Ngày: 14/09/2017
Ngày 22/9 tới đây tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức Hội thảo Giáo dục 2017 “Về chất lượng giáo dục phổ thông”. Hội thảo tập trung thảo luận về những vấn đề chung của giáo dục phổ thông và các nội dung cụ thể như: Chương trình giáo dục phổ thông; Đội ngũ giáo viên phổ thông; Quản lý giáo dục phổ thông.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về một số vấn đề dư luận quan tâm.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Thưa ông, nếu đánh giá công bằng và khách quan nhất về giáo dục phổ thông, ông sẽ nói gì?
Cần đánh giá đúng mức giáo dục phổ thông của Việt Nam. Cụ thể, các học sinh tốt nghiệp phổ thông có điều kiện ra nước ngoài học rất tốt. Kết quả PISA của Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao. Hàng năm, các em học sinh đi dự cuộc thi Olympic quốc tế đạt giải cao...
Hiện nay, chúng ta thấy rõ điều kiện về giáo dục phổ thông đang thay đổi rất lớn từ thành phố đến vùng cao, trường lớp được đầu tư, tuyệt đại đa số thầy cô giảng dạy tốt.
Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu hội nhập và chuyển động của giáo dục thế giới thì giáo dục Việt Nam cần phải làm nhiều việc để đáp ứng với sự phát triển của đất nước.
Chúng ta đặt ra vấn đề lớn hơn đó là con người của giai đoạn hiện nay, nhiều vấn đề trong đào tạo con người cần được quan tâm tốt hơn.
Chính vì vậy, có nhiều ý kiến nhìn nhận khác nhau về chất lượng của giáo dục phổ thông hiện nay.
Hội thảo Chất lượng giáo dục phổ thông lần này, chúng tôi tổ chức không phải để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cũng không nghĩ sẽ tìm ra lời giải cho giáo dục phổ thông trong một đợt Hội thảo; nhưng trong định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chúng tôi muốn mời các thành phần khác nhau (các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các thầy cô giáo và các chuyên gia giáo dục) ngồi lại để có sự chia sẻ, hiểu hơn giáo dục phổ thông Việt Nam là cần gì, phải làm gì để từ đó lan tỏa xã hội và tạo động lực chung để giáo dục Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Điều kiện sự thành công của bất kỳ một cuộc cải cách giáo dục nào cũng là vai trò của người thầy. Tuy nhiên, nhìn vào bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công khai lấy ý kiến, chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò của người thầy đã không được đề cập đúng mức, thậm chí là khá mờ nhạt. Vậy, nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện sẽ được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới, thưa ông?
Trong hội thảo giáo dục phổ thông do Ủy ban tổ chức có 3 phiên: Chương trình giáo dục phổ thông, Đội ngũ giáo viên phổ thông và Quản lý giáo dục phổ thông. Đây là 3 vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất.
Tôi được biết, Bộ GD&ĐT có 2 dự án lớn đang triển khai là Chương trình giáo dục phổ thông và Dự án đào tạo giáo viên. Trong đó, dự án đào tạo giáo viên có trước chương trình.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới chỉ ban hành khung chương trình. Chương trình này thực hiện tích hợp giữa các môn học. Do đó, vai trò của người thầy rất lớn và cực kỳ quan trọng.
Giáo dục về con người không dễ bởi học sinh như tờ giấy trắng và cá tính mạnh, nhiều ước mơ. Chúng ta muốn các em có kiến thức thì phải có công cụ truyền đạt để các em thực hiện ước mơ nghề nghiệp sau này của mình.
Vậy chương trình giáo dục đã tải hết được vấn đề này chưa chúng ta cần phải trao đổi, bàn thảo với nhau.
GS.TS Phan Thanh Bình: "Người thầy là nhân tố hết sức quan trọng. Không phải ai cũng làm thầy được vì người thầy trước hết phải có tâm huyết thực sự với nghề".
Bước vào nghề giáo phải có tâm của người thầy
Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng giáo viên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, nhiều ý kiến đề nghị với sinh viên ngành sư phạm cần được coi như ngành công an, quân đội. Theo ông, đề xuất này có khả thi?
Làm tượng gỗ đã khó huống chi giáo dục là chúng ta đang đào tạo một con người.
Người thầy là nhân tố hết sức quan trọng. Không phải ai cũng làm thầy được vì người thầy trước hết phải có tâm huyết thực sự với nghề.
Chúng tôi cũng có đi khảo sát về đội ngũ giáo viên thì thấy một số yếu tố tác động đến người giáo viên.
Thứ nhất, sự chọn lọc người thầy của chúng ta hiện nay là sự tự nguyện và điểm số; Thứ hai, chuyên môn đào tạo ở đây là do chương trình đào tạo và cũng do yêu cầu xã hội; Thứ ba là chế độ chính sách.
Thời gian vừa qua ngành giáo dục mở ra quá nhiều trường và khoa sư phạm nên cung - cầu bị lệch dẫn đến sinh viên ra trường khó tìm việc làm. Thậm chí, ngay ở trong ngành cũng bị lệch giữa các cấp học.
Trong khi đó, việc đào tạo giáo viên quy hoạch được vì chúng ta tính được mỗi năm có bao nhiêu trường, bao nhiêu lớp học nhưng hiện nay điều này chưa làm được nên mới xảy ra vấn đề như: đào tạo, chế độ chính sách, vai trò của người thầy, áp lực xã hội... Tất cả những vấn đề này chưa được trọn vẹn, làm cho chất lượng người thầy bị giảm sút.
Tôi thấy Bộ GD&ĐT đang thực hiện đúng là sắp xếp và quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, giảm bớt trường sư phạm lại, quy về những trường tốt. Đồng thời, nâng chất lượng và sửa đổi lại chương trình đào tạo giáo viên.
Tôi nghĩ đã bước vào làm nghề giáo viên phải có tâm của người thầy. Thầy giáo tốt sẽ đào tạo ra học trò tốt. Niềm tự hào, hạnh phúc của người thầy là đào tạo các lứa học sinh trưởng thành, phát huy được đúng con người đó.
Thưa ông, vấn đề lương giáo viên thấp đã được đưa ra bàn thảo, kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được cải thiện. Ủy ban có tham mưu đề xuất gì để giúp nâng cao đời sống giáo viên hiện nay?
Trong Hội thảo có ba chủ đề tập trung vào chất lượng giáo dục phổ thông là : chương trình, đội ngũ và quản lý giáo dục. Cách quản lý cũng tác động nhiều đến giáo viên.
Còn về thu nhập, có 2 vấn đề được nhìn nhận: Có phải chăng bảng lương của giáo viên thấp hay không? Vấn đề này, Ủy ban cũng đang phải nhìn nhận lại.
Chúng ta phải nhìn trong tương quan tổng thể xã hội. Tính ra bảng lương giáo viên không phải là thấp, ngoại trừ một vài hệ thống mầm non và giáo viên hợp đồng còn thấp.
Tuy nhiên, Ở các ngành khác có thể làm thêm một cách dễ dàng, riêng nghề giáo cũng có thể dạy thêm, nhưng vấn đề này rất tế nhị.
Thứ hai, Có lẽ chúng ta cần nhìn vào tổng thể chính sách giáo viên trong toàn xã hội.
Hiện nay, cả nước có khoảng 20 triệu học sinh bằng 1/4 dân số. Chi lương cho số lượng giáo viên đảm bảo việc giảng dạy này là lớn trong tổng thể nền kinh tế của ta còn chưa lớn, do đó cần phải có sự tính toán cẩn thận sao cho tốt nhất.
Tuy nhiên, để xử lý thế nào thì đây là một bài toán tổng thể cần được cân nhắc một cách kỷ lưỡng, có cân đối và sử dụng nguồn khác bổ sung như xã hội hóa để tăng đời sống của thầy cô.
Chúng ta cần nhìn nhận giáo viên có một vị thế trong xã hội và không phân biệt giáo viên công lập hay tư thục.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nhật Hồng (thực hiện)