Thứ hai, 23/12/2024 01:42:52
Giảm áp lực khi trẻ vào lớp 1

Ngày: 14/09/2017

Giảm áp lực khi trẻ vào lớp 1
Cập nhật: Thứ tư, 13/9/2017 | 2:29:28 Chiều
BGTV- Bước vào lớp 1 là một giai đoạn quan trọng với nhiều trẻ, đây là lúc con phải bắt đầu một môi trường học tập mới, rèn luyện cách tự lập, tư duy sáng tạo, đồng thời cũng là thời điểm hình thành nên những thói quen sinh hoạt, học tập, hoạt động tập thể sau này, do đó việc quan tâm từ phía gia đình, nhà trường là rất cần thiết giúp trẻ tự tin bước vào năm học mới.
  
Bước vào lớp 1 là giai đoạn quan trọng đối với trẻ cần được cha mẹ và thầy cô quan tâm.
 

Giai đoạn chuyển cấp là giai đoạn mà trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường mới, bắt đầu thay đổi những thói quen khi còn bé và tự mình định hướng tính cách, đồng thời thể hiện cá tính của mình trong quá trình học tập. Chị Trần Thu Trang (Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc giang) chia sẻ: “Con vào lớp 1 mà bố mẹ cũng đứng ngồi không yên, tôi chỉ lo cháu không theo kịp môi trường mới, sinh hoạt giờ giấc cũng không được thoải mái như ở mầm non nữa nên thời gian đầu cũng rất vất vả, gia đình tôi không đồng tình với việc ép con học trước kiến thức, nhưng cũng gần 1 tuần đầu năm học rồi thấy con vẫn còn phần nào lạ lẫm”.

Khác với chị Thu Trang, vợ chồng anh Lê Trọng Quyết (Phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) có con trai năm nay vào lớp 1 trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Nắm trước được tinh thần nên gia đình đã dành thời gian để con làm quen với điều kiện học tập trong môi trường mới, nền nếp và quy củ hơn. Ngay từ tháng 7, hàng ngày anh và chị đều thay phiên nhau trò chuyện cùng con về cấp học mới, những thú vị trước mắt để kích thích tính tò mò, ham học của con. Bên cạnh đó, việc rèn cho con ý thức sinh hoạt, vệ sinh cá nhân như dậy sớm, chuẩn bị quần áo, sách vở cũng được bắt đầu từ sớm, cũng bởi vậy năm học mới với gia đình anh Quyết diễn ra rất suôn sẻ. Anh cho biết: “Việc tạo hứng thú cho con ngay khi bắt đầu môi trường học mới là rất quan trọng, nếu không chuẩn bị tốt tâm lý, con rất dễ bị hụt hẫng, thậm chí là sợ đi học, cháu vào lớp gia đình tôi chú trọng việc rèn luyện ý thức, không thúc ép con quá trong giai đoạn này”.

Phương pháp học tập mới với môi trường thân thiện, gần gũi giúp trẻ thêm hứng thú học tập

Việc thay đổi bậc học là một bước ngoặt với trẻ, từ chỗ được chăm bẵm chu đáo, các hoạt động diễn ra thoải mái thì khi lên tiểu học trẻ phải rèn luyện tính kỷ luật hơn. Bên cạnh đó, các con tiếp xúc với một lượng kiến thức mang tính tư duy cao, quen với những nếp sinh hoạt của trường lớp, quy định của giáo viên. Việc vào “khuôn khổ” hơn đồng nghĩa với trường hợp có trẻ dễ thích nghi và có trẻ không, do đó sự quan tâm, uốn nắn của các thầy cô trong giai đoạn đầu này là rất quan trọng.

Cô Lâm Thị Bẩy (giáo viên Tiểu học xã Trù Hựu, Lục Ngạn) cho biết: “Vào năm học mới này, thời gian đầu nhà trường và các thầy cô chú trọng đến việc rèn luyện ý thức, kỷ luật cho các con cũng như làm quen môi trường học tập, làm quen bạn mới, bên cạnh đó tư thế ngồi học cũng rất quan trọng. Bước vào môi trường học mới nên nhiều bạn còn bỡ ngỡ, các thầy cô sẽ hướng dẫn các con về nội quy, quy định trong các giờ học, qua các hoạt động vui chơi kết hợp hoạt động ngay tại lớp học sẽ làm giảm bớt căng thẳng, khó khăn cho các con, tuy nhiên cũng có một vài bạn cần phải một thời gian dài nữa mới có thể hòa nhập môi trường học mới này”.

Các hoạt động thể chất, ngoại khóa nên được khuyến khích để trẻ tự tin bước vào môi trường học tập mới

Theo Sở GD& ĐT tỉnh Bắc Giang, năm học 2017 – 2018 công tác đổi mới phương  pháp, hình thức tổ chức học thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh theo Công văn số 732SGDĐT-GĐTrH ngày 23/8/2017 của Sở. Bên cạnh các phương pháp, mô hình học tập mới, việc gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống được lồng ghép giúp nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng sống đối với trẻ, đối với cấp bậc tiểu học, đây là giai đoạn rất quan trọng, bước tạo đà giúp trẻ phát triển trong tương lai.

Năm học mới đã bắt đầu, thời điểm này các bậc cha mẹ, thầy cô cần rèn luyện tính tự lập cho các con, nhằm giúp trẻ nhanh chóng làm quen và thích nghi với môi trường mới, việc cha mẹ giúp trẻ xây dựng thời khóa biểu, thói quen sinh hoạt cũng là điều cần thiết giúp các con khỏi lúng túng, bỡ ngỡ, đồng thời rèn luyện ý thức tổ chức của trẻ vào nền nếp trong các giai đoạn tiếp theo.

Mai Hương

SƯU TẦM
Tin liên quan