Thứ tư, 20/11/2024 03:33:00
Trường THPT Lương Định Của Nhiều chuyển biến trong công tác dạy và học

Ngày: 14/05/2019

 

Trường THPT Lương Định Của được thành lập tháng 7-2009 trên cơ sở nâng lên từ Trường bán công quận Ô Môn. Trường có quy mô 24 lớp, hơn 1.000 học sinh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (NQTW4 khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (NQTW4 khóa XII), Chi ủy và Ban Giám hiệu trường đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tạo sức bật mới trong công tác dạy học. Đến nay, tỷ lệ học sinh học lực yếu kém chỉ còn 3,28%, giảm 30,35% và tỷ lệ học sinh hạnh kiểm yếu kém chỉ còn 0,2%, giảm 4,4%, so với năm học 2011-2012.

Trong đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo NQTW4 khóa XI, Chi ủy và Ban Giám hiệu Trường THPT Lương Định Của thẳng thắn nhìn nhận một trong những hạn chế, khuyết điểm nổi cộm nhất của năm học 2011-2012 và những năm học trước, là việc chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục đại trà còn hạn chế, nhiều học sinh bỏ học, yếu về học lực và hạnh kiểm.

Việc tổ chức dạy thêm có sự quản lý chặt chẽ của trường đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà của trường.

 

Theo đồng chí Lê Anh Vũ, Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng trường, nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm này, từ năm học 2013-2014 đến nay, Chi ủy và Ban Giám hiệu trường đã quán triệt nêu cao ý thức, trách nhiệm của tập thể, giáo viên trong triển khai thực hiện các phương pháp giảng dạy hiệu quả; chỉ đạo các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề để tìm ra nguyên nhân yếu kém và đề ra giải pháp thay đổi phương pháp sư phạm. Từ đó, ở những lớp học sinh học lực khá giỏi, giáo viên đã thay đổi hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy bằng việc đưa ra bài tập, học sinh chia tổ thảo luận và giải. Các lớp còn lại, trường chia trình độ theo từng đối tượng học sinh, giao giáo viên có nhiều kinh nghiệm làm chủ nhiệm, triển khai phương pháp vừa dạy bài mới, vừa ôn lại kiến thức trung học cơ sở.

Trường cũng xin phép Sở Giáo dục tổ chức dạy thêm, trên cơ sở có sự quản lý của trường. Cụ thể, khối 10 và 11 dạy thêm 4 môn: toán, lý, hóa và Anh văn, mỗi môn dạy 2 tiết các buổi chiều thứ hai, tư, sáu; khối 12 tổ chức dạy thêm 8 môn: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa và Anh văn vào các buổi chiều thứ hai, ba, tư, sáu. Nội dung học thêm vừa ôn lại kiến thức cũ, kiến thức đang học và giải bài tập. Em Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 11A2, nói: "Trường tổ chức học thêm tại trường, giúp học sinh hiểu bài, nắm vững những kiến thức đã học, giải được nhiều bài tập khó, từ đó, điểm bình quân các môn học đạt cao hơn".

Chi ủy và Ban Giám hiệu trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên tăng cường bồi dưỡng đạo đức cho học sinh. Những học sinh nghỉ học từ 1-2 ngày, giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện thoại trao đổi ý kiến với phụ huynh; chỉ đạo Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao để thu hút học sinh tham gia. Trường xây dựng hệ thống tính điểm hạnh kiểm cho học sinh, trong đó có quy định trừ điểm đối với từng lỗi vi phạm và cộng điểm đối với những việc làm tích cực. Những sự việc nghiêm trọng xảy ra như đánh nhau, trộm cắp…, trường tìm hiểu kỹ nguyên nhân, kỷ luật khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường và phối hợp với cảnh sát khu vực để xử lý. "Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục đạo đức cho học sinh, đến nay, tỷ lệ học sinh có học lực khá giỏi đạt hơn 51%, tăng hơn 25% và tỷ lệ học sinh yếu kém chỉ còn 3,28%, giảm 30,35%, so với năm học 2011-2012; tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 1,89%, giảm 4,1% và tỷ lệ học sinh hạnh kiểm yếu kém chỉ còn 0,2%, giảm 4,4%, so với năm học 2011-2012. Từ năm học 2012-2013 đến nay, 100% học sinh đậu tốt nghiệp và lên lớp; năm 2016 Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; năm học 2015-2016, trường được UBND thành phố tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối THPT của thành phố" – đồng chí Lê Anh Vũ nói.

Đồng chí Lê Anh Vũ cho biết, tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục đạo đức cho học sinh, nhưng trong đợt kiểm điểm cuối năm 2016 gắn với kiểm điểm theo NQTW4 khóa XII, Chi ủy và Ban Giám hiệu trường thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế như: số lượng học sinh đậu vào các trường đại học chưa nhiều; một vài giáo viên trình độ năng lực vẫn còn hạn chế trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì thế, thời gian tới, trường sẽ tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh; tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt. Đến nay, Chi ủy cũng đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thời gian tới, Chi ủy sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giúp cán bộ, đảng viên thực hiện đúng đăng ký và cam kết nhằm ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.

 

Bài, ảnh: ANH DŨNG

 

Báo Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/
Tin liên quan