Ngày: 10/04/2018
Tư tưởng “học thừa còn hơn thiếu”
Hiện nay, hầu hết các em nhỏ trong độ tuổi mầm non ngoài việc học ở trên trường, ngoài giờ các em còn phải đi học thêm nhiều môn năng khiếu.
Không ít bậc phụ huynh quan niệm, độ tuổi mầm non là giai đoạn “manh nha” hình thành nên trí thông minh của trẻ vì vậy cần "dò mìn" xem cháu thích hoặc có năng khiếu mặt nào để kịp tập trung đầu tư phát triển cho bé.
Chị T.T.Hạnh, phụ huynh có con học tại tại trường mầm non ở quận Cầu Giấy, chia sẻ: “Con nhà tôi khá nhút nhát, ở nhà không thể hiện sở thích gì đặc biệt nên tôi muốn cho con học thử hết các môn để xem con có năng khiếu nào.
Bởi vậy, khi các phụ huynh rủ nhau lập lớp, tôi đăng kí cho con học múa, vẽ và đàn cùng với các bạn. Tôi nghĩ cứ cho bé thử hết, học thừa còn hơn thiếu”.
Cùng suy nghĩ như chị Hạnh, anh B.Đ.Quang có con trai 5 tuổi cũng cho biết: “Ở độ tuổi này, bé còn dễ bảo nên tạo điều kiện cho con học được càng nhiều càng tốt. Bé có thêm nhiều tài lẻ thì lại càng hay”.
Bên cạnh đó, cùng với sự mù mờ, bỏ qua sở thích, khả năng của con, nhiều phụ huynh đăng kí cho con mình tham gia nhiều lớp năng khiếu chỉ bởi theo… phong trào, thấy con hàng xóm học được thì con mình cũng phải theo, quyết không "thua chị, kém em".
"Thiếu hụt lớn nhất của các bậc phụ huynh Việt là không phát hiện được tiềm năng của trẻ"
Về vấn đề này, PSG. TS Nguyễn An Chất - chuyên gia nghiên cứu tâm lý cho biết: “Trong độ tuổi mầm non, các bé có xu hướng thích được vui chơi.
Do vậy, phụ huynh nên cho trẻ học trên tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Các cháu cần có thời gian để lĩnh hội những thứ mới thay vì nhồi nhét quá nhiều vào bộ não non trẻ của chúng”.
Cũng theo đó, ông nhấn mạnh việc cho con học thử hết tất cả môn năng khiếu là điều không nên bởi “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
Từ mục đích cho con được tiếp xúc nhiều kiến thức mới thì phụ huynh sẽ vô tình bỏ lỡ năng khiếu thực sự, làm thui chột đi khả năng vốn có ở trẻ. Hơn thế, việc làm này còn tác động tiêu cực đến tâm lý cho trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, áp lực hoặc ám ảnh mỗi lần phải đi học.
Một số phụ huynh còn “mua chuộc” con đi học bằng cách hứa mua cho con những món quà vật chất, điều này nảy sinh ra tâm thế thụ động, ỷ lại cho bé. Trẻ sẽ không có chính kiến và bị “dụ” thực hiện theo ý bố mẹ như một “con rối”. Cứ thế lặp đi lặp lại, dần dần, trẻ sẽ hình thành nên lối sống hời hợt, làm cái gì cũng không chuyên tâm vào một vấn đề.
Đầu tư cho con cái là một điều hết sức cần thiết nhưng thể hiện nó sao cho đúng thì các bậc phụ huynh cũng cần phải học cho mình những kỹ năng đó. Theo PSG. TS Nguyễn An Chất, cái thiếu hụt lớn nhất của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo Việt Nam là không phát hiện được tiềm năng của trẻ.
Khi biết được tiềm năng thì từ đó mới có thể bồi dưỡng, biến tiềm năng thành đam mê cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới cảm thấy hứng thú và yêu thích học hỏi môn học sở trường của mình.
Ông nhấn mạnh: “Chỉ cần có hai yếu là tiềm năng và đam mê thì chắc chắn sẽ thành công”. Để làm được điều đó, đòi hỏi phụ huynh phải bền bỉ, kiên nhẫn trong việc giáo dục con cái song song với việc phối hợp với thầy cô giáo, những người có chuyên môn để xác định ra đúng năng khiếu, tiềm năng của bé thông qua các hoạt động hàng ngày.
Trong độ tuổi này, các bé hiếu động, ham học hỏi và bắt đầu bộc lộ những sở thích riêng. Do vậy, bố mẹ và thầy cô giáo cần dành nhiều thời gian chú ý sát sao từng hành động nhỏ nhất của con. Ví dụ khi trẻ thường xuyên nghịch các hộp màu, vẽ vời hay thích phối các đồ với nhau thì thay vì mắng trẻ nghịch ngợm. Phụ huynh cần tìm hiểu và định hướng, tạo điều kiện để bé trau dồi, phát huy sở thích hội họa của mình.
“Người quyết định tương lai đứa trẻ chính là bản thân các cháu, bố mẹ chỉ là tạo dựng nền tảng để bé phát huy tiềm năng, bồi dưỡng đam mê của mình”, PSG. TS Nguyễn An Chất khẳng định.