Khi con kể cho bạn nghe những việc đang xảy ra ở trường, dù rất đau lòng, hãy thật cởi mở và lắng nghe trọn vẹn những điều con cần phải nói. Cố gắng giữ thái độ vừa ủng hộ, vừa ôn hòa khi con đang nói. Bởi chỉ cần bạn có phản ứng mạnh, con sẽ không chia sẻ nữa do nghĩ những điều mình sắp nói có thể làm bố mẹ phiền lòng.
Một khía cạnh khác trong việc lắng nghe là đừng la mắng con, đừng đổ trách nhiệm cho con khi nó bị bắt nạt. Hãy nhớ rằng con bạn là nạn nhân, và người làm cha mẹ như bạn cần khuyến khích con tiếp tục cho mình biết chuyện gì đang xảy ra ở trường.
2. Không trả đũa kẻ bắt nạt/ gia đình kẻ bắt nạt
Trong lúc đau lòng hay tức giận nghe chuyện của con, bạn có thể có ngay ý nghĩ muốn trả đũa, nhưng đừng làm thế. Bạn sẽ đưa ra một tấm gương xấu cho con trong giải quyết vấn đề này. Ai cũng hiểu bạn muốn chuyện con bị bắt nạt ở trường phải chấm dứt ngay lập tức, nhưng nhớ rằng, trả đũa không có ích lợi gì, cũng không giúp con cảm thấy tốt hơn. Tốt nhất là hít một hơi thật sâu và nghĩ về việc mình có thể làm gì để giúp con xử lý được việc nó đang phải đối đầu.
3. Huấn luyện con cách phản ứng
Những kẻ bắt nạt ở trường thường có xu hướng chọn nạn nhân là những người cho chúng thấy sự phản ứng: Có thể là những đứa trẻ ủ dột, buồn bã vì bị bắt nạt, thậm chí là khóc. Chúng cũng sẽ tìm kiếm những đứa trẻ không thể đứng lên bảo vệ chính mình, những đứa trẻ chịu để cho chúng thống trị. Cho nên, việc bạn dạy con cách phản ứng có vai trò quan trọng. Chúng ta dạy con cách né tránh những kẻ bắt nạt và nên đi tìm ai nếu cảm thấy mình không an toàn. Chúng ta chơi đổi vai với con để luyện tập cách phải xử lý ra sao trước mọi sự khiêu khích, tốt nhất là làm thinh, không tỏ thái độ sợ sệt. Cũng nên dựng các tình huống trong đó con bạn làm chủ được những gì đang xảy ra ở trường. Có thể con chưa chấm dứt hành động bắt nạt được ngay, nhưng sẽ biết cách tự tránh cho mình rơi vào cảnh bị bắt nạt cũng như biết phải tìm ai để nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn.
4. Nói chuyện với thầy cô giáo hoặc hội đồng nhà trường để tìm sự giúp đỡ
Hãy nhớ, nhà trường có trách nhiệm ngăn chặn những hành động bắt nạt diễn ra trong học sinh, và hầu hết các trường sẽ có thái độ nghiêm túc với việc này. Ngoài việc bạn chủ động tìm gặp thầy cô giáo của con, ban giám hiệu nhà trường, việc con bạn tiếp cận người có thể giúp đỡ và nói ra vấn đề của mình, thông báo thường xuyên, cũng là điều quan trọng.
5. Đứng về phía con
Khi con bạn bị bắt nạt, hãy thường xuyên nói với con là "con có thể làm được nhiều việc để xử lý chuyện này", và thực tế là con vẫn đang làm để thay đổi tình hình. Hãy cho con biết bạn luôn ở đó để giúp con, vì bạn yêu con, và sẽ luôn ủng hộ con.
6. Tìm ra những điều con có thể làm tốt
Việc này giúp con cảm thấy khá hơn về chính bản thân mình. Ví dụ con có thể bơi tốt, con biết đá bóng hay, những điểm này giúp tăng sự tự tin cho con của bạn.
Ghi danh vào các hoạt động ngoại khóa mùa Hè là cách giúp con kết thêm bạn mới, có thêm "đồng minh". Nhìn ra những điều mình có thể làm tốt giúp con bạn tự chứng minh được những gì kẻ bắt nạt nói về mình là hoàn toàn sai và không có gì phải bận tâm.
7. Dấu hiệu con bạn bị bắt nạt
- Không đi toilet ở trường. Rất nhiều kẻ bắt nạt tấn công nạn nhân của mình ở vị trí này bởi khuất khỏi sự giám sát của người lớn. Tương tự với các địa điểm khác không có giám thị.
- Đột nhiên buồn sau một cuộc gọi điện, một tin nhắn hay email.
- Mất những người bạn trước đây từng có
- Sống khép kín hơn và bỏ tất cả các hoạt động trước đây mình từng thích. Dành nhiều thời gian hơn ở một mình trong phòng.
- Có những nhận xét tiêu cực về bản thân.