Ngày: 10/04/2015
Sau 3 ngày tiến hành nhắc nhở, tăng cường ý thức phụ huynh, học sinh, bắt đầu từ 10/4, cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội sẽ đồng loạt xử lý phụ huynh, học sinh không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Trao đổi với Dân trí chiều 9/4, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống bày tỏ sự trăn trở trước con số mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông, trong đó quá nửa không đội MBH.
“Phạt học sinh vi phạm không phải để tăng một cái phí nào cả mà ở đây tất cả đều tập trung vào đảm bảo sự an toàn tính mạng cho các con. Việc cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông, các bậc cha mẹ học sinh, cơ quan đoàn thể địa phương và cơ quan chức năng cùng quyết tâm vào làm việc này là hoàn toàn đúng đắn, rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn được nữa” - Phó giám đốc Nguyễn Hiệp Thống nói.
Cũng theo ông Thống, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Sau này Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ việc trẻ từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH.
Ngay từ năm học 2012-2013, ngành Giáo dục Hà Nội đã ký quy chế phối hợp số 20 giữa giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, giám đốc Công an TP Hà Nội, giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Bí thư Thành đoàn về việc phối hợp giáo dục pháp luật, an toàn giao thông giai đoạn 2013-2018 trong đó có nội dung yêu cầu học sinh khi tham gia giao thông phải đội MBH.
Từ khi thực hiện đến nay thì tỉ lệ học sinh đội MBH theo thống kê của một số tổ chức khách quan làm (chẳng hạn như tổ chức Quỹ Phòng chống thương vong châu Á) đã trên 70-80%. Hầu hết các bậc cha mẹ phụ huynh đã thực hiện tốt việc đội MBH cho con em mình.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá: Hiện nay ở Hà Nội số trẻ ở độ tuổi yêu cầu phải đội mũ bảo hiểm khoảng 1,1-1,2 triệu em/1,6 triệu học sinh (trừ hơn 400.000 trẻ học ở bậc mầm non). Thực tế khi ta đi ngoài đường vẫn còn nhìn thấy học sinh, phụ huynh không đội MBH thì chúng ta phải tiếp tục giáo dục tuyên truyền. Nhưng chỉ cần trong tổng số hơn 1 triệu học sinh mà có 1% không thực hiện thì chúng ta đã có 10.000 học sinh Hà Nội vi phạm.
“Chúng tôi rất tha thiết mong các bậc cha mẹ phụ huynh đồng hành với ngành Giáo dục Hà Nội. Tại sao có những phụ huynh trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, kính mắt, áo chống nắng... cho mình mà để con đầu trần? Khi ngã xe, phụ huynh có thể chống chân, đỡ tay để giảm thiểu va đập, nhưng con trẻ thì sao? Nếu không có mũ bảo hiểm, con có thể bị va đập vùng đầu dẫn đến thương tích cao. Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ vừa đảm bảo an toàn tính mạng mà còn giúp học sinh có ý thức chấp hành luật pháp. Đây là việc làm nhân văn, cần thực hiện” - ông Thống bày tỏ.
Xử lý nghiêm học sinh vi phạm, quy trách nhiệm cho trường
Thực hiện nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm, ông Thống cho biết, ngày 15/1/2013, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 240/KH-SGD&ĐT trong đó có quy định rất rõ việc xử lý cán bộ giáo viên, học sinh vi phạm. Gần đây, ngày 1/4/2015, Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản 4945 nhắc lại.
Trong các văn bản này quy định rất rõ trách nhiệm của các nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, đặc biệt là nội dung ký cam kết. Các bậc cha mẹ học sinh phải ký cam kết với nhà trường về việc con em mình khi tham gia giao thông.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các đơn vị trường học để xảy ra mất an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học; để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên, HS-SV vi phạm pháp luật - không có biện xử lý kịp thời; không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Đối cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên thì căn cứ mức độ lỗi vi phạm và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hiện hành và quy định của ngành.
Riêng đối với học sinh sinh viên nếu vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lôi; Phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2: Hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ; Trả về gia đình giáo dục trong 03 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần: Xếp loại hạnh kiểm yếu; Cảnh cáo trước toàn trường; ghi học bạ; Buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
“Một nhà trường, một đơn vị, tập thể mà để học sinh điềm nhiên vi phạm pháp luật thì phải hạ đánh giá thi đua. Càng gắn trách nhiệm thì nhà trường sẽ phải quyết tâm để thực hiện. Việc làm này là khó khăn, nhưng không thể không thực hiện” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
Ông Thống cũng cho rằng, việc học sinh vi phạm quy định đội MBH dù ở đâu thì cũng có phần trách nhiệm của nhà trường bởi việc tuyên truyền, giáo dục chưa ngấm vào học sinh nên dẫn đến vi phạm pháp luật, phối hợp chưa tốt với gia đình, chưa phát huy được Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc ráo riết nhắc nhở...
Ý thức của phụ huynh, học sinh là yếu tố quan trọng để thực hiện tốt quy định đội MBH, nhà trường không thể theo chân các em được. Có thể khi đến trường thì các em đội MBH, còn ra khỏi trường có thể treo mà không đội. Nếu cứ quy trách nhiệm cho các trường thì có tạo sức ép hay không?