Ngày: 14/04/2017
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, Dự thảo CT tổng thể đã kế thừa và phát huy những ưu điểm của CT GDPT hiện hành, đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển.
Đánh giá dự thảo CT tổng thể và giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo CT tổng thể đã thể hiện định hướng phát triển phẩm chất và năng lực (NL) của học sinh (HS); xác định được mục tiêu GDPT nói chung và mục tiêu giáo dục của từng cấp học. Chương trình đã thể hiện được sự khác biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp Tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
Bên cạnh đó, dự thảo CT tổng thể bước đầu đã xác định các lĩnh vực giáo dục, định hướng nội dung giáo dục ở từng lĩnh vực giáo dục, từng môn học và hoạt động giáo dục ở từng cấp học; bảo đảm được ở mức độ nhất định yêu cầu cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng giai đoạn giáo dục, cấp học, lớp học. Đồng thời dự thảo đã nêu được những định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả giáo dục...
Chương trình GDPT mới kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp
8 phẩm chất hình thành ở công dân nhỏ tuổi
Dự thảo CT tổng thể xác định: “CT GDPT nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: sống yêu thương; sống tự chủ; sống trách nhiệm.”
GS Thuyết cho rằng, ưu điểm của cách khái quát này là ngắn gọn. Tuy vậy, nếu mục tiêu giáo dục đạo đức chỉ giới hạn trong phạm vi ba phẩm chất đã nêu thì chưa đầy đủ. Đó là chưa kể cách hiểu của CT tổng thể về “sống tự chủ” (được giải thích là “sống trung thực, tự trọng, tự lực, chăm chỉ, vượt khó, tự hoàn thiện”) không phù hợp với nghĩa của từ “tự chủ” trong tiếng Việt, đồng thời cũng khác với nội hàm khái niệm “tự chủ” theo quan niệm của OECD .
Theo quan niệm Á Đông, con người cần có 5 đức tính cơ bản (ngũ thường): Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong mỗi quan hệ cụ thể giữa con người với con người, người ta cũng đề cao những đức tính đặc thù như Trung (quan hệ vua tôi), Hiếu (quan hệ cha con, mẹ con). Còn trong mối quan hệ với công việc, tiền bạc thì phải thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Đúc rút những giá trị truyền thống phù hợp với yêu cầu giáo dục con người mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã dạy HS: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”
Từ 5 điều Bác Hồ dạy HS và từ các văn kiện của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam như Nghị quyết 5 khóa VIII và Nghị quyết 9 Khóa XI, có thể rút ra 8 phẩm chất cần hình thành và phát triển ở các công dân nhỏ tuổi, sắp xếp thành từng cặp như sau:
- Nhân ái, khoan dung;
- Chuyên cần, tiết kiệm;
- Trách nhiệm, kỷ luật;
- Trung thực, dũng cảm.
Năng lực gắn với môn học
Dự thảo CT tổng thể xác định yêu cầu hình thành, phát triển ở HS một số năng lực (NL) chung và NL đặc thù môn học. Theo dự thảo, có 8 năng lực chung là: NL tự học, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo, NL thẩm mỹ, NL thể chất, NL giao tiếp, NL hợp tác, NL tính toán và NL tin học. Dự thảo CT tổng thể không xác định bất cứ NL đặc thù nào.
GS Thuyết cho biết, 8 NL chung được dự thảo CT tổng thể xác định là kết quả vận dụng CT GDPT của EU (Cộng đồng Châu Âu).Tuy nhiên, danh sách 8 lĩnh vực NL chung của EU dựa trên một căn cứ phân loại khác: NL chung (core competencies) là NL mà ai cũng cần có để sống và làm việc, phân biệt với NL chuyên biệt (special competencies) là NL chỉ cần với một số người hoặc chỉ cần trong một số tình huống nhất định (năng khiếu).
Trong khi đó, dự thảo CT tổng thể của Việt Nam phân biệt NL chung với NL đặc thù môn học dựa trên hai căn cứ khác nhau. Căn cứ xác định NL chung thì tương tự quan niệm của EU. Còn NL đặc thù môn học được xem xét trên một phương diện khác: Đó là NL mà một hoặc một vài môn học nhất định có ưu thế hình thành và phát triển do đặc điểm của môn học đó hoặc những môn học đó.
Theo GS Thuyết, trong danh sách các NL chung được CT tổng thể liệt kê, có những NL mà môn học nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho HS, như: NL tự học, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo, NL hợp tác. Bên cạnh đó, có những NL chủ yếu gắn với một, hai môn học, ví dụ: NL thẩm mỹ chủ yếu gắn với các nội dung giáo dục về văn học - nghệ thuật; NL thể chất gắn với môn Giáo dục thể chất; NL giao tiếp gắn với các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ; NL tính toán gắn với môn Toán; và NL tin học gắn với môn Tin học.
Sẽ có 5 lĩnh vực giáo dục
Để đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và NL của HS, dự thảo CT tổng thể xác định 8 lĩnh vực giáo dục là: 1) Ngôn ngữ và văn học; 2) Toán học; 3) Đạo đức - Công dân; 4) Thể chất; 5) Nghệ thuật; 6) Khoa học Xã hội; 7) Khoa học Tự nhiên; 8) Công nghệ - Tin học.
Ưu điểm của danh sách này là tiện đối chiếu với 8 NL chung mà CT tổng thể đã nêu. Tuy nhiên, GS Thuyết cho rằng, nó có hai nhược điểm rất rõ:
Thứ nhất, Thiếu tính khái quát, đặc biệt là khi so sánh với 4 lĩnh vực giáo dục theo quan niệm truyền thống: Đức, Trí, Thể, Mỹ. Bốn mặt này vừa thể hiện 4 mục tiêu giáo dục vừa là những lĩnh vực giáo dục bao trùm lên các môn học. Trong khi đó, 8 lĩnh vực mà dự thảo CT tổng thể nêu ra trùng khít với tên các môn học.
Thứ hai, Yếu về logic: Có ý kiến cho rằng Ngôn ngữ và văn học được tách khỏi các khoa học xã hội, Toán tách khỏi các khoa học tự nhiên (như cách phân loại truyền thống) để trở thành những lĩnh vực giáo dục riêng vì đó là những môn công cụ. Nhưng Văn học khó có thể coi là một “công cụ” đơn thuần. Trong khi đó, Tin học, một “công cụ” hiển nhiên, lại được ghép vào lĩnh vực Công nghệ - Tin học. Đó là những điều khó biện hộ.
GS Thuyết cho biết, quan điểm của chúng tôi, CT tổng thể nên trở lại với cách xác định lĩnh vực giáo dục có tính khái quát cao trong quan niệm truyền thống; chỉ bổ sung một lĩnh vực khó có thể “gói ghém” trong chữ “Trí”: Đó là giáo dục công nghệ - kỹ thuật.
Và như vậy, sẽ có 5 lĩnh vực giáo dục là: 1) Giáo dục đạo đức (Đức); 2) Giáo dục kiến thức khoa học (Trí); 3) Giáo dục thể chất (Thể); 4) Giáo dục thẩm mỹ (Mỹ); 5) Giáo dục công nghệ - kỹ thuật (Công).
Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 88: “Đổi mới CT, SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS.”