Thứ ba, 23/07/2024 05:36:58
HOẠT DỘNG TÌNH NGUYỆN TẠI KIM THƯỢNG , THẦN SA, VÕ NHAI

Ngày: 08/01/2016

TRỞ VỀ TỪ THƯỢNG KIM

     Tôi đã có dịp đồng hành cùng nhóm Sẻ chia hơi ấm trong vài chuyến đi. Mỗi chuyến đều đi đem lại cho tôi những cảm xúc khác nhau, nhưng có lẽ hành trình về với  Thượng Kim xã Thần Sa huyện Võ Nhai, Tỉnh Thái Nguyên thăm dân tộc Dao, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn cả…cảm xúc ấy đủ mạnh để tôi có thể viết ra những dòng này….

Đường vào Thần Sa- Võ Nhai- Thái Nguyên

      Nhắc đến Thần Sa người ta thường nhớ đến một địa phương giàu tài nguyên khoáng sản với nạn khai thác trái phép ở phía bắc của huyện Võ Nhai. Vậy nhưng, mấy ai biết được dù ở trên mảnh đất giàu tài nguyên khoáng sản ấy, cuộc sống của nhiều xóm bản đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn quá nhiều khó khăn. Bản người Dao Thượng Kim là một trong số xóm bản như vậy ở Thần Sa.

   

Đường lên Bản Thượng Kim- Thần Sa

     Thượng Kim cách trung tâm xã Thần Sa tới 20km, là bản xa nhất trong xã. Xe ô tô đưa chúng tôi đi khoảng 13km thì không đi được nữa, thế là cả đoàn xuống đi bộ. Cung đường uốn lượn quanh co, những con dốc dựng đứng, lội qua 5,6 con suối, men theo những cánh rừng hun hút  bên,vực sâu một bên, khoảng 2 giờ đồng hồ đi bộ chúng tôi cũng đến nơi. Cách trở, heo hút là những cảm nhận ban đầu cho những ai tìm vào bản. Bản người Dao Thượng Kim nằm biệt lập trong những lũng nhỏ. Quá khó khăn về hạ tầng cơ sở, nằm cách biệt  nên cái nghèo bao năm vẫn đeo bám bà con nơi đây.

     Bản có 33 hộ dân,100% là đồng bào dân tộc Dao. Trong đó có 27 hộ nghèo còn lại là hộ cận nghèo. Ở đầu bản là điểm trường Mầm non và Tiểu học Thượng Kim. Các lớp phải học trong khung nhà dựng tạm bợ. Các em học sinh phải học trong điều kiện cực kì thiếu thốn. Học trò đã vậy, thầy còn vất vả hơn nhiều. Thầy giáo Nguyễn Văn Hải (quê Phú Bình) là giáo viên Tiểu học Thần Sa bám trụ ở đây khá lâu. Một tiết học, thầy phải chạy đi chạy lại tới 4 tấm bảng để dạy cho 5 học sinh tiểu học, vì đây là lớp ghép trong căn nhà lá tả tơi. Nhưng bất ngờ hơn khi đến đây, người tiếp chúng tôi là một cô giáo mầm non. Đó là Lê Thanh Giang, một học sinh cũ của trường THPT Gang thép! Cô giáo phụ trách lớp mầm non gồm 10 cháu. Một cô gái nhỏ nhắn người thành phố, giầy và quần đầy bùn đất vì mới ngã xe trên con đường dẫn vào bản. Cô bé cười nhẹ nhàng và kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn nơi đây: Ở đây không có điện, không có sóng wifi, điện thoại thì lúc gọi được lúc không. Đường vào bản khó khăn, có những hôm trời mưa không đi được xe máy muốn ra trung tâm em phải đi bộ 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi thầm nghĩ: chắc cô bé phải yêu nghề lắm mới dám dũng cảm thân gái một mình đến đây lập nghiệp, giữa đỉnh một ngọn núi không người thân, không bạn bè. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là lương em chỉ được 2 triệu đồng!

     Đoàn tình nguyện của chúng tôi đã tặng 50 xuất quà gồm chăn ấm,quần áo, mì tôm, gạo, lạc, mì chính, nước mắm, sách vở, đồ dùng học tập … và những nhu yếu phẩm cho 33 hộ dân , giáo viên điểm trường và 15 học sinh  mầm non, tiểu học với mong ước giúp đỡ các thầy cô và các em bớt đi phần nào khó khăn.

 

 

 

 

 

Công đoàn trường THPT Gang Thép trao quà cho học sinh và các hộ dân trên Thượng Kim- Thần Sa- Võ Nhai

     Đây là chương trình giao lưu tình nguyện rất ý nghĩa của chúng tôi hướng đến các em học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn. Mảnh đất vùng sâu, vùng xa ấy đã ghi đậm dấu chân của các Đoàn viên Công đoàn trường THPT Gang Thép. Công đoàn trường THPT Gang Thép xin chân thành cảm ơn BGH, các thầy cô giáo, các em học sinh đã cùng phối hợp để Công đoàn nhà trường góp phần với Câu lạc bộ Sẻ chia hơi ấm làm tốt chương trình tình nguyện rất ý nghĩa này. Qua đó nhằm giáo dục tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đẹp đẽ trong truyền thống ngàn đời của dân tộc ta. 

Nguyễn Văn Duẩn
Tin liên quan