Chủ nhật, 29/12/2024 10:16:40
GƯƠNG SÁNG NOI THEO: Cảm phục người chị 6 năm cõng em đến trường

Ngày: 27/10/2015

Lúc tôi đến, Trần Tuấn Anh (sinh năm 1997, sinh viên năm nhất khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) đang nhoài người về phía trước, cố với lấy cuốn sách đằng xa. Đôi chân liệt không thể cử động, bàn tay không với tới, Tuấn Anh quay sang người chị gái nở nụ cười méo mó, tỏ vẻ bất lực. Nhưng khi được chị lấy cho, cậu lại tươi rói, ánh mắt rạng rỡ như đứa trẻ vừa nhận được quà.

Suốt 6 năm qua vẫn vậy, người chị gái có thân hình mỏng mảnh, gầy guộc luôn xuất hiện đúng lúc em trai cần. Nhiều người bảo chị là đôi chân của Tuấn Anh, thậm chí là bà tiên, ông bụt nhưng chị đều lắc đầu: “Không phải, tôi chỉ là chị gái, mà chị em gái thì “em ngã thì chị nâng” là chuyện thường”.

Đôi chân liệt

Trần Tuấn Anh có khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười hiền, ánh mắt rất sáng và nhạy nhưng đôi chân thì không thể cử động do loạn dưỡng cơ Duchenxe.


Trần Tuấn Anh, chàng trai có nghị lực mạnh mẽ.

Trần Tuấn Anh, chàng trai có nghị lực mạnh mẽ.

Tuấn Anh sinh ra khỏe mạnh, lên 3 - 4 tuổi vẫn chạy nhảy bình thường nhưng khi lên 8 cậu bắt đầu thường xuyên vấp ngã. Gia đình thấy lạ nên đưa cậu khi khám và phát hiện ra căn bệnh quái ác.

“Hồi đó, bác sĩ chỉ nói với bố mình. Bố sợ cả nhà lo lắng nên đã giấu diếm, chỉ lặng lẽ vào nhà bác gái than khóc: “Chị ơi, thằng cu nhà em liệt thật rồi”. Mãi đến khi bố mất, bác gái mới nói cho cả nhà biết. Riêng mình thì phải 4 năm sau đó mới thôi ảo tưởng rằng chỉ cần ăn uống đầy đủ, chân sẽ to ra và đi lại bình thường, bởi khi đó mình đã biết vào máy tính tìm hiểu”, Tuấn Anh kể.

Lên lớp 6, Tuấn Anh bắt đầu gặp khó khăn trong việc đi lại và khi bước vào lớp 7 cậu liệt hoàn toàn. Việc đến trường từ đó đến giờ của cậu phụ thuộc hoàn toàn vào người chị gái thứ hai.

Tuy vậy, Tuấn Anh rất thông minh. Suốt 12 năm liền cậu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, ngoài ra còn giành rất nhiều giải thưởng khác trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, thành phố.

Tuấn Anh có niềm đam mê đặc biệt với môn Sử và ngành khảo cổ nhưng cậu lại quyết định theo ngành công nghệ thông tin bởi nó phù hợp hơn với đôi chân khuyết tật của cậu. Tốt nghiệp THPT, cậu quyết định thi vào trường ĐH Công nghệ và số điểm cậu giành được khiến cả nhà vô cùng bất ngờ: 107/140 điểm.

Suốt 6 năm qua, Tuấn Anh được chị gái cõng đến trường.
Suốt 6 năm qua, Tuấn Anh được chị gái cõng đến trường.

“Mình đã từng rất nhớ quãng thời gian được vui chơi, chạy nhảy, cũng từng rất buồn khi cố gắng hết sức vẫn không thể lết ra khỏi chiếc xe lăn. Nhưng giờ lớn rồi, không thể cứ nghĩ vu vơ như vậy mãi, mình phải học tập để không uổng công người chị hàng ngày vác mình lên, đỡ mình xuống cũng như tình yêu thương của mẹ và cả gia đình”, Tuấn Anh chia sẻ.

Nói là vậy, nhưng để đi được đến ngày hôm nay, Tuấn Anh đã phải trải qua một hành trình dài đầy vất vả. Vì đôi chân bị liệt, không thể đi học thêm, Tuấn Anh phải học chăm chỉ gấp đôi các bạn cùng trang lứa để có thể bắt kịp kiến thức. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp, cậu dành ra phần lớn thời gian tự học ở nhà. Ngay cả giờ nghỉ giải lao, cậu cũng tranh thủ lên máy tính tham khảo các phương pháp học tập.

“Để được đến lớp như các bạn, mình đã phải làm phiền đến rất nhiều người, đặc biệt là chị gái. Vì thế nên mình chẳng có lý do gì để lười học. Mình muốn sau này tự lo được cho bản thân để chị gái còn có thời gian lo cho gia đình riêng của chị ấy”, Tuấn Anh chia sẻ.

Lớn trên lưng chị

Người chị gái được Tuấn Anh nhắc đến với ánh mắt đầy yêu thương đó là chị Trần Thị Xuân (sinh năm 1991, quê Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Suốt 6 năm qua, chị đã miệt mài cõng người em trai tàn tật đến trường, cùng em thực hiện hoài bão của cả gia đình.


Chị Xuân trò chuyện cùng Tuấn Anh, chờ đến khi em trai đến giờ vào lớp.

Chị Xuân trò chuyện cùng Tuấn Anh, chờ đến khi em trai đến giờ vào lớp.

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, gầy gò của chị Xuân, ít ai tin chị có thể cõng người em trai nặng 56kg lên xuống mấy chục bậc cầu thang, bước đi thoăn thoắt trong suốt nhiều năm trời. Chị làm mọi việc từ xốc nách em trai lên lưng, cõng đi, đỡ xuống… một cách nhanh nhẹn và gọn gàng khiến người nhìn vào cứ tưởng chị đã làm việc đó cả đời người.

“Nhiều người thắc mắc, tại sao tôi có 40kg mà lại cõng được em trai nặng tới 56kg. Thực ra khi cõng, tôi cũng không biết em nó đã lớn đến thế, vẫn cứ nghĩ còn nhỏ xíu như hồi lớp 7, lớp 8. Cõng nhiều thành quen, tôi không thấy nặng nề hay vất vả gì cả”.

“Ngày biết em bị liệt, tôi nghĩ em cứ sống thế này bao giờ cho hết đời. Ngày em vào trung học, tôi nghĩ bao giờ cho hết ba năm. Ngày em vào đại học, tôi nghĩ bao giờ cho em tốt nghiệp. Nhưng rồi tất cả cũng qua, nhanh hơn tôi nghĩ”, chị Xuân chia sẻ. 

Suốt những năm tháng cấp 2, cấp 3, chị Xuân đèo em trai đến trường bằng xe đạp, cõng em lên lớp ngồi yên vị rồi mới trở về lớp mình. Lên đại học, chị Xuân quyết định chọn trường gần nhà để có thể tiếp tục đưa em đến lớp.

Khi em trai vào đại học cũng là lúc chị Xuân lấy chồng. Chị vẫn đảm nhận công việc đưa em trai đến trường dù đã có nhiều vướng bận. Thậm chí, ngay cả việc sinh con chị cũng tính toán sinh vào thời điểm Tuấn Anh ở nhà ôn thi, không phải đến trường để có thể chu toàn mọi thứ.

“Số tôi cũng may mắn vì lấy được một người hiểu mình. Chồng tôi chưa bao giờ than phiền về việc tôi lo lắng quá nhiều cho em trai. Chính anh ấy cũng thường xuyên đưa Tuấn Anh đến trường thay tôi khi tôi bận”, chị Xuân tâm sự.

Tuấn Anh luôn biết ơn người chị gái đã hy sinh rất nhiều cho mình.
Tuấn Anh luôn biết ơn người chị gái đã hy sinh rất nhiều cho mình.

Đến giờ, khi con trai được 6 tháng, chị Xuân vẫn tiếp tục công việc đưa Tuấn Anh đến giảng đường. Hàng ngày, chị Xuân đèo em trai bằng xe máy đến trường, cõng em lên lớp ổn định rồi trở về nhà làm việc, chăm con. Tan học, chị lại đến đón Tuấn Anh về.

“Lên đại học, giờ giấc có nhiều thay đổi nên hai chị em cũng vất vả hơn. Có những hôm, tôi phải đến trường hai, ba lần để giúp Tuấn Anh chuyển lớp, chuyển giảng đường hoặc đưa cơm cho em. Đôi lần, Tuấn Anh có nhờ bạn cõng nhưng quãng đường xa quá, các em ấy non sức cũng không cõng được nhiều”, chị Xuân kể.

Hai chị em đã cùng nhau đến trường như vậy suốt 6 năm qua. Trong hành trình dài ấy, chị Xuân không chỉ là “đôi chân” đưa Tuấn Anh đi học mà còn là người bạn chia sẻ cùng em trai mọi điều, từ niềm vui khi được giải cao đến sự thất vọng khi bị điểm kém… Tất cả cảm xúc của em trai, chị luôn là người biết đầu tiên.

“Thấy lưng chị khom xuống, bước đi nặng nhọc mình biết chị vất vả lắm, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Thôi thì cứ nghĩ rằng mình đang lớn dần trên lưng chị, đang trưởng thành, rồi sau này tự lo liệu được cho bản thân thì chị sẽ đỡ nhọc hơn”, Tuấn Anh cười hiền.

Theo Hạ Nhiên

Dân Việt

 

SƯU TÂM
Tin liên quan