Chủ nhật, 22/12/2024 13:49:28
Những biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém môn Toán

Ngày: 07/08/2018

Học sinh yếu kém về toán là những học sinh có kết quả học tập toán thường xuyên dưới trung bình. Việc lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng cần thiết ở những học sinh này thường đòi hỏi nhiều công sức và thời gian so với những học sinh khác.

Sự yếu kém toán có những biểu hiện nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng nhìn chung thường có 5 đặc điểm:

• Nhiều "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng.

• Tiếp thu kiến thức, hình thành kĩ năng chậm.

• Năng lực tư duy yếu.

• Phương pháp học tập toán chưa tốt.

• Thờ ơ với giờ học trên lớp, thường xuyên không làm bài tập ở nhà.

Giáo viên cần nắm vững 5 đặc điểm này để có thể giúp đỡ học sinh yếu kém một cách có hiệu quả. Việc giúp đỡ học sinh yếu kém cần được thực hiện ngay cả trong những tiết học đồng loạt, bằng những biện pháp phân hóa nội tại thích hợp. Về nguyên tắc đó là phương hướng chủ yếu khắc phục tình trạng yếu kém trong học toán.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu suất giờ lên lớp, giáo viên cần có tách riêng nhóm học sinh yếu kém toán (ngoài giờ chính khóa). Bài viết này chỉ trình bày hình thức giúp đỡ này.

Mục đích việc giúp đỡ tách riêng nhóm học sinh yếu kém toán là làm cho diện này theo kịp yêu cầu chung của những tiết học trên lớp và có thể hòa vào việc dạy học đồng loạt.

Nội dung giúp đỡ nhóm học sinh yếu kém nên nhằm vào những phương hướng sau:

• 1 Tạo tiền đề xuất phát

• 2 Lấp "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng

• 3 Luyện tập vừa sức

• 4 Rèn luyện kĩ năng học tập

• 5 Tài liệu tham khảo

• 6 Chú thích

• 7 Xem thêm

• 8 Bài liên quan

Tạo tiền đề xuất phát

Việc học tập có kết quả trong một tiết học thường đòi hỏi những tiền đề nhất định về trình độ kiến thức, kĩ năng sẵn có của học sinh. Thế nhưng với học sinh yếu kém nhiều khi chưa có đủ những tiền đề này và giáo viên phải giúp các em tạo tiền đề xuất phát cho những tiết trên lớp.

 

 

Đối với diện học sinh yếu kém, trong hai hình thức tái hiện: tái hiện tường minh và tái hiện ẩn tàng, nên dùng nhiều hình thức thứ nhất, tức là nói rõ kiến thức, kĩ năng cần ôn luyện là nhằm chuẩn bị cho việc học nội dung nào trong buổi học chính khóa sắp tới. Làm như vậy là để tăng cường hiệu lực hướng đích và gợi động cơ, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh đối với bài học.

Lấp "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng

Kiến thức có nhiều "lỗ hổng" là một "bệnh" phổ biến của học sinh yếu kém toán. Việc tạo tiền đề xuất phát cũng chính là nhằm lấp lỗ hổng kiến thức và kĩ năng, nhưng chỉ để phục vụ cho một nội dung sắp học. Còn trong mục này, việc "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng được đề cập một cách tổng quát, không phụ thuộc ý đồ chuẩn bị cho một bài học cụ thể nào.

Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên quan tâm phát hiện và phân loại những lỗ hổng kiến thức, kĩ năng của học sinh. Những lỗ hổng nào điển hình mà trên lớp chưa đủ thời gian khắc phục thì cần có kế hoạch tiếp tục giải quyết trong nhóm học sinh yếu kém.

Thông qua quá trình học lý thuyết và làm bài tập của học sinh, giáo viên cũng cần tập cho học sinh, kể cả học sinh yếu kém có ý thức tự phát hiện những lỗ hổng của bản thân mình và biết cách tự lấp những lỗ hổng đó.

• Với những lỗ hổng kiến thức (quên) thì cần tra cứu sách vở, tài liệu và ghi lại nhiều lần ra nháp, sổ tay.

• Với những lỗ hổng kĩ năng thì cần luyện tập nhiều, giải nhiều bài tập cùng loại.

Luyện tập vừa sức

Đối với học sinh yếu kém, giáo viên nên coi trọng tính vững chắc của kiến thức, kĩ năng và tăng cường luyện tập vừa sức.

Trong những tiết học đồng loạt, việc luyện tập được thực hiện theo trình độ chung, nhiều khi không phù hợp với khả năng học sinh yếu kém. Vì vậy khi làm việc riêng với nhóm học sinh yếu kém, cần dành thời gian để các em tăng cường luyện tập vừa sức mình. Và lưu ý những điều sau đây:

• Đảm bảo học sinh hiểu đầu bài tập: Học sinh yếu kém nhiều khi vấp ngay từ bước đầu tiên, không hiểu bài toán nói gì đó đó không thể tiếp tục quá trình giải toán. Vì vậy, giáo viên nên lưu ý giúp các em hiểu rõ đầu bài, nắm được cái gì đã cho, cái gì cần tìm/cần chứng minh, tạo điều kiện cho các em vượt qua sự vấp váp đầu tiên đó.

• Gia tăng số lượng bài tập cùng thể loại và mức độ: Để hiểu một kiến thức, rèn luyện một kĩ năng nào đó, học sinh yếu kém cần những bài tập cùng thể loại và mức độ với số lượng nhiều hơn so với các em khá giỏi và trung bình. Phần gia tăng này được thực hiện trong những tiết làm việc riêng với nhóm học sinh yếu kém toán. Chẳng hạn giáo viên có thể ra cho học sinh rất nhiều bài tập giải phương trình bậc hai với hệ số mà không sợ "nhàm" như trường hợp học sinh khá giỏi.

• Sử dụng những mạch bài tập phân bậc mịn: Việc sử dụng những mạch bài tập phân bậc trong dạy học toán nói chung là đáng làm, riêng với nhóm học sinh yếu kém toán thì cần phân bậc mịn hơn so với trình độ chung, tức là khoảng cách giữa hai bậc liên tiếp không nên quá xa, quá cao. Ta hình dung rằng nhiều bậc của học sinh yếu kém có thể gộp lại thành một bậc cho học sinh trung bình hoặc khá giỏi.

Được bước theo những bậc thang vừa sức với mình, học sinh yếu kém sẽ đỡ bị hẫng, bị hụt, bị ngã từ đó có nhiều khả năng leo hết các nấc thang dành cho họ để chiếm lĩnh được kiến thức, kĩ năng mà chương trình yêu cầu. Những nấc thang đầu dù có thấp, những bước chuyển bậc dù có ngắn nhưng khi học sinh thành công sẽ tạo nên một yếu tố tâm lý rất quan trọng: các em sẽ tin vào bản thân, tin vào sức mình, từ đó có đủ nghị lực và quyết tâm vượt qua tình trạng yếu kém.

Rèn luyện kĩ năng học tập

Yếu về kĩ năng học tập là một tình hình phổ biến của học sinh yếu kém toán. Hơn nữa, có thể nói rằng đó là nguyên nhân của tình trạng yếu kém đối với một bộ phận trong những học sinh diện này. Vì vậy, một trong những biện pháp khắc phục tình trạng học sinh yếu kém là giúp đỡ các em về phương pháp học tập.

Ngoài việc hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng học tập môn toán, mục này chỉ lưu ý một điều là đối với học sinh yếu kém, cần bồi dưỡng cho các em ngay cả những hiểu biết sơ đẳng về cách thức học tập toán như:

• nắm được lý thuyết mới làm bài tập

• đọc kĩ đầu bài

• vẽ hình sáng sủa

• viết nháp rõ ràng

Đặc biệt, giáo viên cần đấu tranh kiên trì với những thói quen xấu của học sinh như: chưa học lý thuyết đã lao vào làm bài tập, không đọc kĩ đầu bài trước khi làm bài tập, vẽ hình cẩu thả, viết nháp lộn xộn,...

Trần Văn Tấn
Tin liên quan