Thứ hai, 23/12/2024 05:40:36
ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH

Ngày: 11/05/2015

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách. Đội là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Đội lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho đội viên, giúp đỡ đội viên phát triển mọi khả năng trong học tập hoạt động, vui chơi, thực hiện quyền và bổn phận theo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đoàn kết, hợp tác với các tổ chức, phong trào thiếu nhi ở khu vực và thế giới vì những quyền của trẻ em, vì hòa bình, hạnh phúc của các dân tộc.

Khẩu hiệu của Đội

"Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!"

Lời hứa: của đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

1) Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy:

Điều 1:            Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Điều 2:            Học tập tốt, lao động tốt.

Điều 3:            Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Điều 4:            Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Điều 5:            Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

2) Tuân theo Điều lệ Đội

3) Giữ gìn danh dự Đội

Nhiệm vụ: của đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

1) Thực hiện Điều lệ, Nghi thức Đội và chương trình đội viên, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, công dân tốt, đoàn viên Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

2) Làm gương tốt cho nhi đồng noi theo, giúp đỡ nhi đồng và thiếu niên trở thành đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

    Bác Hồ, vị lãnh tụ của Đảng và Trung ương Đảng luôn luôn quan tâm đến việc tập hợp tuổi trẻ vào tổ chức để làm cách mạng cứu nước. Từ 20 đến 26/3/1931 tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai, Đảng có những quyết định về công tác thanh niên, và Đoàn được giao phụ trách Thiếu nhi.

Ngay từ sau ngày Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, vào những năm 1930 ở các địa phương đã có các đội thiếu niên ra đời để hoạt động theo các tổ chức cách mạng của Đảng, chống thực dân Pháp mang tên Đội thiếu niên nhi đồng Tử Quân. Đội thiếu nhi Canh Đế, Đội Thiếu nhi Xích Vệ ở Từ Trưng, Thượng Trưng (Vĩnh Tường) hoặc các nơi khác có Hồng Nhi Đội... Các đội thiếu nhi đã tập hợp được những em gan dạ, tháo vát để làm nhiệm vụ giao thông, liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng.

Năm 1941, Bác Hồ từ nước ngoài trở về sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương đảng vào tháng 5/1941 đã mở ra giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam. Mặt trận Việt Minh ra đời để đoàn kết nhân dân đánh Tây đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên ra đời vào 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã được Mặt trận Việt Minh coi là một thành viên và Đội hoạt động theo Điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: "... Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập".

Ngày 15/5/1941 mãi mãi sáng chói trong trang lịch sử Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Ngày ấy ở gần hang Pắc pó xuôi dòng suối Lênin, dưới chân núi Thoong Mạ, ở thôn Nà Mạ có năm thiếu niên là Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Văn Tịnh, Lý Thị Nạ, Lý Thị Xậu. Được anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để lập thành Đội Nhi đồng cứu quốc theo quyết định của Đảng. Đội có mục đích là "Đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà" với nhiệm vụ: làm giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng...". Để đảm bảo bí mật, tổ chức cũng đã đặt bí danh cho các đội viên. Dền mang bí danh Kim Đồng, Thàn là Cao Sơn, Tịnh là Thanh Minh, Xậu là Thanh Thủy, Nì là Thủy Tiên và cuộc họp đã bầu Kim Đồng làm đội trưởng. Cuối buổi lễ, cả 5 đội viên được kết nạp đã làm lễ tuyên thệ trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật, dù có phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân và cách mạng. Thế là Đội Nhi đồng cứu quốc chính thức được thành lập (sau  này gọi là Đội Thiếu niên cứu quốc).

Từ sau tháng 5/1941 các Đội thiếu nhi cứu quốc ở mọi nơi được thành lập để tham gia cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945.

    Lúc này các tổ chức thiếu nhi cả nước được gọi chung là Hội Thiếu nhi cứu quốc, mỗi đơn vị gọi là một Đội. Ở khắp nơi các đội thiếu nhi đều tích cực tham gia các hoạt động cách mạng cùng với cha anh và tham gia các hoạt động xã hội như: dạy bình dân học vụ, cổ động, tham gia sản xuất, tiết kiệm hoặc bảo vệ mọi trật tự trị an, giúp đỡ bộ đội, tự vệ. Ngày 02/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lich sử, khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

Tháng 9/1945, Bác Hồ viết thư cho thiếu nhi cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thư, Bác căn dặn "...Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, giặc Pháp lại xâm lược nước ta một lần nữa. Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp.

Các Đội thiếu nhi cứu quốc đã làm theo lời Bác tham gia kháng chiến. Nhiều đội thiếu niên đã lập công xuất sắc làm sáng ngời trang sử vàng của Đội thiếu nhi Hoàng Văn Thụ. Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội tình báo thiếu niên Thành Huế, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng (Hà Sắc0, Đội thiếu niên du kích Kiến an, Đội thiếu nhi Đồng Tháp Mười, Đội Thiếu nhi Phản Đế và các đội thiếu nhi ở Sàigòn... và nhiều anh hùng liệt sĩ thiếu niên như Lê văn Tám (Sàigòn), Dương Văn Nội (Hà Nội), Vừ A Dính (Lai Châu), Phạm Ngọc Đa (Kiến An), Nguyễn Văn Thu (Quảng Ninh) xuất hiện trở thành gương sáng cho các thế hệ mai sau.

    Vào tháng 2/1948 Bác Hồ đã gửi thư căn dặn thiếu  nhi cả nước ta làm công tác Trần Quốc Toản. Từ đó, một phong trào lớn của Đội ra đời để giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ, neo đơn. Đến nay công tác Trần Quốc Toản đã trở thành phng trào truyền thống của Đội ngày càng phát triển và có ý nghĩa xã hội rộng lớn.

Trong những năm kháng chiến cho đến ngày hòa bình lập lại, tổ chức Đội ở các địa phương ngày càng phát triển, phong trào của Đội mở rộng dành được những kết quả mới. Ở các tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc, quân khu Ba đã mở các Đại hội "thiếu nhi gương mẫu".

Tháng 3/1951, Đội thiếu nhi cứu quốc được đổi tên thành Đội thiếu nhi tháng Tám.

Năm 1954, hòa bình lập lại, nhưng nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt nước ta và phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Từ đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vừa đấu tranh thống nhất Tổ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

    Miền Bắc hòa bình, trẻ em được cắp sách đến trường. Tổ chức Đội phát triển mạnh đến các thôn xóm, bản làng và các trường học. Các phong trào của Đội cũng phát triển mạnh mẽ với các phong trào "Vì miền Nam ruột thịt", "Đi thăm miền Nam".

Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 2, ngày 4/11/1956 Đội được đổi tên là Đội Thiếu niên tiền phong. Đến năm 1961, các em ở lứa tuổi nhi đồng được tổ chức vào Đội nhi đồng tháng Tám.

Năm 1958 HTX Măng Non Thạch Khối (Hải Hưng) được thành lập, mở đầu cho phong trào xây dựng hợp tác xã Măng non ở miền Bắc. Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn (Hà Bắc) đã trở thành điển hình của phong trào, được Bác Hồ gửi thư khen vào năm 169.

Ngày 02/12/1958, Bác Tôn Đức Thắng - Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 2- đã viết thư hoan nghênh sáng kiến của thiếu nhi Hải Phòng và Sơn Tây, đề nghị Quốc hội và chính phủ cho phép thiếu nhi mở phong trào làm kế hoạch nhỏ, xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong ở Hải Phòng. Ngày 30/5/1959, Nhà máy nhựa mang tên đội khánh thành, Ban giám đốc đã trao cho đoàn đại biểu thiếu nhi  miền Bắc 18.000 đồ chơi - sản phẩm của nhà máy để trao tặng cho các bạn thiếu nhi miền Nam.

Ngày 15/5/1961, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội, Bác Hồ đã căn dặn các cháu thiếu niên nhi đồng 5 điều, từ đó đến nay 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

- Học tập tốt, lao động tốt

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

- Giữ gìn vệ sinh thật tốt

- Khiêm tốn, thật thà dũng cảm

Năm 1961, phong trào "Nghìn việc tốt" của Đội xuất hiện ở Tam Sơn, Hà Bắc và phát triển khắp các địa phương trở thành một phong tràolớn của Đội cho đến nay, với nội dung: "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ".

Ngày 20/12/1961 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong ở miền Nam được thành lập và phong trào "Việc nhỏ chí lớn chống Mỹ cứu nước" của thiếu nhi miền Nam phát triển theo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thiếu nhi cả hai miền đã lập nên những chiến công xuất sắc.

Ngày 15/5/1966, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đội, Bác Tôn Đức Thắng thay mặt Đảng và Nhà nước đã trao cho đội lá cờ thêu  nhiệm vụ của Đội trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

"Vâng lời Bác dạy,

Làm nghìn việc tốt

Chống Mỹ cứu nước

Thiếu niên sẵn sàng".

   Ngày 30/4/1970, sau ngày Bác Hồ đi xa, thể theo nguyện vọng của thanh niên, đoàn viên, đội viên, thiếu nhi cả nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết trao cho Đoàn và Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu và từ đó đến nay Đội được mang tên: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh 
   Ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Tháng 6/1976, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 23 họp tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong cả nước và đề nghị Ban chấp hành Trung ương đảng trao cho Đội khẩu hiệu:

 

"Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!".


                                                                            GV- TPT

                                                                                ĐỖ QUANG SÍNH

ĐỖ QUANG SÍNH
Tin liên quan