Ngày: 25/03/2017
Journal of Information and Telecomunication (JIT) là tạp chí bình duyệt quốc tế và xuất bản bài báo khoa học chất lượng cao, bao gồm tất cả các khía cạnh của lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật thông tin và viễn thông. Trường ĐH Tôn Đức Thắng là nhà sáng lập, chủ sở hữu và nhà tài trợ duy nhất của tạp chí.
TS Lê Vinh Danh - hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Chúng tôi đã có ý định xây dựng một tạp chí tiếng Anh online có tầm cỡ, được những nhà khoa học hàng đầu lãnh đạo cách đây 5 năm. Từ thời điểm đó đến nay, cả nước chỉ có một tạp chí duy nhất của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam được vào danh mục SCOPUS, không có tạp chí nào trong danh sách ISI. Sau hơn 1 năm chuẩn bị thì chúng tôi chính thức ra mắt tạp chí này bởi một nhà xuất bản rất uy tín. Mục tiêu của chúng tôi trong vòng 3-5 năm tới sẽ lọt vào danh mục của ISI và SCOPUS”
Tạp chí này xuất bản định kỳ mỗi năm 4 số, mỗi số tối thiểu 6 bài báo khoa học. Chất lượng bài báo được đăng trên JIT tương đương với bài báo trên tạp chí trong danh mục SCOPUS (cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học).
Nói thêm về tạp chí này, Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành, Tổng biên tập JIT cam kết, việc bình duyệt các bài báo sẽ minh bạch và duy trì các tiêu chuẩn đánh giá cao nhất. Mỗi bài báo được bình duyệt 3 lần bởi các biên tập viên độc lập.
“Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều có thể tham gia viết bài. Các nhà nghiên cứu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng được đối xử bình đẳng như các nhà nghiên cứu khác. Các bài báo đều được bình duyệt qua ba lần bởi các biên tập viên độc lập vì điều này “động” đến uy tín và danh dự cá nhân tôi”, GS Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, trước mắt tạp chí sẽ dựa vào uy tín của Nhà xuất bản Taylor & Francis để kêu gọi các nhà khoa học viết bài. Đây là nhà xuất bản ra đời năm 1798, chuyên xuất bản khoa học. Nhà xuất bản này hiện có trên 2.300 tạp chí bình duyệt và xuất bản hơn 6.000 cuốn sách mỗi năm.
Hiện tại, số xuất bản đầu tiên của JIT có 6 bài báo của các nhà khoa học đến từ Mỹ, Hà Lan, Anh, Đài Loan, Ba Lan và Việt Nam.
Dịp này, trường ĐH Tôn Đức Thắng chính thức đưa hệ thống Máy tính hiệu năng cao vào sử dụng cho các đề tài nghiên cứu khoa học. "Siêu máy tính" có thể thực hiện các phép tính siêu nhanh lên đến 41.780 tỷ phép tính/giây.
Tổng vốn đầu tư cho hệ thống này trị giá 2 triệu USD tương đương gần 50 tỷ đồng. Hệ thống này có thể thực hiện 41.780 tỷ phép tính/giây, điều này cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện các bài toán phức tạp siêu nhanh, chuẩn xác hơn.
TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi có nghĩ đế hệ thống máy tính này nhưng khi đó kinh phí không có. Hơn nữa, mua rồi cũng không có con người sử dụng, lúc đó, chỉ có hai nhóm nghiên cứu có khả năng sử dụng nên đầu tư sẽ không hiệu quả. Hiện nay, số nhóm nghiên cứu lên đến 37 nhóm, chúng tôi đầu tư để phát triển nghiên cứu và các nhà khoa học cũng phải cam kết sử dụng có hiệu quả. Chỉ tiêu tối thiểu số bài báo công bố quốc tế trong 5 năm (2017 đến hết năm 2021) là 820 bài ISI; phát triển khoa học tính toán thành ngành đào tạo và nghiên cứu mũi nhọn”.
Hệ thống “siêu máy tính” được giữ trong phòng máy lạnh đúng chuẩn, đảm bảo nguồn điện 24/24, có hệ thống chữa cháy bằng khí để lưu giữ dữ liệu khi gặp sự cố.
Lê Phương