Ngày: 12/06/2017
Năm học kết thúc bằng lễ bế giảng rộn ràng, hoành tráng. Chín tháng vất vả của thầy và trò, giờ đã đến ngày “thu hoạch”, còn gì vui và xúc động hơn trong buổi lễ đáng nhớ này. Sân trường rợp cờ hoa và giấy khen, phần thưởng. Gương mặt em nào cũng hớn hở, rạng rỡ nụ cười, ánh lên niềm vui khi cầm trên tay phần thưởng cuối năm học.
Phụ huynh càng vui, hãnh diện hơn sau 9 tháng đồng hành lo toan, vất vả cùng con em, giờ đây gia đình “gặt hái” được một niềm vui lớn, dù chỉ là tấm giấy khen nhỏ, phần thưởng trị giá không lớn mà nhà trường dành cho các em.
Thầy cô giáo, ban giám hiệu, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành cũng vui và tự hào khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi, xuất sắc của năm nay cao hơn năm trước, chất lượng giáo dục ngày càng đi lên.
Từng dòng học sinh nối nhau lên trên lễ đài nhận phần thưởng, sau mỗi đợt là một tràng pháo tay tán dương, chúc mừng.
Đang miên man trong tiếng nhạc dập dìu, chăm chú nhìn các em, bỗng một thầy giáo lớn tuổi, đập vai tôi, tâm sự:“Cách đây mười năm trở về trước, số lượng học sinh được khen thưởng ít hơn rất nhiều, quý hồ tinh bất quý hồ đa, không chạy theo số lượng và “loạn khen” như bây giờ.
Câu nói của thầy làm tôi cụt hứng vì bất ngờ, dường như nó bật ra không đúng lúc lắm. Nhưng ngẫm lại, đúng là như thế thật, trường tôi năm nay phát thưởng đúng 3 giờ đồng hồ, chưa kể các em đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến có điểm trung bình dưới 7,5, các em này nhận tại lớp vì số lượng quá đông, trường không thể trao thưởng cho tất cả trên lễ đài.
Khen nhiều, thưởng nhiều có nhân lên niềm vui thực sự khi nhà trường lấy tỷ lệ, lấy điểm số làm thước đo duy nhất? Thực tế không ít em được nâng điểm, vớt điểm để được khá, giỏi: số điểm trung bình môn từ 6,3, 6,4 nâng lên thành 6,5; 7,8, 7,9 nâng lên thành 8,0; nhất là nâng điểm trung bình các môn từ 7,9 lên loại giỏi, phải nâng hàng loạt môn.
Không phải là tất cả, nhưng đâu đó, sau kỳ thi là kỳ xin điểm, vớt điểm, thậm chí “cấy điểm”, “sạ điểm”, tất cả vì thành tích, vì làm vừa lòng mọi người từ lãnh đạo, phụ huynh đến học sinh. Có thầy cô vì phụ huynh, vì đồng nghiệp. Có thầy cô thì tự giác “nâng lên quách cho rồi” để người ta phải kêu, phải nhờ phiền phức, điểm vào sổ rồi khỏi phải sửa đi sửa lại lôi thôi.
Lại có thầy cô vớt điểm cho trò khá, giỏi vì trò đi học thêm nơi mình. Có thầy cô nâng điểm cho trò vì nếu không nâng sẽ bị lãnh đạo nhà trường soi xét, phán là “cay cú” trong đánh giá học sinh. Nói chung có 1.001 lý do để người ta nâng điểm, vớt điểm.
Nếu một trường trên một nghìn học sinh thì số lượng khen vớt, thưởng vớt không phải là ít. Đành rằng các em học 13, 14 môn, khống chế một môn, tạo điều kiện để động viên, khuyến khích các em cũng là việc nên làm.
Nhưng với cách đánh giá, cho điểm quá “thoáng” như hiện nay, ý nghĩa động viên dường như không còn nữa. Không phải là trường chuyên nhưng chuyện một lớp 90-100% khá, giỏi hiện nay không còn là chuyện hiếm.
Hiển nhiên, không việc gì phải sợ khen nhiều, nhưng chỉ sợ khen ảo, khen cào bằng. Và sợ nhất là phụ huynh ảo tưởng về năng lực của con em, các em tự ảo tưởng về mình, sinh ra thái độ chủ quan, tự mãn. Phấn đấu đạt thành tích cao nhất nhưng thành tích phải thực. Thành tích không nên là quả bóng bơm lên quá căng để đến khi nào đó nó nổ tung thì không cứu vãn được nữa.
Nghịch lý thay, thành tích ảo mà cao thường làm cho người ta dễ chịu, bằng lòng, tán dương hơn là thành tích thấp mà thật.
Hội chứng “lạm phát” học sinh khá, giỏi, khen thưởng tràn lan là biểu hiện “ảo giác” của bệnh thành tích. Ai đang mắc chứng “ảo giác” ấy? Xin thưa, không riêng gì nhà trường!