Thứ sáu, 27/12/2024 12:07:37
“Xin trả lại điểm số cho học sinh tiểu học!”

Ngày: 05/09/2016

Một tâm điểm trong đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay là quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Sau hai năm triển khai thực hiện và nhận nhiều lời phàn nàn, Thông tư sửa đổi vừa được Bộ GD&ĐT công khai lấy ý kiến đóng góp của dư luận. Trong khi cuộc tranh cãi giữa đánh giá bằng điểm số và định mức A, B, C đang sôi nổi, bản thân là phụ huynh, tôi xin kiến nghị: Hãy trả lại điểm số cho học sinh tiểu học!

Theo Thông tư sửa đổi, sau khi đánh giá thường xuyên bằng lời, giáo viên tổng hợp kết quả đánh giá thường xuyên theo các mức độ A, B, C với các tiêu chí tương ứng. Kết thúc học kỳ, học sinh được đánh giá bằng điểm số thông qua bài kiểm tra. Căn cứ vào đánh giá thường xuyên bằng nhận xét và kết quả bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm để xếp loại A, B, C.

Nếu vậy, kết quả học tập của học sinh khó có thể được đánh giá đúng và đủ. Đơn giản vì những giáo viên giàu tâm huyết sẽ sẽ cẩn trọng đánh giá cả quá trình. Còn ai ít tâm huyết sẽ chỉ căn cứ vào điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm để xếp loại. Mọi sự đánh giá, xếp loại máy móc, sơ sài đều để lại hậu quả, dù ít dù nhiều cũng gây nên sự lầm tưởng về lực học của học sinh.

Với tinh thần “cởi trói” áp lực điểm số cho học sinh, Thông tư đã rất tiến bộ và nhân văn khi bỏ việc chấm điểm thường xuyên và thay vào đó là nhận xét. Nhưng nghịch lý là bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm vẫn chấm điểm, ghi điểm và dùng làm căn cứ đánh giá, xếp loại học sinh. Sự tồn tại song song giữa nhận xét A, B, C và điểm số có thật sự cần thiết không khi mà nó có thể gây ra sự khó hiểu cho phụ huynh và học sinh?

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh, chẳng hạn chuyện quy đổi máy móc A, B, C thành điểm số hoặc biến tấu thành A+, A-… Dù đại diện của Tổ sửa đổi Thông tư 30 đã lên tiếng khẳng định “Giáo viên không thể sáng tạo ra A+, A- hay B+, B-” nhưng 3 định mức A, B, C sẽ không phân hóa được học sinh đầy đủ. Và việc giáo viên “ưu ái” thêm dấu cộng (+) hoặc trừ (-) là chuyện tất nhiên.

Nếu làm một cuộc khảo sát trong toàn xã hội về cách đánh giá bằng điểm số hay định mức A, B, C sẽ thiết thực và hiệu quả hơn, tôi không dám chắc nhận xét A, B, C sẽ chiến thắng. Bởi xã hội ta vốn quen với điểm số, phụ huynh nhìn điểm số để xác định sức học của con. Và người ta vẫn còn bị “bó buộc” trong khuôn khổ đánh giá nặng về văn hóa thay vì nhìn nhận mặt tích cực, điểm tiến bộ của trẻ. Giờ đây muốn thay đổi điều ấy, tôi nghĩ cần nhiều thời gian hơn nữa.

Thêm vào đó là một nỗi lo của phần lớn phụ huynh khi băn khoăn việc học của con sẽ giảm sút. Nhận xét để động viên sẽ “triệt tiêu” tinh thần cố gắng, ganh đua học tập của các con. Điều đó không phải là không có cơ sở. Khi mọi đứa trẻ đều được khen, được tặng giấy khen, vô hình chung chúng ta đã “cào bằng” năng lực, sự cố gắng của mọi học sinh. Quá “thả lỏng” tầm quan trọng của việc học, nguy cơ “đuối sức” khi chuyển cấp sẽ càng cao.

Điểm số, bản chất của nó là định lượng học lực của học sinh một cách đầy đủ nhất. Điểm số sẽ phản ánh chính xác nhất năng lực của trẻ để có thể bồi dưỡng, nâng cao hoặc trau dồi, rèn luyện thêm. Điểm số sẽ chỉ tạo ra áp lực với học sinh khi mà chúng ta quá đặt nặng thành tích, quá ngợi ca điểm cao và chê bai, đe nẹt khi trẻ nhận điểm thấp. Điểm số biến thành “áp lực” hay không do chính thái độ và cách ứng xử của chúng ta đối với kết quả học tập của con em.

Xin hãy trả lại cho học sinh tiểu học những con điểm vốn có và đừng đổ áp lực lên điểm số!

Ngọc Hùng
Tin liên quan