Thứ năm, 26/12/2024 22:33:58
4 câu chuyện thú vị về Tết Trung thu

Ngày: 12/09/2016

Tiếng trống múa lân rộn rã, những chiếc đèn lồng lung linh và hương bánh nướng thơm phức đang đưa tết Trung thu đến thật gần. Ngoài những điều thú vị này, mẹ còn có thể kể cho bé những câu chuyện thật hấp dẫn về chị Hằng, chú Cuội và ý nghĩa của ngày Trung thu.

Mỗi câu chuyện về ngày tết Trung thu đều có một lịch sử rất xa xưa và mang ít nhiều yếu tố huyền thoại trong đó. Lời kể trầm bổng, đưa đẩy sẽ chắp cánh cho trí tưởng tượng của bébay xa.

Sự tích chị Hằng

 

Ngày xửa ngày xưa, có một dịp kia, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu sáng làm đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân cũng không thể sống nổi. Lúc đó, có một người anh hùng tên là Hậu Nghệ đã trèo lên một đỉnh núi cao, giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, cứu sống muôn loài.

Từ đó, Hậu Nghệ nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều người đã tìm đến để xin làm học trò. Trong đó có Bồng Mông là một kẻ xấu bụng.

Hậu Nghệ có một người vợ rất xinh đẹp tên là Hằng Nga. Cặp đôi được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ. Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Ai uống thuốc này vào sẽ lập tức được bay lên trời, thành tiên. Chàng đưa thuốc cho vợ cất giữ, không may bị Bồng Mông nhìn thấy.

Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi mọi người đi khuất, tên Bồng Mông bèn mang kiếm đến ép Hằng Nga đưa thuốc tiên cho hắn. Trong lúc nguy cấp, Hằng Nga không biết làm gì hơn việc lấy thuốc tiên ra uống cạn. Uống xong, nàng thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.

Chị Hằng Nga tết Trung thu

Chị Hằng Nga cai quản cung trăng

Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, nghe được câu chuyện, rất tức giận và đau khổ nhưng Hằng Nga thì đã lên cung trăng, còn Bồng Mông đã trốn đi từ lâu. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Chàng kinh ngạc nhận ra mặt trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, có thêm một bóng người cử động trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến vườn hoa, nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất để tế nàng trên cung trăng.

Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian

Sự tích chú cuội

Chú Cuội là một tiều phu, tức là một người đốn củi ấy. Một hôm, khi  vác rìu vào rừng sâu tìm chặt cây, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, 

Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.

Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết trên bãi cỏ, Cuội bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!

Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng, ngày nào cũng cẩn thận tưới bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Cuội còn cứu sống một con chó con, từ đấy, có thêm một con vật nuôi trung thành.

Có một ông nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Chúng giết vợ Cuội, cố ý moi ruột rồi vứt xuống sông. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.

Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại.

Nhưng cũng từ đấy, vợ Cuội trở nên lãng đãng, hễ nói đâu là quên đó. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.

Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng. Từ đấy, chú Cuội ở mãi trên cung trăng một mình.

Sự tích bánh trung thu:

Một đêm trung thu, nhà vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào và ngắm trăng. Nhà vua thấy tên bánh hồ đào nghe không lãng mạn nên mới gọi là bánh Nguyệt (bánh mặt trăng). Từ đó, bánh trung thu được gọi là bánh Nguyệt. Theo thời gian, nhân bánh đã được thay đổi để trở nên phong phú hơn. Người ta thường ăn bánh cùng với uống trà để giảm bớt vị ngọt, cùng thưởng thức với những người thân trong gia đình để cảm nhận tình thân ấm áp.

Vì sao có ngày tết Trung thu?

 

Ngày tết Trung thu cũng gắn liền với vị hoàng đế Đường Huyền Tông. Ông vua này còn được biết đến với cái tên Đường Minh Hoàng.

 

Nhân một đêm rằm tháng tám, khi cùng các quan ngắm trăng, vua Đường bỗng ao ước được lên cung trăng. Một vị pháp sư đã làm phép đưa được nhà vua tới mặt trăng. Ở đó, nhà vua được đón tiếp linh đình.

Hàng trăm tiên nữ xinh tươi mặc áo lụa nhiều màu sắc rực rỡ, tay cầm tấm lụa trắng tung múa trên sân, vừa múa vừa hát, gọi là khúc Nghê Thường vũ y. Vua Đường thích quá, vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn.

Cuối năm đó, quan Tiết Độ Sứ cai trị xứ Tây Lương mang về triều tiến dâng một đoàn vũ nữ. Vua thấy điệu múa của họ có nhiều chỗ giống Nghê Thường vũ y, liền chỉnh đốn hai bài hát và hai điệu làm thành Nghê Thường vũ y khúc. Về sau các quan cũng bắt chước vua mang điệu múa hát về các phiên trấn xa xôi nơi họ cai trị rồi dần dần phổ biến khắp dân gian.

Tục ngắm trăng, xem ca múa sau đó biến thành thú vui chơi đêm rằm Trung Thu. Về sau tết Trung Thu lan rộng sang các nước láng giềng và thuộc địa của Trung Hoa. Dần dần, ngày tết này đã trở thành lễ hội của trẻ em.

Tết Trung thu trở thành dịp được trẻ em mong đợi

Mỗi dịp tết Trung thu, trẻ em lại nô nức với lồng đèn, bánh kẹo và những trò chơi

Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông Trăng”. Trong ngày này, trẻ em được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân rồi được ăn bánh nướng, bánh dẻo, chơi múa lân. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng rồi cùng nhau ăn bánh.

 

 

Bánh trung thu 2
NC
Tin liên quan