Thứ hai, 23/12/2024 00:07:34
Giáo dục gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất

Ngày: 16/04/2018

MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC GẮN VỚI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Ở TRƯỜNG TH ĐÔNG LỖ SỐ 2 – HUYỆN HIỆP HÒA – BẮC GIANG

           Thực hiện Kế hoạch của phòng GD&ĐT huyện Hiệp Hòa. Căn cứ Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 Trường Tiểu học Đông Lỗ số 2 đã tổ chức hiện mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất”.

         Với mục đích cụ thể hóa việc thực hiện nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn”, nhà trường đã tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục; hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ngoài việc xây dựng khung cảnh nhà trường khang trang, sạch đẹp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khuôn viên, bảo vệ môi trường sống, môi trường học tập còn giúp các em phát huy tính sáng tạo, đưa ra ý tưởng về xây dựng vườn trường phục vụ cho học tập của mình; tạo điều kiện cho các em học và thực hành ngoài trời: tìm hiểu, quan sát môi trường sống của thực vật trong thiên nhiên để khắc sâu kiến thức và kĩ năng trong các môn học về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Các em biết yêu quý, trân trọng thành quả đã xây dựng được, có thái độ đối xử thân thiện với môi trường.

         Bởi vậy, sau khi nghiên cứu và khảo sát tình hình thực tiễn của nhà trường, năm nay, nhà trường tổ chức mô hình “vườn rau của em” đối với các em học sinh khối 1, 2, 3,4,5.

         Vườn rau của nhà trường được chia đều cho các lớp. Mỗi lớp các em trồng một loại cây rau khác nhau khiến khu vườn của trường trông rất sinh động.

         Những buổi đầu các em được trải nghiệm những công việc của các bác nông dân- những điều mà các em mới chỉ được nghe kể, nhìn hoặc xem trên các phương tiện truyền thông. Các em đã thực sự trở thành những nông dân nhí khi các em chính tay làm đất, nhổ cỏ, gieo hạt, tát nước…

         Những ngày đầu tiên, những luống rau hoa hạt giống gieo chưa đều, luống rau còn chưa thẳng, mặt luống vẫn còn gồ ghề. Đâu đó có cô bé, cậu bé khi mới ra vườn rau còn chưa phân biệt được đâu là cỏ dại, đâu là mầm cây mới mọc, còn đặt những câu hỏi ngô nghê đáng yêu với cô giáo “Cô ơi cây này có phải cỏ không cô?”. Có lúc, có cô bé hét lên khi bị bạn lấy sâu trêu chọc, …. Song dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các thầy cô, các bậc phụ huynh nay các em đã học được những kiến thức thú vị về các công đoạn gieo trồng, chăm sóc cây rau.

           Sau những buổi ngoại khóa chăm sóc vườn rau ấy, trên trán các em lấm tấm mồ hôi, quần áo, tay chân có thể lấm lem bùn đất. Nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi của các em, tiếng nói cười hồn nhiên luôn rộn rã. Để từ đây, dưới mái trường, các em không chỉ học được những kiến thức trong hệ thống giáo dục phổ thông mà các em còn học được những kiến thức xã hội bổ ích.

          Mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất” đã tạo ra môi trường học tập thân thiện; giúp các em hiểu được giá trị của lao động, chia sẻ với những khó nhọc của bà con nông dân hay chính là cảm thông và sẻ chia với những vất vả của bố mẹ, ông bà những người xung quanh. Thông qua đó tạo không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, gắn những lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất, giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức kỹ năng sống, bổ sung về kiến thức thực tế, vốn sống.

 

Nguyễn Thị Chính
Tin liên quan