáo dục như một mệnh lệnh cuộc sống đã thấm vào trong suy nghĩ, hành động của không chỉ những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mà của toàn xã hội.
Sự hưởng ứng của các thầy cô, các em học sinh khi Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường chính là điểm tựa để đổi mới giáo dục có những bước đi vững chắc. Ở khối phổ thông, nhà trường đã được giao chủ động để xây dựng kế hoạch học tập.
Ở khối ĐH, các trường được tự chủ và chịu trách nhiệm về hoạt động chuyên môn theo tinh thần Luật giáo dục ĐH, chứ bộ không can thiệp sâu như trước. Chương trình khung ĐH cũng đã được bỏ, các trường được khuyến khích, tạo động lực để gắn kết với doanh nghiệp, để sản phẩm đào tạo gần hơn với thị trường...
Không có chuyện chỉ xóa độc quyền về hình thức
* Quốc hội đã thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK). Vậy những công việc tiếp theo Bộ GD&ĐT sẽ phải tập trung thực hiện trong năm 2015 là gì, thưa bộ trưởng?
- Năm 2015, Bộ GD&ĐT sẽ phải tập trung tạo dựng “hành lang pháp lý” cần thiết cho việc xây dựng chương trình và làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK như thành lập ban biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, hội đồng thẩm định SGK, các tiêu chí đảm bảo chất lượng SGK, lựa chọn đơn vị, cá nhân có đủ điều kiện, uy tín để biên soạn một bộ SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì.
Bên cạnh đó sẽ ban hành các quy định liên quan tới việc thẩm định SGK, quy định lựa chọn SGK để các cơ sở giáo dục thực hiện...
* Việc xây dựng và thực hiện CT-SGK hiện hành chắc hẳn đã để lại nhiều bài học cho lần đổi mới này?
- Việc triển khai đổi mới CT-SGK phổ thông lần này phải huy động sự tham gia của các trường sư phạm. Bộ GD&ĐT đã làm việc kỹ với bảy trường sư phạm lớn nhất của đất nước.
Việc cùng tham gia xây dựng chương trình phổ thông, điều chỉnh chương trình, cách thức đào tạo giáo viên sẽ giúp các trường sư phạm xích lại gần nhau, gắn bó với thực tiễn giáo dục để tương lai có thể đáp ứng được việc đào tạo đội ngũ giáo viên đảm bảo yêu cầu mới.
Trong lần triển khai này cũng điều chỉnh cơ cấu thành phần ban soạn thảo chương trình và thành phần của hội đồng thẩm định CT-SGK, chú ý huy động giáo viên giỏi đang trực tiếp giảng dạy tại trường phổ thông, giảng viên các trường sư phạm.
Việc bổ sung và điều chỉnh tỉ lệ các thành phần tham gia biên soạn sẽ giảm tính hàn lâm, giảm những kiến thức quá khó, xa rời thực tiễn, chưa thật sự phù hợp với học sinh.
Chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm để chọn người vào vị trí chủ biên và tổng chủ biên để có cái nhìn xuyên suốt, bao quát, đảm bảo tính hệ thống, liên thông và phù hợp cho toàn bộ chương trình, các môn học...
* Dù đổi mới CT-SGK lần này có khác biệt lớn là xuất hiện thêm sự tham gia biên soạn sách của các tổ chức, cá nhân “ngoài bộ”, nhưng nhiều người nghi ngại đó chỉ là cách xóa độc quyền về hình thức, còn thực tế khó có bộ sách nào cạnh tranh nổi với sách “trong bộ”...?
- Trước hết, xin nhắc lại là việc mời các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng tham gia biên soạn nhiều cuốn SGK là đề nghị của Bộ GD&ĐT, nên không có chuyện chỉ xóa độc quyền về hình thức. Với bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức tập hợp các nhà giáo, nhà khoa học biên soạn, bộ sẽ phải có những quy định cụ thể mang tính bắt buộc về thành phần biên soạn, quy trình, cách thức, tiến độ, trách nhiệm...
Nhưng với các tổ chức, cá nhân khác tham gia biên soạn SGK thì Bộ GD&ĐT không can thiệp sâu mà chỉ hỗ trợ kỹ thuật nếu có yêu cầu. Ví dụ Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp tài liệu cần thiết, tổ chức tập huấn liên quan tới mục đích cần đạt được của CT-SGK theo định hướng phát triển năng lực...
Đổi mới giáo dục là sự nghiệp toàn dân
* Ngoài việc đổi mới CT-SGK phổ thông, bộ trưởng đang đặt lên bàn cân hành động năm 2015 những công việc trọng tâm nào?
- Trên cơ sở phát huy những kết quả đã có được từ năm 2014, sẽ tiếp tục triển khai đổi mới việc dạy việc học, kiểm tra đánh giá ở hệ thống giáo dục phổ thông. Đây là bước chuyển quan trọng, là tiền đề để các nhà trường tiệm cận với việc thực hiện CT-SGK mới sau này.
Bộ GD-ĐT cũng tăng cường chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT tham gia, tận dụng tối đa ưu điểm của “trường học kết nối”, mô hình trường học mới VNEN để tạo nên một sự chuyển động trên diện rộng cho việc đổi mới giáo dục phổ thông đáp ứng sự công bằng trong giáo dục.
Năm 2015, một trong những việc quan trọng tập trung nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị là tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia và đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ, chú ý phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc và vùng có điều kiện khó khăn.
Trong giáo dục ĐH cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đổi mới tổ chức quản lý; tăng cường sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các trường ĐH gắn chặt quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng vùng.
* Đổi mới giáo dục là yêu cầu cấp thiết, nhưng giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, nếu sốt ruột, vội vàng sẽ gây hậu quả khó lường mà bệnh thành tích trong giáo dục của một thời chính là minh chứng nhãn tiền. Là tư lệnh của ngành, bộ trưởng sẽ điều phối thế nào giữa hai thái cực: đổi mới là mệnh lệnh cuộc sống, còn giáo dục liên quan đến con người lại luôn cần những bước đi thận trọng, bình tĩnh, nhất là khi người dân đã quá dị ứng với hai từ “thí nghiệm”?
- Khi còn làm giảng viên Trường ĐH Thương mại, dạy về quản lý, về công việc người lãnh đạo, tôi luôn nhắc học viên của mình phải tỉnh táo lựa chọn và quyết định khi cuộc sống có những phạm trù tưởng như trái ngược nhau, rất xa nhau nhưng thực tế lại rất gần nhau: đó là sự chín chắn và bảo thủ, sự dũng cảm và liều lĩnh...
Quan điểm chỉ đạo chung của tôi là khẩn trương nhưng không nóng vội, thận trọng nhưng không chần chừ. Sự nghiệp đổi mới giáo dục cũng như sự nghiệp đổi mới kinh tế là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo.
Đừng nghĩ đổi mới giáo dục là cuộc chạy marathon của mình bộ trưởng hay của một số cán bộ chủ chốt của ngành. Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức và triển khai để hàng triệu thầy cô giáo, hàng chục triệu học sinh, sinh viên cùng đồng lòng “chạy tiếp sức” với mình, để lực lượng “cổ động viên” hùng hậu gồm ông bà, bố mẹ, anh chị em của học sinh, sinh viên cùng đồng hành, giúp đỡ.
Công cuộc đổi mới cũng rất cần được đánh giá một cách bình tĩnh, khách quan. Thật ra, nếu muốn chậm trễ đổi mới giáo dục cũng sẽ rất dễ tìm ra muôn vàn lý do để trì hoãn. Bản thân chúng tôi khi quyết tâm đổi mới thi cử, sáp nhập hai kỳ thi quốc gia làm một cũng không ít người “khuyên”: làm mạnh thế dễ bị rủi ro lắm!
Đúng là giáo dục không phải chỗ để triển khai các thí nghiệm, không chuẩn bị kỹ thì không được vội vã làm. Song nếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận thì không nên núp vào sự an toàn để cho phép mình do dự.
Những thay đổi gần nhất với một kỳ thi quốc gia đã được chúng tôi chuẩn bị với tinh thần như vậy, tuyệt nhiên không có thay đổi nào đột ngột, bất ngờ. Việc tổ chức thi theo cụm đã được thực hiện 13 năm qua, kỳ thi THPT quốc gia theo tinh thần của kỳ thi tuyển sinh ĐH do các trường ĐH chủ trì cũng đã thực hiện 13 năm nay rồi...
* Nhân dịp đầu năm 2015, là người đứng đầu ngành GD&ĐT, bộ trưởng gửi gắm gì đến các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước?
- Trước hết, tôi xin cảm ơn tất cả nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo trong năm 2014 đã gửi ý kiến góp ý, hiến kế việc đổi mới giáo dục, cảm ơn các thầy cô giáo đã đi đầu trong việc triển khai các mô hình, các phương pháp giáo dục hiện đại, tích cực, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, sát cánh cùng chúng tôi trong việc giải quyết những bất cập, hướng tới đổi mới giáo dục.
Nhiều thầy cô giáo công tác, dạy học ở vùng sâu vùng xa đang từng ngày phải vượt qua khó khăn để bám trường, bám lớp. Tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả về vật chất, về điều kiện làm việc, về gánh nặng trách nhiệm mà các thầy, cô giáo đang phải chấp nhận và vượt lên.
Về trách nhiệm của mình, tôi đã và vẫn đang cố gắng để góp phần làm vơi bớt những khó khăn, vất vả này, góp phần tạo điều kiện để các thầy cô giáo yên tâm hơn, chủ động, sáng tạo hơn trong công việc của mình.