Chủ nhật, 22/12/2024 19:24:50
Phát huy cách đánh giá nhân văn trong GD tiểu học

Ngày: 22/10/2016

Phát huy cách đánh giá nhân văn trong GD tiểu học

Sự ra đời của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học, được kỳ vọng tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh. 

Phát huy, cách đánh giá, nhân văn, trong giáo dục,  tiểu học

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên: Thông tư 22 đã tiếp nối tính nhân văn trong đánh giá học sinh; khắc phục những bất cập và gỡ “điểm nghẽn” mà nhà trường, giáo viên, phụ huynh còn vướng khi thực hiện Thông tư 30…

Gỡ “điểm nghẽn” trong đánh giá HS

Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016. Đây là thời điểm giữa học kỳ I của năm học nên việc đánh giá sẽ bắt nhịp ngay, không tạo ra xáo trộn nào cho học sinh và giáo viên. Điều đáng quan tâm ở Thông tư 22 là tháo gỡ được những “điểm nghẽn” trong cách đánh giá học sinh của giáo viên và những băn khoăn của phụ huynh khi điểm số được thay thế bằng nhận xét. Thông tư đã được chỉnh sửa, bổ sung thể hiện rõ hơn tính nhân văn trên cơ sở kế thừa và phát triển Thông tư 30… Đây là chia sẻ của nhiều người trong cuộc khi chuẩn bị triển khai Thông tư 22 trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học.

Khi Thông tư 22 vừa ban hành, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và chuẩn bị triển khai khi văn bản có hiệu lực. Theo thầy Hồ Văn Thương - Phó Hiệu trưởng nhà trường: Trong quá trình triển khai, Thông tư 30 đã bộc lộ một số bất cập nên Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành Thông tư 22 để phát huy cách đánh giá có nhiều ưu điểm và tiến bộ. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy Thông tư 22 quy định rất rõ ràng từ phương pháp đến quá trình triển khai đánh giá, nhận xét HS và công việc của giáo viên...

Cụ thể, Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kì đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hoá thành 3 mức cụ thể: Hoàn thành tốt; Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Còn quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất HS theo 3 mức rất rõ ràng: Tốt; Đạt và Cần cố gắng, thay cho 2 mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt và Chưa đạt. Với cách đánh giá cụ thể như trên, sẽ gỡ “điểm nghẽn” về điểm số với phụ huynh. Họ sẽ yên tâm hơn mỗi khi xem nhận xét, chỉ cần nhìn vào đánh giá của giáo viên là biết con mình học ở mức nào.

“Phụ huynh ở địa phương chủ yếu làm nghề nông và đánh bắt thủy sản vào mùa lũ, trình độ dân trí còn chưa cao. Trước đây, việc học của con em thể hiện qua điểm số, em nào điểm cao thì phụ huynh biết rằng con mình học giỏi, em nào điểm thấp đồng nghĩa với việc học kém. Khi bắt đầu triển khai đánh giá HS theo Thông tư 30, nhiều phụ huynh cũng hay thắc mắc với giáo viên. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh hiểu và đồng tình ủng hộ với cách đánh giá mới. Đến nay, Thông tư 22 được triển khai, những hạn chế, bất cập sẽ được khắc phục nên chúng tôi tin tưởng phụ huynh sẽ ủng hộ tích cực” - thầy Thương, chia sẻ.

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp và triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30, cô Vũ Thị Huệ - giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang mong chờ Thông tư 22 sớm được đi vào thực tế. Cô Huệ chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 trên cơ sở kế thừa những ưu điểm và khắc phục những tồn tại của Thông tư 30. Đến nay, tập thể nhà trường và giáo viên đã nắm được thông tin về Thông tư 22. Chúng tôi tin tưởng Thông tư 22 sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh hơn trong các hoạt động giáo dục”.

Sẵn sàng triển khai

Hiện tại, các Sở, Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học đang khẩn trương làm công tác tuyên truyền, tập huấn để kịp thời triển khai Thông tư 22 vào ngày 6/11 tới. Qua trao đổi với nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bậc tiểu học, tất cả đang rất phấn khởi và hoan nghênh bước tiến tích cực của Thông tư 22. “Giáo viên chúng tôi vui nhất là công tác hồ sơ, sổ sách của giáo viên được giảm đáng kể. Thay vì có 5 loại như trước đây, nay chỉ còn có học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Theo đó, Bộ sẽ quy định mẫu học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp, từ đó sẽ đồng bộ, thống nhất cao”, một giáo viên tiểu học ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chia sẻ.

Nói về công tác chuẩn bị, ông Trần Ngọc Nghị - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) - cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn triển khai sâu rộng đến cán bộ, giáo viên trên địa bàn. Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua. Do đó đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh rất đồng tình ủng hộ. Thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực (ngày 6/11) cũng chính là thời điểm chuẩn bị cho việc đánh giá giữa học kì I theo kế hoạch thời gian năm học 2016 - 2017. Do đó, việc ban hành Thông tư 22 sẽ không gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy, học và đánh giá học sinh tiểu học ở các trường.

Các Sở, Phòng GD&ĐT cũng đã lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên để sẵn sàng triển khai Thông tư 22. Trong đó, tinh thần đổi mới trong cách đánh giá, nhận xét HS; việc sổ sách của giáo viên và công tác kiểm tra, đánh giá được đặc biệt quan tâm. Cô Vũ Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: “Ngày 24/10 tới, giáo viên chúng tôi sẽ được tham gia tập huấn triển khai Thông tư 22. Từ đó sẽ được tiếp cận phương pháp đánh giá một cách cụ thể để về triển khai khi Thông tư có hiệu lực. Giáo viên chúng tôi rất đồng tình khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà giáo viên, học sinh và phụ huynh gặp phải”.

Đối với trường tiểu học thuộc vùng sâu, vùng xa như Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), công tác tuyên truyền đánh giá học sinh tiểu học rất được chú trọng. Theo thầy Hồ Văn Thương - Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Trước đây phụ huynh đã quen với cách thầy cô giáo cho điểm học trò, họ thường lấy điểm số để so sánh các em học giỏi hay không.

Sau thời gian triển khai đánh giá bằng nhận xét, phụ huynh đã hiểu và việc đánh giá HS đến nay đã đi vào nề nếp. Sắp tới Thông tư 22 được triển khai nên nhà trường đang đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên và phụ huynh tại địa phương. Chúng tôi xác định, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, chủ trương được thông suốt thì công tác triển khai rất thuận lợi”.

Theo Quốc Ngữ/giaoducthoidai.vn

SƯU TẦM
Tin liên quan