Chủ nhật, 05/01/2025 14:17:28
Chạy đua trường lớp từ... mẫu giáo

Ngày: 08/05/2016

Còn gần 2 tháng nữa mới tới lịch nộp hồ sơ đi học cho các con nhưng tôi đã chứng kiến khá nhiều pha trò chuyện thầm thì của phụ huynh, họ sôi nổi bàn bạc và nêu cao quyết tâm lo cho con vào trường mẫu giáo chuẩn quốc gia ở trung tâm thị trấn, lớp 1 phải kì công chọn lựa lớp có cô giáo dạy giỏi cấp thành phố đứng lớp mới yên tâm. Tôi biết được khá nhiều chiêu trò của phụ huynh: con trái tuyến thì lo nhờ người quen biết xin hộ, lúc nộp hồ sơ thì đóng phong bì hỗ trợ nhà trường lắp đặt điều hòa, mua thêm cây xanh, miễn là xin được 1 suất vào lớp điểm. Cứ người nọ nhìn người kia mà đua nhau, trường có tên tuổi cứ gọi là xếp hàng dài chen lấn nộp hồ sơ đến mướt mồ hôi, con vào được là bố mẹ mãn nguyện, yên tâm con mình được sung sướng và hưởng thụ môi trường giáo dục tốt nhất.

Chẳng những bố mẹ các em mà đến ông bà cũng cổ vũ tinh thần hăng hái, nhiều ông bà tuổi cao vẫn xung phong sáng chiều đưa đón các cháu đi học. Con cháu có bộ đồng phục trường điểm thì từ ông bà đến bố mẹ đều xuýt xoa "đúng là trường xịn có khác". Bọn trẻ con cũng lây nhiễm tính tự tôn khi chơi với nhau là khoe khoang "tớ học trường này nhé, cô giáo dạy tớ nhạc này, ngoại ngữ này, múa hát nhé, trường bạn có không?" Thế nên khi cố công chạy cho con vào trường xịn, nhiều bố mẹ hả hê, vui mừng ra mặt, mặc dù sau đó nhiều lúc méo mặt vì cõng thêm khá nhiều khoản phí, phụ thu các kiểu mà không dám hé răng kêu ca.

Những gia đình có điều kiện kinh tế thì sẵn sàng rút ví cho con không ngại ngần, chỉ cần con được vào lớp tốt nhất, được học cô giỏi nhất. Điều đáng nói là có không ít gia đình còn chật vật cũng sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc để lo cho con được vào ngôi trường danh giá, đầu tư cho con hết mức để mong con học giỏi từ bé. Con học giỏi thì mới mong thoát cảnh nghèo, lúc ấy con sẽ lo báo hiếu bố mẹ. Tôi thấy có nhiều bố mẹ lao ra đường kiếm tiền, tay trái tay phải đều hoạt động hết năng suất, lương thưởng, làm thêm cốt để có tiền cho con ăn học.

Mùa tuyển trường lớp thường khiến phụ huynh phát sốt vì cuốn theo guồng chạy đua chọn lựa chỗ học hành cho con cái. Mọi mối quan hệ thân sơ đều được lôi ra tận dụng triệt để. Thế mới biết, dân ta chuộng giáo dục vô cùng.

Tôi thường đứng ngoài lề cuộc chạy đua trường lớp này. Con đến tuổi đi mẫu giáo, cứ trường nào gần nhà nhất, thuận lợi cho việc đưa đón thì tôi duyệt. Công việc của vợ chồng tôi làm theo ca nên lo xong việc ăn sáng cho con đã gần 8 giờ sáng. Thậm chí có khi lo xong việc cơ quan thì đưa con đi đã gần 9 giờ sáng. Chẳng trường công lập nào chấp nhận học sinh đi muộn đến thế. Vậy là tôi cho con đi học trường tư thục, có nói trước về việc đi muộn của con với cô giáo. Trường con học không "hoành tráng" như trường mẫu giáo công lập, khuôn viên mộc mạc nhưng bù lại lớp học khá thoáng mát, sĩ số học sinh 20 cháu/lớp có 2 cô giáo trông nom. Tiền học của con cao hơn trường công lập chừng 300 ngàn, một mức phí tôi cho là thỏa đáng. Hoạt động ngoại khóa của ngôi trường nhỏ mà con theo học cũng phong phú với những buổi tổ chức trung thu, Noel, khai giảng - bế giảng với những màn múa hát của cô trò khá đẹp mắt.

Khi con vào lớp 1, mọi người hỏi tôi có xin cho con vào lớp chọn không. Tôi bảo: "Cháu vào lớp nào cũng được, em không xin xỏ gì" thì mọi người rất ngạc nhiên, cho rằng tôi thờ ơ với việc học của con. Trong lúc mọi người đôn đáo tìm lớp, chọn cô cho con theo học thì tôi cứ ung dung ở nhà chơi đùa với bọn trẻ con, đến ngày nhập học thì lo mua sách bút đồ dùng cho con đầy đủ. Một số phụ huynh khi thấy con xếp vào lớp thường là cuống lên lo chạy chọt chuyển lớp cho con. Lớp 1 có gì mà đáng lo thế nhỉ?

Hộ khẩu gia đình tôi vẫn ở trên Sóc Sơn, trong khi hai vợ chồng công tác dưới Đông Anh. Mọi người khuyên nên chuyển hộ khẩu xuống dưới này cho tiện việc học của con. Sau này lên cấp 2, cấp 3 trái tuyến trường không nhận hồ sơ thì con phải về quê học. Khi tôi căn vặn "Sao em thấy có ối người lao động di cư, đi thuê nhà vẫn xin được học cho con ở đây, em chả lo. Con em vào lớp vét cũng được". Mọi người lắc đầu cho tôi là phụ huynh lập dị, có một không hai vì chả thiết tha gì đến việc chạy trường chạy lớp cho con. Con học lớp nào, trường nào mẹ cũng gật đầu, miễn là con đến lớp vui vẻ, thoải mái.

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

st
Tin liên quan