Chủ nhật, 22/12/2024 19:45:16
CHUYÊN ĐỀ: CÔNG LAO CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ngày: 08/04/2018

I. TÓM TẮT QUÁ TRÌNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC

 

Nguyễn Ái Quốc (hồi nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sau là Nguyễn Tất Thành) sinh ngày 19-5-1890, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, lớn lên từ một miền quê có truyền thống đấu tranh quật khởi, lại được chứng kiến sự thất bại của một loạt các cuộc đấu tranh chống Pháp, được tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng đương thời; vì vậy, ngay từ sớm, người đã có tinh thần yêu nước thương nòi. Năm 15 tuổi, Người đã tham gia công tác bí mật, làm liên lạc cho một số nhà nho yêu nước lúc bấy giờ. Mặc dù rất coi trọng các cụ  - Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, nhưng người không đi theo con đường của các cụ, không theo phái Đông Du sang Nhật, mà sang các nước phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật hiện đại, hấp dẫn (1).

Xuất phát từ lòng yêu nước và trên cơ sở rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng tiền bối, Ngày 5-6-1911, với bí danh Văn Ba phụ bếp dưới tàu buôn Đô Đốc Amiral Latouche Tresville của hãng Charguirs Resunes, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

 

Ảnh: Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh tư liệu: TTXVN

 

II. QUÁ TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC, ĐẾN VỚI CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN (1911-1920)

   - Khác với các thế hệ thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ XX hướng về Nhật Bản, Nguyễn Ái Quốc quyết định sang phương Tây nhằm “tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào mình (2)”.

   - Từ năm 1911 đến năm 1917, Người đã đi qua nhiều nước khác nhau ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ, làm nhiều nghề khác nhau để sống và học tập. Trong quá trình đó, người đã hiểu rõ tâm địa tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc và nguyện vọng khát khao muốn độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức. Đây chính là cơ sở đầu tiên giúp người dễ dàng tiếp thu quan điểm về giai cấp và giải phóng giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin sau này.

 

(1): Chủ Tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta (NXB Lao động - 2005)

(2): Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Lao động - 2002)

   - Từ năm 1917-1919: Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp (1917); Người ra nhập Đảng xã hội Pháp (1919). Lập ra Hội những người Việt Nam yêu nước. Lấy tên là Nguyễn Ái Quốc; Người gửi đến hội nghị VécXây Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919).

   - Năm 1920: Người tìm thấy ở “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin con đường giải phóng dân tộc. Tại đại hội Tua, Người đọc tham luận tố cáo tội ác của thực dân Pháp, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp.

 

III. VAI TRÒ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC TRONG VIỆC CHUẨN BỊ VỀ CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG VÀ TỔ CHỨC ĐỂ THÀNH LẬP CHÍNH ĐẢNG CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN Ở VIỆT NAM

   - Năm 1921-1923: Người sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa (1921). Tham gia Đại hội lần thứ I và lần thứ II của Đảng cộng sản Pháp (1921-1922). Phụ trách, kiêm chủ bút tờ báo Người cùng khổ (1922-1923). Sáng lập tờ báo Việt Nam hồn (1923).

   - Từ 1923-1924: Người rời Pháp đi Liên Xô, dự Hội nghị quốc tế nông dân (1923). Tham gia Đại hội lần thứ V của quốc tế Cộng sản (1924).

   Ngoài ra, Người còn viết nhiều bài cho báo Nhân Đạo, Đời sống công nhân và viết cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”- đòn tấn công quyết liệt vào chủ nghĩa thực dân Pháp.

   - Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (chủ yếu trên mặt trận tư tưởng, chính trị) nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta. Thời gian này tuy chưa thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam, nhưng những tư tưởng Người truyền bá sẽ làm nền tảng tư tưởng của Đảng sau này. Đó là:

+ Chủ nghĩa tư bản, đế quốc là kẻ thù chung của giai cấp vô sản các nước và nhân dân các thuộc địa. Chỉ có làm cách mạng đánh đổ chủ nghĩa tư bản, đế quốc mới giải phóng được giai cấp vô sản và nhân dân các thuộc địa. Đó là mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng chính quốc và thuộc địa.

+ Xác định giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng nòng cốt của cách mạng.

+ Giai cấp công nhân có đủ khả năng lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng cộng sản.

   - Từ 1924-1927: Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu- Trung Quốc (1924), người mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, sáng lập Việt Nam cách mạng thanh niên đồng chí hội (1925). Xuất bản tờ báo Thanh Niên và tác phẩm Đường Kách Mệnh. Người tham gia sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.

   - Từ 1927-1929: Người rời Trung Quốc (1927), qua Liên Xô, Người đi dự Hội nghị chống chiến tranh đến quốc ở Bruyxen (Bỉ). Sau đó người qua Thụy Sĩ, I-ta-li-a, Thái Lan… ở Thái Lan (1928-1929), Người tổ chức giáo dục Việt Kiều yêu nước, Cho xuất bản tờ báo Thân ái.

   - Năm 1930: Người chủ tọa Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam (Sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) ngày 3-2-1930. Hội nghị thông qua chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng.

 

VI. VAI TRÒ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC- HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

1. Từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo cách mạng trong nước

   - Từ 1930-1933: Từ Trung Quốc, người chỉ đạo cách mạng trong nước. Người là đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Người tham gia xây dựng phong trào cách mạng ở một số nước Đông Nam Á. Đế quốc Anh hoảng sợ bắt giam người trái phép tại Hương Cảng (6-1931). Mùa xuân năm 1933, Người được trả tự do.

   - Từ 1933-1938: Người đi Liên Xô, học ở trường Quốc tế Lênin, công tác ở viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Người dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (1935).

   - Từ 1938-1939: Nguyễn Ái Quốc trở về Trung Quốc theo dõi và gửi thư nêu ý kiến chỉ đạo đúng đắn cuộc vận động dân tộc dân chủ trong nước.

   - Năm 1940: Người xuống Hoa Nam chuẩn bị điều kiện về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

2. Nguyễn Ái Quốc về nước cùng với trung ương Đảng chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1940-1945)

   - Năm 1941: Người về Pác Bó, triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt minh), xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

   - Từ 1942-1943: Người sang Trung Quốc liên lạc với các lực lượng cách mạng chống Nhật của người Việt Nam ở đó, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam qua nhiều nhà tù (từ 8-1942 đến 9-1943). Trong thời gian đó Người đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù”.

   - Năm 1944: Người trở về Cao Bằng, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

   - Năm 1945: Ở Tân Trào, Người họp Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định tổng khởi nghĩa: chủ tọa quốc dân đại hội. Cách mạng tháng tám thành công, ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử.

3. Hồ chủ tịch cùng với trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954

 

   - Năm 1945: Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn dân chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm (10-1945).

  - Năm 1946: Người được bầu làm chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 5-1946, người sáng lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt). Người đi thăm Pháp với tư cách là thượng khách của chính phủ Pháp. Sau Hiệp định sơ bộ, Hội nghị Phôngtenơblô không đạt kết quả do thái độ ngoan cố của Pháp, ngày 19-12-1946 Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. - Năm 1947-1950: Đầu năm 1947 người lên Việt Bắc cùng Trung ương Đảng chỉ đạo toàn quốc kháng chiến. Viết cuốn Sửa đổi lối làm việc (1947). Ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước (5-1948). Tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước, được nhiều nước hưởng ứng (1950).

   - Năm 1951: Hồ Chủ tịch đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) và được bầu làm chủ tịch Đảng lao động Việt Nam.

   - Từ 1952-1954: Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng chủ trương chỉnh Đảng, chỉnh quân, chỉnh đốn công tác quần chúng (1952). Chủ trương cải cách ruộng đất (1953). Quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (1954).

 

4. Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh của toàn dân, nhằm thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà

   - Năm 1954: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, Người ra lời kêu gọi đồng bào đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.

   - Năm 1955: Nhân dân Hà Nội đón mừng Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô sau những năm kháng chiến.

- Năm 1955-1965: Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc khôi phục kinh tế (1955-1957), công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc (1958-1960), kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Người lần lượt đi thăm các nước Xã hội chủ nghĩa và một số nước khác ở Châu á và Châu Âu. Người dự hai Hội nghị quốc tế của các Đảng Cộng sản và công nhân (1957,1960). Người trình bày trước Quốc hội Bản dự thảo Hiến Pháp sửa đổi (1958). Viết bài “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”(1960). Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (5-9-1960). Người đọc báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964).

5. Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta (1965-1969)

   -  Năm 1965-1968: Hồ Chủ tịch chỉ rõ “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước” (20-7-1965). Trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (17-7-1966), Người khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người viết bài Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc (1967).

   - Năm 1969: Hồ Chủ tịch viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ đạo thảo Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao và viết Lời nói đầu cuốn Điều lệ đó. Người gửi lời chào mừng đến chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam mới thành lập. Ngày 20-7-1969, Người ra Lời kêu gọi  nhân ngày 20-7 kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1969, Hồ Chủ tịch qua đời, để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử.

 

 

Ngọ Văn Tuấn
Tin liên quan